Theo báo cáo đánh giá của Đoàn giám sát: Trong giai đoạn 2005 - 2013, công tác giảm nghèo được thực hiện ngày một hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào nghèo ở các vùng, địa phương trên cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 7,8%; bình quân giảm 2%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân trên 6%/năm. Hiện có 15 chương trình tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong đó có hơn 483,5 nghìn hộ vay theo chương trình 167; hơn 6.123 hộ được vay xuất khẩu lao động. Ngoài ra Chính phủ còn thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác như: Dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ, miễn giảm học phí, cho sinh viên nghèo vay vốn, chính sách cử tuyển cho học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện các chính sách hỗ trợ các xã nghèo, huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo...
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát về giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định công tác giảm nghèo được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt, công tác giảm nghèo cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy vậy, do có nhiều chính sách nên nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bị phân tán, một số chương trình chồng chéo, khó đánh giá hiệu quả tác động riêng của từng chính sách, chương trình đối với kết quả giảm nghèo của đối tượng thụ hưởng, ngoài ra, do nhiều đầu mối quản lý các chương trình nên cũng dẫn đến tốn nhiều chi phí quản lý. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc, địa bàn các xã nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các ý kiến cho rằng, cần khuyến khích, tạo cơ hội cho các hộ thoát nghèo bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục cho các vùng khó khăn, các nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho nông dân và giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng giảm nghèo để thuận tiện trong việc thực hiện chính sách, hạn chế lợi dụng chính sách để được xếp vào hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo; quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng lại chuẩn nghèo cho phù hợp, chuẩn nghèo phải được điều chỉnh phù hợp với mức trượt giá hàng năm và phù hợp với các vùng khác nhau như: Vùng núi, vùng nông thôn, vùng thành thị.
Đặc biệt liên quan đến công tác giảm nghèo, vấn đề giảm chênh lệch mức sống được đặt ra, tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình bày báo cáo đánh giá thực trạng bất bình đẳng (chênh lệch mức sống) và nhận thức của người dân về bất bình đẳng. Theo WB, trong giai đoạn 2004 - 2010, chênh lệch giữa thu nhập trung bình của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ 7 lên 8,5 lần. Các nhóm dân tộc thiểu số ngày càng bị tụt hậu trong quá trình tăng trưởng. Bất bình đẳng (BBĐ) về thu nhập chính là kết quả tổng hợp của BBĐ về điều kiện, hoàn cảnh (xuất thân gia đình, dân tộc, tôn giáo) và BBĐ về cơ hội ( giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, đất đai, việc làm, thị trường...). Khảo sát tại: Hà Tây, QuảngNam, TP Hồ Chí Minh và Long An do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và WB cho thấy, người dân nhận thức về bất bình đẳng hay sự chênh lệch giàu nghèo đang tăng lên ở nhiều góc độ. Người dân có thể chấp nhận sự gia tăng BBĐ về thu nhập nếu điều đó được tạo ra từ các kết quả tích cực, xứng đáng với những người có học vấn, kỹ năng, tài năng, lao động chăm chỉ, chấp nhận rủi ro, có nền tảng gia đình vượt trội. Ngược lại, BBĐ về thu nhập hoặc BBĐ về cơ hội (chênh lệch về tiếp cận dịch vụ công, thị trường, cơ hội việc làm…) tạo ra bởi những cách thức không chính đáng thường không được chấp nhận.
Qua đó, nhóm nghiên cứu của WB khuyến nghị, cần quan tâm thực sự đến vấn đề giảm bất bình đẳng (cùng với vấn đề giảm nghèo bền vững), thông qua việc xác định mục tiêu, xây dựng các chính sách cụ thể, các chương trình giám sát, đánh giá về bất bình đẳng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cần có sự linh hoạt, dựa trên phân cấp và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, đảm bảo quy trình lắng nghe tiếng nói, phản hồi của người dân, tránh sự áp đặt, mất dân chủ trong thực hiện chính sách. Đặt trọng tâm vào giảm bất bình đẳng về cơ hội: Đầu tư hơn nữa vào cải thiện cơ sở hạ tầng tại những vùng khó khăn, khó tiếp cận, đầu tư có trọng điểm và có chất lượng hơn. Ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa miền núi và đồng bằng, giữa nông thôn và thành thị. Đẩy mạnh các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số trước khi đi học chuyên nghiệp nhằm giúp các em chọn ngành nghề học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch trong khu vực công nhằm tạo cơ hội công bằng trong việc chuyển các đầu tư cho giáo dục thành việc làm. Chấn chỉnh việc thực hiện sai lệch chính sách “xã hội hóa” trong dịch vụ giáo dục, y tế. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo theo hướng tăng hỗ trợ nâng cao năng lực tự thoát nghèo, giảm dần các hỗ trợ trực tiếp cho không, không có điều kiện.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát về giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao báo cáo đánh giá và các khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới về giảm nghèo bền vững gắn với giảm chênh lệch mức sống ở Việt Nam và các ý kiến đóng góp tại hội thảo. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tổng hợp báo cáo giám sát và báo cáo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII./.
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)