Thị xã Hồng Lĩnh: Làm rõ trách nhiệm trong thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt
EmailPrintAa
20:11 08/11/2019

Sáng 8/11, Ban Kinh tế - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã và các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã giai đoạn 2016 - 2020. Cuộc làm việc được tổ chức với phương pháp đối chất trực tiếp, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện Đề án.

Nhìn chung, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền cơ bản đã được UBND thị xã và UBND các phường, xã được chú trọng; một số địa phương đã bám sát nội dung nghị quyết, Đề án cũng như kế hoạch của UBND thị xã, chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị mình và triển khai thực hiện khá nghiêm túc; ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác thu gom rác tại các hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, chấp hành đúng thời gian quy định và đóng nộp phí vệ sinh rác thải sinh hoạt đạt tỷ lệ khá cao (bình quân trên 90%); hệ thống mạng lưới thu gom tại các phường, xã, thị xã đã cơ bản thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; việc rà soát và đưa vào kế hoạch thu hàng năm được một số địa phương thực hiện nghiêm túc.

Phó chủ tịch UBND thị xã Lê Văn Bình báo cáo kết quả thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã giai đoạn 2016 - 2020 và giải trình các vấn đề liên quan

Đến nay, còn 02 đơn vị thực hiện mô hình Đội vệ sinh môi trường (phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc); 02 đơn vị bàn giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (Nam Hồng, Trung Lương); 02 đơn vị thoả thuận với Công ty môi trường đô thị để thực hiện thu gom (Bắc Hồng, Đức Thuận). Tính đến tháng 8/2019, có 86 người trực tiếp thu gom, giảm 4 người; 43 điểm trung chuyển, giảm 3 điểm; có 229 xe đẩy tay, tăng 87 xe; bình quân hàng năm vận chuyển và xử lý 8.300 - 8.500 tấn rác.

Tại cuộc làm việc, đại diện các đơn vị: Công ty Vinatex, Trường Mầm non Đậu Liêu, Công ty Như Linh, Ban quản lý Trung tâm Thương mại Hồng Lĩnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Trường Trung học cơ sở Nam Hồng và Trung tâm Văn hoá - Truyền thông thị xã cũng đã cung cấp các thông tin liên quan đến việc chấp hành Đề án của từng đơn vị và làm rõ thêm các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi, như việc xác định khối lượng rác để ấn định mức giá, việc thanh quyết toán...

Qua làm việc, các đại biểu tham dự đã phân tích, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm đối với các hạn chế trong việc thực thi Đề án, như: Việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong thực thi chưa chặt chẽ; phương án thu gom cũng như quản lý thu, chi nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý có lúc chưa kịp thời; việc quản lý các phương tiện phục vụ cho công tác thu gom có nơi còn buông lỏng; chế độ của người thu gom chưa được đảm bảo đầy đủ; tình trạng vứt rác bừa bãi tại các điểm liên phường, xã, huyện thị còn diễn ra…

Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Nguyễn Văn Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Ban kiến nghị UBND thị xã, UBND các phường, xã và các ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, gắn tuyên truyền với tổ chức thực hiện, kết hợp ký hợp đồng dịch vụ với công khai mức giá dịch vụ cụ thể cho các đối tượng của Đề án, nhất là khối cơ quan, doanh nghiệp; rà soát, đánh giá lại các mô hình thu gom trên địa bàn tiến tới lựa chọn và thực hiện thống nhất mô hình hiệu quả; rà soát, truy thu các cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa chấp hành Đề án, nhất là trong đóng nộp kinh phí; rà soát, điều chỉnh, bổ sung bộ kế hoạch thu kinh phí phù hợp thực tiễn, đúng quy định; nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ bảo hiểm cũng như bảo hộ lao động cho người thu gom rác; kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Bình Nguyên

    Ý kiến bạn đọc