Phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết của QH
EmailPrintAa
11:09 25/04/2013

Đến thời điểm này, các cơ chế chính sách phát triển KT-XH của chúng ta trong trung hạn và ngắn hạn đã rõ ràng. Kỳ họp cuối năm 2011, QH đã quyết định toàn bộ những vấn đề chiến lược của đất nước trong 5 năm

Chúng ta đã xác định rõ mục tiêu từ nay đến năm 2015 và mục tiêu cụ thể của năm 2012. Đó là ưu thế rất lớn. Cơ hội nữa là thời kỳ bão giá mà đỉnh điểm là các năm 2008, 2009, 2010 đã qua. Quý đầu năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhưng càng về sau, xu thế tăng giá càng chững lại, chậm hơn và đến những tháng cuối năm thì đã giảm nhiệt. Điều đó cho thấy biện pháp điều hành của Chính phủ đã có hiệu quả. Và điều này sẽ tác động tích cực đến năm 2012, là cơ sở cho nền kinh tế ổn định và phát triển.

Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng là mặc dù kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến xấu nhưng quan hệ quốc tế của Việt Nam rất khởi sắc. Ví dụ, cuối năm 2011, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 7 tỷ USD, có thấp hơn các năm trước nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa được ngăn chặn thì con số này là một thành công lớn. Đây sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam cất cánh trong năm 2012 và cả những năm tiếp theo.

Trong năm 2011, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ Hai, QH đã quyết định rất nhiều chính sách quan trọng như: giữ đất nông nghiệp 3,8 triệu ha; sắp xếp lại các khu công nghiệp; tạo điều kiện để phát triển các làng nghề đi đôi với việc bảo vệ môi trường làng nghề... Những chính sách này sẽ góp phần làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở hơn và sẽ thu hút được các nhà đầu tư. QH cũng đã quyết định 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy rằng, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện vẫn còn tình trạng  chồng chéo, chưa hiệu quả như mong muốn nhưng rõ ràng, các chương trình này sẽ tạo điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH.

Xét về mặt tổng thể và nhìn nhận khách quan, chúng ta thấy năm 2012 là năm có cơ hội để cất cánh. Tất nhiên, cất cánh như thế nào, cất cánh được đến đâu thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vai trò điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm, bản lĩnh của tất cả chúng ta.

Không chỉ cá nhân tôi mà có lẽ tất cả 500 ĐBQH đều có chung một mong muốn là, Chính phủ tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ mà QH đã đặt ra. Phải rà soát, sắp xếp lại việc chi tiêu ngân sách, bảo đảm đồng vốn đầu tư có mục tiêu, có hiệu quả, hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. Phải có những biện pháp quyết liệt để cải thiện chỉ số Icor; đầu tư đúng nơi, đúng chỗ; tránh tình trạng địa phương chủ nghĩa; tránh tư tưởng đầu tư tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2012 là năm bắt đầu triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015. Khối lượng công việc mà các Ủy ban của QH và QH phải xử lý trong năm và cả nhiệm kỳ Khóa XIII sẽ vô cùng to lớn và nặng nề. Nhiệm vụ tối quan trọng là các cơ quan của QH sẽ thẩm định Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, tham mưu cho QH quyết định và triển khai thực hiện Đề án này như thế nào cho hiệu quả. Chắc chắn các cơ quan của QH phải dốc toàn bộ sức lực cho nhiệm vụ này. Riêng Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ chủ động nghiên cứu vấn đề cải cách chính sách tiền lương để tham mưu cho QH thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Các cơ quan chuyên môn phải tập trung giải quyết vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và những hệ luỵ của quá trình này để định hướng cho các ĐBQH thấy rõ con đường, thấy rõ bước đi, nhiệm vụ cụ thể.

Cần xác định rõ với nhau là, trong điều kiện hiện nay, nếu chúng ta xác định các ưu tiên theo kiểu dàn hàng ngang thì không làm được. Phải xác định được thứ tự ưu tiên, cái gì làm trước, cái gì làm sau, cái nào có vai trò thúc đẩy, cái nào có tác dụng lan tỏa ... Tôi nghĩ, quan trọng nhất bây giờ là vấn đề cải cách chính sách tiền lương. Đây là cái gốc quyết định chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực và nếu có chính sách tiền lương tốt, chúng ta sẽ hạn chế được tiêu cực, tham nhũng. Thứ hai là nghiên cứu xem xét cải cách hệ thống giáo dục, đầu tư cho con người, đó chính là đầu tư cho sự phát triển. Thứ ba là phải quay trở lại với triết lý nhân văn của con người, đấu tranh để tồn tại và phát triển chứ không phải để tiêu diệt lẫn nhau. Điều này sẽ làm cho mọi người nâng cao trách nhiệm xã hội, có ý thức xây dựng, bảo vệ đất nước, không chỉ phê phán mà phải gương mẫu thực hiện. Ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là ba trụ cột của đất nước, phải có thống nhất, có giám sát lẫn nhau, có tranh luận, có đấu tranh, không nên một chiều, không nên dĩ hòa vi quý nhưng đấu tranh phải đặt ra mục tiêu đạt được cái gì. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, tức là phải nêu cao trách nhiệm của cả cộng đồng dân tộc, cả hệ thống chính trị và mọi người dân cần chia sẻ lẫn nhau, chung vai gánh vác, đoàn kết thống nhất, tự tin để tập trung khắc phục tồn tại, yếu kém và xây dựng đất nước.

Trong lịch sử, những năm Rồng thường sẽ mang lại nhiều may mắn và cơ hội lớn. Chúng ta đã kiên cường trải qua năm 2011 với rất nhiều khó khăn. Tôi hy vọng rằng, trong năm Nhâm Thìn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công hơn vì chúng ta cũng đã có một số nền tảng khá tốt.


    Ý kiến bạn đọc