Thấy gì qua giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cấp thôn trên địa bàn huyện Thạch Hà
EmailPrintAa
11:34 10/12/2020

Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Thạch Hà đã tiến hành giám sát tại các xã: Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Liên, Thạch Đài, Việt Tiến, Ngọc Sơn, Lưu Vĩnh Sơn và Tân Lâm Hương về việc bố trí các chức danh, số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn và những người thực hiện các nhiệm vụ khác ở cấp thôn theo tinh thần Nghị định số 34/2019/CP, ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND, ngày 17 tháng 7 năm 2019 của HĐND tỉnh.

Ban Pháp chế HĐND huyện Thạch Hà làm việc với xã Thạch Đài

Hơn một năm qua, nhìn chung các xã đã thực hiện tương đối nghiêm túc Nghị định 34 của Chính phủ, Nghị quyết 156 của HĐND tỉnh và các quy định có liên quan của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cấp thôn. Công tác cán bộ được quan tâm toàn diện từ khâu quy hoạch đến khen thưởng và kỷ luật. Bộ máy từng bước được tinh giản và sắp xếp hợp lý hơn. Trình độ học vấn, chuyên môn, chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt theo hướng chuẩn hóa. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn; chế độ tiền lương, phụ cấp thực hiện khá kịp thời; dân chủ ngày càng được mở rộng; phong trào ở các địa phương phát triển khá toàn diện, nhất là trong việc xây dựng Nông thôn mới. Một số xã thực hiện khá tốt là Thạch Văn, Ngọc Sơn, Thạch Lạc, Việt Tiến và Thạch Liên. Đặc biệt ở Thạch Văn có sự đổi mới mạnh mẽ ở cấp thôn; xã có 5 thôn bố trí 6 người hoạt động không chuyên trách (trong đó 3 thôn Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn; 1 thôn Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn; 1 thôn còn lại cơ cấu Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận và 1 trưởng thôn); cán bộ thôn hầu hết trẻ hóa, được trang bị và sử dụng thành thạo máy vi tính, hoạt động khá tích cực, phụ cấp những người kiêm nhiệm nhiều chức danh lên tới 5 triệu đồng/tháng, tương đương với lương cán bộ, công chức của xã.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập, hạn chế cần khắc phục: Số lượng cán bộ, công chức dôi dư theo quy định còn nhiều, nhất là ở những xã mới sáp nhập; tổng số cán bộ, công chức của 8 xã là 220 người (chưa kể 41 công an chính quy chuyển về công tác tại xã), nếu theo quy định của Nghị quyết 156 HĐND tỉnh còn dư 69 người và nếu theo quy định của Nghị định 34 Chính phủ còn dư 61 người, cán bộ, công chức thừa mà lại thiếu (thiếu những chuyên môn cần thiết). Vẫn còn một số cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm chưa cao, năng lực chuyên môn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn còn lớn, 8 xã có 592 người/92 thôn, nhiều nhất xã Tân Lâm Hương 125 người, Lưu Vĩnh Sơn 122 người; nếu theo quy định còn dư khá nhiều. Chức danh chỉ huy trưởng quân sự ở mỗi xã mới sáp nhập có tới 2-3 người (tùy vào số lượng xã cũ sáp nhập) toàn cấp trưởng, không có cấp phó. Chế độ bồi dường cho những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn quá thấp, trước đây một chức danh trưởng các chi hội, chi đoàn phụ cấp bình quân khoảng 550.000 đồng/tháng, nay công việc kiêm nhiệm nhiều hơn lại chỉ được hưởng bình quân khoảng 250.000 đồng/tháng. Nhưng họ cũng không được hưởng nguyên khoản mà phải chia cho những người trong ban chấp hành chi hội, chi đoàn (2 hoặc 3 người), thực chất mỗi người chỉ được hưởng khoảng 80.000-100.000 đồng/tháng, cá biệt có nơi chỉ được 50.000 đồng/người/tháng dẫn đến làm việc thiếu động lực, hiệu quả đạt thấp, hiện tượng không muốn làm “cán bộ” thôn xảy ra khá phổ biến, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng bỏ bê công việc, làm đơn xin nghỉ việc giữa nhiệm kỳ, nguyên nhân chủ yếu vì thu nhập quá thấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình…

