Hội nghị trực tuyến về chất vấn và trả lời chất
EmailPrintAa
14:49 13/08/2018

Sáng 13.8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ , Uông Chu Lưu , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về các vấn đền liên quan đến việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng tham gia phiên chất vấn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, có đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các thành viên đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
 

 

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nhóm vấn đề này được lựa chọn trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội. Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt kết quả tốt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các ĐBQH nêu câu hỏi đúng với các nhóm vấn đề chất vấn được đưa ra. Câu hỏi ngắn gọn, không đi vào nêu vấn đề, mà cần vào thẳng trọng tâm. Nhấn mạnh mỗi ĐBQH có một phút nêu câu hỏi, Bộ trưởng có ba phút trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, để bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian chất vấn, không ảnh hưởng đến lượt chất vấn của ĐBQH khác, sẽ ưu tiên cho các ĐBQH chất vấn được tranh luận. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các bộ trưởng trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề được đưa ra, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình khắc phục các điểm hạn chế.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

 

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến hơn 20 câu hỏi tập trung vào trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc liên quan đến tình trạng hạ tầng cơ sở nhất về về giao thông, văn hóa, trường lớp, y tế tại các vùng dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, yếu kém. Tìm kiếm việc làm và phát triển sản xuất của bà con dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Một số đại biểu phản ánh tình trạng du canh du cư, phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống của chính bà con...Trên cơ sở các vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và các thành viên chính phủ đưa ra các giải pháp căn cơ để khắc phục.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn

 

Giải trình các câu hỏi chất vấn của các đại biểu nhất là liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các vùng dân tộc thiểu số Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung phát triển giáo dục và nguồn nhân lực. Có các chính sách tạo sinh kế, hỗ trợ khởi sự kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm do bà con dân tộc thiếu số làm ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức cho bà con về ý chí vươn lên trong phát triển sản xuất.

Đối với vấn đề bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng hiện trạng hiện nay, dân cư phân bố đang rất rãi rác, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng.  Do đó việc bố trí, ổn định dân cư là việc làm hết sức cần thiết, tuy nhiên đòi hỏi nguồn lực lớn nên Ủy ban đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ để có các phương án huy động nguồn lực triển khai.

Về tổng thể Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến sẽ tham mưu Chính phủ tập hợp tất cả các chính sách để xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư đối với bà con vùng dân tộc thiểu số, cùng với đó là tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

 

Tại phiên chất vấn, các Bộ: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính...đã cùng tham gia trả lời, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu chất vấn liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Phát biểu tại buổi chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ nghiêm túc tiếp thu tất các ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn. Đồng thời khẳng định, dân tộc thiểu số là một bộ phận hết sức quan trọng cộng đồng dân tộc. Trong thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều sự quan tâm bằng nhiều chính sách, chương trình thiết thực nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy một số chính sách trong thời gian qua còn thiếu đồng bộ, xây dựng chưa sát với thực tế, chưa tạo được động lực để người dân tộc thiểu số vươn lên. Thu hút đầu tư của xã hội vào các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, sáng tạo trong phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng để nâng cao đời sống cho người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, Chính phủ sẽ tiếp tục Chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số miền núi còn nhiều khó khăn. Chính phủ cũng sẽ sớm nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ các vùng dân tộc thiểu số. Cùng với nguồn đầu tư của nhà nước thì cần tập trung thu hút các nguồn đâu tư xã hội để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy các tiềm năng lợi thế của các vùng để nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao trình độ cho bà con nhân dân vùng dân tộc thiểu số, đi kèm là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng y tế, nhất là về hạ tầng, phục vụ tốt nhất cho công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số; có các giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa tình trạng di cư tự phát bằng các chính sách bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống cho bà con.

 


    Ý kiến bạn đọc