Nhiều kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài
EmailPrintAa
16:30 14/09/2022

Sáng ngày 14/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, học tập ở nước ngoài, các cá nhân là người lao động trở về nước, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về nước, các nhà đầu tư là người Việt Nam trở về đầu tư trong nước. Dự làm việc có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch Hà Tĩnh UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo các sở, ngành liên quan
Đoàn Giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh

Hiện nay, Hà Tĩnh có khoảng 83,1 nghìn người đi đào tạo, học tập, công tác, sinh sống và lao động ở nước ngoài. Cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài luôn chấp hành pháp luật nước sở tại, phần lớn có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với môi trường nước sở tại; luôn hướng về xây dựng quê hương đất nước, có đóng góp đối với mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam nói chung, giữa các địa phương nơi bà con sinh sống với tỉnh Hà Tĩnh nói riêng; là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh, thu hút đầu tư, văn hóa, du lịch ra nước ngoài, kết nối doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong tỉnh.

​​Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội (ảnh Baohatinh.vn)​​

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã vận động các kiều bào đầu tư về quê hương 09 dự án, với tổng mức đầu tư 2.901,81 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở ngoại vụ Ngô Hoài Nam báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh

Bên cạnh các dự án đầu tư, hàng năm Hà Tĩnh còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với các hoạt động xây dựng quê hương và các hoạt động thiện nguyện. Trong các đợt lũ lụt tháng 10/2016 và tháng 10/2020, bà con kiều bào đã ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân Hà Tĩnh khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng;...

Thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh (ảnh Baohatinh.vn)

Từ năm 2018 đến tháng 8/2022, Hà Tĩnh có 40.186 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động xuất khẩu lao động góp phần quan trọng việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào Hà Tĩnh ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc ổn định, nâng cao đời sống, thu nhập các gia đình, hỗ trợ chính quyền các cấp xây dựng quê hương, đặc biệt là các hoạt động thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại Hội nghị

Các hoạt động gặp mặt kiều bào thường xuyên được tổ chức, nhất là nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc, các hoạt động diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, góp phần thắt chặt tình cảm, sự gắn bó giữa những người con xa quê với địa phương; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã trao đổi và tìm hiểu về một số nội dung như: công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyển dụng và xuất khẩu lao động; công tác đầu tư kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài; di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền của người di cư; cơ chế, chính sách bảo hộ, hỗ trợ người lao động;...

Các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài như: Đối tượng hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động là gia đình chính sách và hộ nghèo nên lượng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế; việc phát triển thị trường lao động chất lượng cao còn hạn chế; cơ chế yêu cầu đóng bảo hiểm theo các thị trường chưa rõ ràng; công tác quản lý lao động sau xuất cảnh chưa chặt chẽ; việc theo dõi, quản lý, kết nối thị trường với người lao động khi hết hạn hợp đồng về nước tại địa phương còn gặp khó khăn, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và phúc lợi, chính sách cho đối tượng này; khi hết hạn hợp đồng, người lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp còn cao; tình hình di cư trái phép với nhiều thủ đoạn mới và bị trục xuất có chiều hướng gia tăng; việc bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam tại nước ngoài gặp không ít khó khăn;…

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng hạn chế về số lượng, lượng kiều hối của kiều bào Hà Tĩnh ở nước ngoài tụt giảm trong thời gian gần đây; nhiều dự án có vướng mắc các vấn đề về pháp lý dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện; lĩnh vực quản lý hộ tịch còn nhiều bất cập.

Đại diện một số sở, ngành tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo làm rõ các ý kiến mà đoàn giám sát quan tâm và kiến nghị một số nội dung tới Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài như: Tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài; mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động; xây dựng cơ chế yêu cầu đóng bảo hiểm của lao động xuất khẩu theo từng thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư từ người Việt Nam ở nước ngoài; sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động di cư về nước để theo dõi, quản lý và có chính sách việc làm phù hợp với đối tượng này; hướng dẫn địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp đối với người lao động sau khi về nước; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương; định hướng thông tin cho người Việt Nam ở nước ngoài, thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhằm giảm thiểu người dân vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu báo cáo làm rõ các nội dung Đoàn giám sát nêu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đánh giá các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được phát huy, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan cũng như chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ thủ tục giải quyết các vụ việc lãnh sự có yếu tố nước ngoài và bảo hộ công dân ở nước ngoài và báo cáo kịp thời cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được biết để giải quyết kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động tại địa phương được chú trọng. Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều chính sách, hoạt động nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào địa phương nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Hà Tĩnh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, mục đích của đợt giám sát lần này của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội là nắm bắt các thông tin, những tâm tư, nguyện vọng, các giải pháp, kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác để nhằm hình thành một hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ liên quan về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, có nhiều cách làm hay, nổi bật và hiệu quả. Dựa trên báo cáo và trao đổi tại buổi làm việc, đề nghị tỉnh tiếp tục bổ sung thêm các giải pháp, kiến nghị, đề xuất một cách cụ thể hơn để đoàn giám sát kịp thời nắm bắt, báo cáo với Quốc hội.

​​Đoàn khảo sát thực tế dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài trở về đầu tư tại Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí và đua chó Xuân Thành

Theo chương trình, Đoàn đã khảo sát công tác đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài tại Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh; khảo sát thực tế dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài trở về đầu tư tại Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí và đua chó Xuân Thành, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc