Điều quan trọng nhất là niềm tin của Nhân dân
EmailPrintAa
16:46 19/02/2018

“Chúng ta đã và đang tạo được niềm tin lớn hơn của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Đây cũng là tiềm lực lớn nhất, vững bền nhất để chúng ta có thể vươn xa hơn nữa. ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân mới.

Lựa chọn việc khó hơn

PV: Từng được dự báo sẽ vẫn là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức nhưng một năm qua, chúng ta đã chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ của đất nước. Xin Chủ tịch chia sẻ đôi điều khi nhìn lại năm 2017?


Quốc hội đang nỗ lực thực hiện lời hứa của mình với cử tri và Nhân dân cả nước. Tôi tin rằng, mạch nguồn đổi mới của Quốc hội sẽ không bao giờ vơi cạn vì cội nguồn của những đổi mới ấy chính là để thực hiện đầy đủ, thực chất và hiệu quả quyền lực mà Nhân dân đã trao cho Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: 2017 là năm đầu tiên sau khá nhiều năm, chúng ta đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% vượt kế hoạch đề ra. Điều này đã đặt nền tảng tích cực cho năm 2018 và cả những năm tiếp theo trong kế hoạch trung hạn. Điều quan trọng nữa là, cả hệ thống chính trị đã chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân - một Nhà nước đang thực sự nỗ lực hành động vì mục tiêu phát triển bền vững. Dù chỗ này, chỗ kia vẫn còn chưa theo kịp sự chuyển động chung đó, nhưng những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội trong năm 2017, và công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm… đã và đang tạo được niềm tin lớn hơn của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đó cũng chính là tiềm lực to lớn nhất và bền vững nhất để chúng ta có thể vươn xa hơn nữa.

PV: Với riêng Quốc hội, nhìn lại năm 2017, Chủ tịch có đánh giá như thế nào?

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Đây là năm thứ hai của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV với bộn bề công việc. Chỉ riêng trong công tác lập pháp, một năm qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, 6 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật. Dù về số lượng, những con số này chưa phải kỷ lục nhưng đa phần đều là những dự luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rất rộng và có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững của đất nước như: Luật Quy hoạch; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)… Áp lực từ công tác lập pháp đối với các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH trong năm vừa qua thực sự là rất lớn.

Hay trong việc thực hiện chức năng giám sát, lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Mặc dù chỉ giới hạn trong giai đoạn 2011-2016 nhưng chuyên đề giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ những lực cản đối với tiến trình cải cách, cả về thể chế pháp lý, những lợi ích đan xen và trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó có cả trách nhiệm của chính Quốc hội, từ đó, đề ra những giải pháp đồng bộ để cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước quyết liệt hơn, hiệu quả thực chất hơn trong giai đoạn tới. Kết quả giám sát chuyên đề cũng tạo tiền đề, góp phần quan trọng vào việc triển khai kịp thời các nghị quyết của Hội nghị Trung ương Sáu Khóa XII.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Chương trình Trái tim cho em do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức nhằm gây quỹ từ thiện mổ tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh
Ảnh: Trọng Đức

Trong năm 2017, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đã tổ chức giám sát những vấn đề mà dư luận xã hội và cử tri quan tâm, điển hình là giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong cả các quy định pháp luật cũng như triển khai thực tế, những nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, từ đó cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương huy động nguồn lực xã hội nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng, phủ khắp các lĩnh vực dân sinh đến phát triển kinh tế, giáo dục... Chỉ riêng trong Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã thông qua tới 4 nghị quyết về: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

PV: Như Chủ tịch chia sẻ, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Thực tế là, không ít trong số các dự án luật đó từng khiến Quốc hội phải nâng lên, hạ xuống nhiều lần, thậm chí, phải “hạ” quyết tâm chính trị cao nhất mới có thể thông qua được. Quả thực, 2017 cũng là một năm nhiều vất vả ở “hậu trường” của Quốc hội, thưa Chủ tịch?   

