Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải theo đến cùng các kiến nghị sau giám sát
EmailPrintAa
12:29 10/08/2013

Việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị, nghị quyết sau giám sát cho thấy quá trình tổ chức và tiến hành hoạt động giám sát có mang tính hình thức hay không, đã thực sự giám sát trúng và đúng chưa, mức độ phát hiện các vướng mắc, bất cập trong pháp luật cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như thế nào, sự tác động từ chủ thể tiến hành giám sát đến đối tượng giám sát và các ý kiến, kiến nghị đưa ra sau khi giám sát... Do đó, việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị, nghị quyết sau giám sát có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả giám sát của QH, các cơ quan của QH. Dẫu vậy, hiện đây vẫn là khâu yếu trong hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH

Sau khi có Luật, hoạt động giám sát của QH đã có hiệu quả rõ rệt

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của QH. Tăng cường hoạt động giám sát của QH đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là quan điểm nhất quán trong thực tiễn lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Điều 83 Hiến pháp 1992 quy định: QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. QH quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. QH thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 8, Khóa VII và Nghị quyết Trung ương 3, Khóa VIII đều nhấn mạnh yêu cầu:làm tốt hơn nữa công tác giám sát của QH. Tăng cường công tác giám sát tại Kỳ họp QH và hoạt động giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH, xác định trách nhiệm xử lý các kiến nghị của những hoạt động giám sát đó. Mọi ĐBQH phải gương mẫu tuyên truyền, giải thích, chấp hành pháp luật, tích cực chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước và ngay trong cơ quan lập pháp, tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật ở địa phương, đơn vị công tác của mình và từ thực tiễn mà rút kinh nghiệm để có những kiến nghị, bổ sung, hoàn chỉnh luật. Đại hội IX của Đảng (tháng 4.2001) tiếp tục khẳng định: nâng cao hiệu quả trong hoạt động lập pháp và hiệu lực trong giám sát của QH... Tăng cường chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, cơ chế đã được ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế giám sát trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao là Luật Hoạt động giám sát của QH. Để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, QH đồng thời phải chú trọng giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo một quy trình, thủ tục được xác định trong một đạo luật riêng. Có như vậy, hoạt động giám sát của QH mới thực sự công khai, khách quan và có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.

Thể chế hóa quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác giám sát của QH, xuất phát từ tình hình thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới, năm 2003, QH đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của QH, phân định tương đối rõ các hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH; đồng thời ghi nhận sự tham gia, phối hợp giám sát của MTTQ ở địa phương và các tổ chức đoàn thể. Trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát của QH cũng đã được xác định trong Luật làm cơ sở cho QH thực hiện có hiệu quả chức năng của mình.

Thực tiễn hoạt động giám sát của QH những năm vừa qua cho thấy, hoạt động giám sát của QH đã có nhiều đổi mới, ngày càng dân chủ, phương pháp, kỹ năng giám sát không ngừng được đổi mới. Hoạt động giám sát của QH sau khi có Luật Hoạt động giám sát của QH đã có hiệu quả rõ rệt, uy tín của ĐBQH qua đó cũng được khẳng định. Bên cạnh đó, các đối tượng chịu sự giám sát của QH cũng nhận thức được trách nhiệm của mình và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ do luật định. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Đặc biệt là tại 9 kỳ họp của QH Khóa XII (2007-2011) và 5 kỳ họp của QH Khóa XIII với những phiên giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. QH đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề cụ thể. Tại diễn đàn QH, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Ngoài ra, hoạt động chất vấn không chỉ diễn ra tại phiên họp toàn thể của QH mà còn diễn ra tại UBTVQH. Bên cạnh đó, các Ủy ban của QH như: Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật... đều đã tổ chức các phiên họp giải trình để nghe các bộ trưởng báo cáo, làm rõ những vấn đề bức xúc trong xã hội... Qua đó, QH, cử tri và cơ quan hành chính nhà nước đã thấy được nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và đưa ra được nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh về kinh tế - xã hội trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp của QH.

