Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, từ thực tiễn Đoàn Hà Tĩnh
EmailPrintAa
19:50 03/01/2021

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Đây là dịp để ĐBQH “nói cho dân nghe” và “nghe dân nói” nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các vấn đề đang đặt ra cho đất nước và địa phương từ đó đưa vào các quyết sách của Quốc hội; cũng từ đó để ĐBQH phổ biến, tuyên truyền pháp luật và các quyết sách Quốc hội đã thông qua.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Lộc Hà

Thực tế, hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được thực hiện bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức TXCT, mở rộng phạm vi, đối tượng, thu thập nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Không chỉ TXCT thường kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, Đoàn còn linh hoạt kết hợp với hình thức TXCT nơi cư trú, nơi công tác, theo lĩnh vực, chuyên đề và bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó, nội dung TXCT được chuẩn bị chu đáo, đi sâu, đi sát vào những vấn đề mà cử tri quan tâm. Các ĐBQH đã tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm, tham gia đầy đủ các cuộc TXCT không chỉ tại đơn vị được bầu mà còn cả địa bàn ngoài đơn vị được bầu, góp phần tăng cường tính đại diện. Đồng thời, Đoàn đã chú trọng phối hợp, lồng ghép TXCT của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một hội nghị nhằm giảm thiểu việc tổ chức nhiều cấp TXCT, giảm hội họp, giảm thời gian vật chất và kinh phí.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Hà Tĩnh

Tuy nhiên, hoạt động TXCT của ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cần tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để ngày càng hoàn thiện như: Hình thức TXCT chưa đa dạng; một số hoạt động TXCT của ĐBQH còn hình thức, chưa sinh động; ý thức của một bộ phận cử tri chưa cao; việc tổng hợp, giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri (KNCT) chưa kịp thời.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại Hương Sơn

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong thời gian tới, từ thực tiễn của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề ra một số giải pháp như sau:

Trước hết, cần hoàn hiện thể chế, pháp luật về tiếp xúc cử tri. Hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về quyền công dân, đặc biệt là các quyền về chính trị tạo nền tảng pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền của công dân trong hoạt động TXCT. Rà soát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động TXCT, từ đó xem xét, ban hành Luật Hoạt động TXCT của Quốc hội và HĐND các cấp, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động TXCT. Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, nhất là Quy chế phối hợp trong hoạt động TXCT, tăng cường phối hợp tổ chức TXCT nhiều cấp cho ĐBQH và đại biểu HĐND. Tiếp xúc cử tri là kênh hết sức quan trọng giúp ĐBQH có thêm những kiến thức thực tiễn phong phú để đưa cuộc sống vào pháp luật, từ đó để khi pháp luật và chủ trương lớn của Quốc hội được thông qua, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thứ hai , đối với công tác tổ chức thực hiện, kế hoạch TXCT cần chủ động xây dựng sớm, đảm bảo đúng thời gian quy định, bố trí khoa học, thống nhất với chương trình công tác chung của tỉnh. Hình thức TXCT cần phải linh hoạt tối đa, phù hợp điều kiện thực tiễn. Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từng cấp, ngành, cơ quan đối với hoạt động TXCT. Đoàn ĐBQH chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm, hình thức, thành phần phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, đảm bảo tính đại diện, sâu rộng, tránh trùng lặp, chồng chéo. Tiếp tục củng cố và kiện toàn Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH theo hướng đảm bảo tính ổn định, tăng tính chuyên nghiệp, bảo đảm về số lượng và chất lượng biên chế cán bộ chuyên môn theo vị trí việc làm, quy định rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về tổ chức, các yếu tố đảm bảo phục vụ hoạt động TXCT của ĐBQH.

Thứ ba , đối với công tác giải quyết, trả lời KNCT, cần nâng cao trách nhiệm giải quyết, trả lời KNCT của các cơ quan hữu quan, các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm mọi KNCT đều được xem xét, giải quyết, trả lời đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Yêu cầu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi trả lời KNCT đúng nội dung yêu cầu, đảm bảo chất lượng. Căn cứ điều kiện thực tiễn, cần nghiên cứu, cải tiến hình thức thông tin, tuyên truyền để kịp thời báo cáo kết quả giải quyết, trả lời KNCT của cơ quan có thẩm quyền đến cử tri. Song song với đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban TVQH, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH tiếp tục thường xuyên tăng cường giám sát việc giải quyết KNCT theo quy định; đối với những ý kiến trả lời giải quyết chưa thỏa đáng, cần tiếp tục đôn đốc, kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo giải quyết; chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng TXCT, giám sát, chất vấn cho ĐBQH.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc chuyên đề cử tri Ngành Y tế

Thứ tư , đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong TXCT, cần làm tốt từ khâu lựa chọn ĐBQH đáp ứng tiêu chuẩn của người ĐBQH, phải có năng lực và trình độ, có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, luôn trung thực, có bản lĩnh, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, rèn luyện các kỹ năng TXCT (nghe, nói, viết, giải trình...).

Ngoài ra, cần phát huy vai trò chủ động của cử tri trong hoạt động TXCT, quan tâm và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm bắt được các thông tin cần thiết về thời gian, địa điểm, mục đích, ý nghĩa của hoạt động TXCT. Đồng thời định hướng tốt để cử tri phát biểu đúng nội dung, thẩm quyền, có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả trả lời, giải quyết KNCT ngoài báo cáo tại hội nghị TXCT, cần đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri nắm rõ và là cơ sở để cử tri giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT của ĐBQH là nâng cao vai trò đại diện và sự gắn bó của đại biểu với cử tri. Bởi vậy, phải luôn gắn với đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử và năng lực của ĐBQH, phù hợp với các quy định của pháp luật về tiếp xúc cử tri, phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương, gắn với đòi hỏi nâng cao nhận thức, sự chủ động, tích cực của cử tri. Từ đó giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh

    Ý kiến bạn đọc