Phải bình tĩnh trước những thách thức, kiên định với các mục tiêu đã đề ra và sáng tạo trong điều hành cụ thể để đạt kết quả vững chắc. Trong đó, giải pháp “lõi”, “giải pháp của các giải pháp” phải quyết tâm thực hiện là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, gắn thẩm quyền quản lý với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch các hoạt động quản lý của Nhà nước.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Không chỉ riêng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã đi qua một năm nhiều vất vả, nhiều nỗ lực. Là bởi, những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong năm qua, như tôi đã nói, có những nội dung vô cùng phức tạp, mới mẻ nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai nên sự cân nhắc, thận trọng là hết sức cần thiết.

Luật Quy hoạch chẳng hạn. Gần 2 năm kể từ khi được trình sang cơ quan của Quốc hội, đã không ít lần, các cơ quan liên quan đề xuất rút dự án Luật ra khỏi chương trình lập pháp. Thậm chí, ngay trước khi được thông qua theo dự kiến vào cuối Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã phải quyết định lùi thêm một kỳ họp nữa để chuẩn bị cho kỹ hơn, bảo đảm thấu đáo và tính khả thi của Luật. Hay như Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng cũng là những luật trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong suốt quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật này, liên tục các cuộc họp, thảo luận, làm việc giữa các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ, giữa lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đã được tổ chức với quyết tâm chính trị cao nhất. Và cuối cùng, tại Kỳ họp thứ Tư, với sự đồng thuận rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng vừa bảo đảm đưa ra được tư duy đột phá, cách mạng, đồng thời vừa bảo đảm tính khả thi của các luật này. Từ chỗ tranh luận quyết liệt như vậy, giữa các cơ quan của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, giữa Chính phủ và UBTVQH, Quốc hội, cuối cùng, với lý lẽ thuyết phục, chúng ta đã đạt được sự đồng thuận. Nhưng đúng là, thành công này có sự đóng góp hết sức quan trọng của các cơ quan của Quốc hội. Đã có rất nhiều ý tưởng được chính các cơ quan của Quốc hội đề xuất, hoàn thiện để đạt được mục tiêu của những đạo luật quan trọng này.

PV: Điều này dường như hơi khác với cách thức vận hành thông thường của Nghị viện các nước, nếu Chính phủ không thuyết phục được Nghị viện thì đơn giản là dự án luật đó sẽ được trả lại, thưa Chủ tịch?

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Chúng ta phân định chức năng của Chính phủ là cơ quan hành pháp, Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng mục tiêu cuối cùng của Chính phủ hay Quốc hội là như nhau. Đó là, phục vụ cho lợi ích quốc gia và lợi ích của Nhân dân. Trả lại, nói không với một dự án luật không bảo đảm tiến độ theo quy định hay chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra là rất đơn giản. Nhưng hệ quả của sự đơn giản đó sẽ là những khuyết thiếu về khung pháp lý, là những ách tắc, vướng mắc trong thực tiễn không được tháo gỡ kịp thời. Tất nhiên, dự án luật trình ra Quốc hội phải bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện, vì thế, lựa chọn việc kiên trì hoàn thiện nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ để thông qua các dự án luật ở cơ quan của Quốc hội là lựa chọn vất vả và khó khăn hơn nhiều so với việc trả lại cơ quan soạn thảo. Các cơ quan của Quốc hội đã phải vượt qua nhiều khó khăn về khối lượng công việc, về thời gian... Nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với tinh thần là cơ quan dân cử đã ý thức được rằng dự án đó, dự luật đó là cần thiết, là đòi hỏi cấp bách đối với sự phát triển bền vững của đất nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với thầy, trò Trường THCS Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La
Ảnh: Quang Khánh

Bình tĩnh trước thách thức, kiên định với mục tiêu

PV: Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, theo Chủ tịch, năm 2018 sẽ như thế nào?