Thông qua hoạt động giám sát của QH, nhiều ĐBQH đã thể hiện bản lĩnh chính trị của mình và phát huy được tính đại diện của QH. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của QH trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế. Hiệu quả hoạt động giám sát vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân và quy định của hiến pháp, pháp luật. Một số nội dung giám sát quan trọng như việc giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; quản lý vốn và tài sản nhà nước; công tác cải cách thủ tục hành chính; hoạt động giám sát về phòng, chống tham nhũng cũng chưa thu được kết quả như mong muốn. Giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa làm được nhiều và thường xuyên. Việc lựa chọn phương thức giám sát còn bị động, nhiều cuộc giám sát mới dừng lại ở việc nghe báo cáo, nắm tình hình và chủ yếu dựa vào thông tin do chính các cơ quan chịu sự giám sát cung cấp. Các công cụ phục vụ hoạt động giám sát chưa đủ mạnh, do đó phát huy hiệu quả chưa cao. Chưa xây dựng được các thiết chế phù hợp để bảo đảm cho QH có đầy đủ điều kiện tiến hành hoạt động giám sát một cách thực chất. Đặc biệt, việc theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát chưa được chú trọng đúng mức.

Phải theo đến cùng các kiến nghị sau giám sát, không đánh trống bỏ dùi

Có thể nói, hiệu quả của hoạt động giám sát được đo đếm bằng việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các đối tượng chịu giám sát. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây vẫn là khâu yếu nhất trong hoạt động giám sát của QH hiện nay. Lâu nay, chúng ta mới chú trọng tới công tác xây dựng chương trình, nội dung giám sát và triển khai việc thực hiện kế hoạch, nội dung giám sát đã đề ra mà chưa coi trọng đúng mức công tác hậu giám sát, đó là việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát với đối tượng được giám sát. Thực tế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của Đoàn giám sát không được các đối tượng được giám sát và các cơ quan tiếp thu một cách nghiêm túc, do vậy không triển khai thực hiện đầy đủ, dẫn đến chất lượng của hoạt động giám sát chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và thậm chí, ở một chừng mực nhất định còn làm suy giảm lòng tin của cử tri, của nhân dân đối với cơ quan dân cử.

Phải theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận giám sát, không làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Để việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát đạt hiệu quả, phải coi việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát, xem đây là hoạt động thường xuyên mà QH, các cơ quan của QH cần phải thực hiện; phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Cụ thể, đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục ngay thì Đoàn giám sát có ý kiến yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện khẩn trương. Đối với những kiến nghị đã đến thời hạn giải quyết, cơ quan chủ trì cuộc giám sát có thể gửi công văn đôn đốc, yêu cầu báo cáo việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đối với những kiến nghị giám sát đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan cùng thực hiện thì Đoàn giám sát phải tạo điều kiện để đối tượng giám sát thực hiện.

Trong quá trình giám sát, cần chú ý phân loại các kết luận, kiến nghị sau giám sát để tổ chức theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, các kiến nghị sau giám sát. Chỉ đạo bộ phận giúp việc theo dõi, cập nhật các kiến nghị, thường xuyên rà soát việc thực hiện các kiến nghị đó của các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành. Đối với những kiến nghị chưa được thực hiện, QH, Đoàn giám sát phải có văn bản nhắc nhở, trường hợp cần thiết có thể tổ chức tái giám sát.

Ngoài ra, để việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát có kết quả tốt có thể và cần thiết phải đưa thành nội dung chất vấn tại các kỳ họp. Đây là biện pháp kiên quyết đối với những kiến nghị có tiến độ thực hiện chậm, các biện pháp khắc phục, sửa chữa của các cơ quan có trách nhiệm thực thi chưa đạt yêu cầu. Phải bảo đảm các kiến nghị, giải pháp đưa ra trong kết luận giám sát được thực thi trên thực tế.

Một vấn đề rất quan trọng để nâng cao chất lượng việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát, đó là các kiến nghị sau giám sát phải khách quan, có căn cứ khoa học và thực tiễn, sát đúng tình hình, phải chỉ ra được những hạn chế, thiếu sót, những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chính sách, pháp luật và đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có những giải pháp để khắc phục. Nếu chỉ dừng ở việc chỉ ra tồn tại, hạn chế và nguyên nhân mà không kiến nghị được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề thì vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm của người giám sát, cơ quan giám sát.

 

 


    Ý kiến bạn đọc