Từ thực tiễn ở cơ sở xin kiến nghị đề xuất với các cấp, các ngành một số nội dung như sau:

Đối với Trung ương và cấp tỉnh: Cần tổ chức khảo sát, đánh giá sơ kết hơn một năm thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị quyết 156 của HĐND tỉnh để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung  sát với tình hình thực tiễn hiện nay. Có sự thống nhất giữa Nghị định Chính phủ với điều lệ các đoàn thể  về ban chấp hành chi hội, chi đoàn ở cấp thôn để tính toán bồi dưỡng cho phù hợp. Mức chi bồi dưỡng những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn nên bằng mức cũ trước đây, có thể quy định, phân chia tỷ lệ cho các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã hỗ trợ (mức 40-50-60 triệu đồng cho mỗi thôn, theo ba loại). Điều chỉnh Nghị định 158 của Chính phủ, nâng thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của công chức Địa chính - Tài nguyên Môi trường từ 5 năm lên 10 năm để tạo điều kiện giúp xã trong công tác quản lý đất đai và xử lý những vấn đề còn tồn đọng (người mới khó nắm bắt và xử lý được). Cần có quy định cụ thể về biên chế của Ban chỉ huy quân sự xã, nhất là quy định chức danh người đứng đầu, không nên để nhiều người cùng cấp trưởng. Tiếp tục có kế hoạch chỉ đạo, giúp huyện và cơ sở tinh giản, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư còn lớn ở những xã mới sáp nhập (bình quân dư 15 người/xã). Nên cho các đồng chí là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã hưởng phụ cấp theo quy định. Bởi yêu cầu giảm được ít nhất 1 biên chế theo quy định trong Nghị quyết 156 của HĐND tỉnh là rất khó (cả huyện chỉ mới có 2/21 xã, thị trấn đồng chí kiêm nhiệm được hưởng), việc giảm biên chế không chỉ là trách nhiệm duy nhất của đồng chí đó, phụ cấp chỉ đồng chí đó không được hưởng.

Đối với cấp huyện: Hằng năm có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, nghiệp vụ cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn và những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn. Vì đại đa số làm việc bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo trường lớp. Tiếp tục rà soát, điều chuyển công chức ở những xã còn dôi dư sang các xã còn thiếu, nhằm ổn định tình hình và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xiết chặt kỷ luật kỷ cương và đánh giá đúng đội ngũ cán bộ, công chức theo thẩm quyền quản lý để có chiến lược cho cả nhiệm kỳ. Hằng năm, tiết kiệm chi tiêu, trích nguồn ngân sách vượt thu, hỗ trợ các thôn (207 thôn), nhằm động viên những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn và tổ trưởng tổ liên gia; vì hiện tại mức phụ cấp cho nhóm đối tượng này quá thấp, khi chưa có nguồn hỗ trợ của cấp trên. Từng bước giúp đỡ các xã mới sáp nhập về cơ sở vật chất, nhất là xây dựng thêm  phòng làm việc, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đối với cấp xã: Chú trọng nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành thời gian, tác phong, kịp thời chấn chỉnh những những cán bộ công chức vi phạm; chủ động đề xuất với huyện chuyển đổi, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường để có  hiệu quả cao hơn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cán bộ; hỗ trợ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, những người thực hiện các nhiệm vụ khác ở thôn và tổ trưởng liên gia. Cần đánh giá một cách khách quan về chất lượng hoạt động của các tổ chức, cá nhân, tránh nể nang, ngại va chạm. Chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn các tổ chức sắp tới như: Đại hội các đoàn thể, bầu cử HĐND, đại hội chi bộ, đại hội thôn, gắn kiện toàn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và tinh giản biên chế.

Công tác cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn và những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở cấp thôn bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Nếu chúng ta biết kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế thì đội ngũ những người hoạt động ở cấp xã, cấp thôn thực sự là “những cánh tay vươn dài” của Đảng và Nhà nước, chất lượng và hiệu quả ngày càng tốt hơn!

Nguyễn Lương Lĩnh - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà

    Ý kiến bạn đọc