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Năm 2018 và cả những năm tiếp theo, đất nước ta đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Điều này, Chính phủ, Quốc hội đã có những đánh giá cụ thể, sâu sắc tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Nền kinh tế đang yếu kém chỗ nào, công tác điều hành, quản lý đang khuyết ở đâu, cần tập trung vào những khâu nào, điểm nào… đến nay, chúng ta đều đã nhận thức rõ. Một điểm cần lưu ý nữa là, năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2021. Những kết quả của năm 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm. Vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai tích cực, đầy đủ các nhóm giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua. 

Phải bình tĩnh trước những thách thức, kiên định với các mục tiêu đã đề ra và sáng tạo trong điều hành cụ thể để đạt kết quả vững chắc. Trong đó, giải pháp “lõi”, “giải pháp của các giải pháp” phải quyết tâm thực hiện là tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, gắn thẩm quyền quản lý với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch các hoạt động quản lý của Nhà nước. Những việc chúng ta đã làm được trong năm 2017 là rất tích cực, đang tạo hiệu ứng lan tỏa và củng cố niềm tin trong Nhân dân. Bây giờ, phải làm tốt hơn nữa, thực chất hơn nữa. Phải tạo ra sự chuyển động rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn ở cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, từ Trung ương đến địa phương theo phương châm hành động, liêm chính, minh bạch.

PV: Trong sự chuyển động chung đó, Quốc hội có vai trò như thế nào, thưa Chủ tịch?

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, ngay trong hoạt động của Quốc hội cũng phải bảo đảm nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Những tờ trình, dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nào chưa thực sự cấp bách, không bảo đảm chất lượng, không đúng thẩm quyền xem xét, quyết định thì dứt khoát rút ra khỏi chương trình, trả lại và yêu cầu cơ quan liên quan phải hoàn thiện theo đúng quy định. Vừa qua, chúng ta đã nêu cao tinh thần này và cũng đã tương đối quyết liệt. Thực tế cũng còn một số dự án luật, nghị quyết chậm tiến độ so với yêu cầu nhưng do đây lại là những dự án luật, nghị quyết quan trọng, có tính cấp bách, trước đòi hỏi của thực tiễn không thể lùi được nữa thì các cơ quan của Quốc hội đã chọn lựa việc khó hơn là phối hợp với các bộ, ngành của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện bảo đảm chất lượng, tính khả thi của những dự án luật, nghị quyết này để trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, khâu chuẩn bị chưa tốt thì các khâu tiếp theo trong quy trình đều vất vả hơn. Tôi tin rằng, với cách làm việc như vừa qua, với sự kiên quyết hơn của UBTVQH và Quốc hội thì trong năm 2018, chất lượng chuẩn bị các dự án luật sẽ được bảo đảm hơn, nhất là về yêu cầu tiến độ.

PV: Đến thời điểm này, chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV với tinh thần nhất quán là đổi mới, đoàn kết, sáng tạo và hành động. Chủ tịch có hài lòng với những kết quả đã đạt được hay không?

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Điều này có lẽ nên để dành cho cử tri và Nhân dân đánh giá sẽ khách quan hơn. Tôi chỉ muốn nói rằng, Quốc hội đang nỗ lực thực hiện lời hứa của mình với cử tri và Nhân dân cả nước. Trong năm vừa qua, chúng ta cũng đã thấy, có những nội dung chưa bao giờ được truyền hình trực tiếp, như: Công tác thu chi ngân sách nhà nước, công tác tư pháp, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; có nội dung chưa bao giờ được trình Quốc hội thảo luận tại Phiên họp toàn thể như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… thì vừa qua, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã làm và điều đó đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Cử tri rất hoan nghênh, đánh giá rất cao những đổi mới này. Các kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tôi tin rằng, mạch nguồn đổi mới của Quốc hội sẽ không bao giờ vơi cạn vì cội nguồn của những đổi mới ấy chính là để thực hiện đầy đủ, thực chất và hiệu quả quyền lực mà Nhân dân đã trao cho Quốc hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 

 


    Ý kiến bạn đọc