Đây là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBTVQH sáng 25.5.
Phiên họp thứ 48 Ủy ban thường vụ QH | Ảnh: T.Cường |
Làm rõ những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh: “nếu các cuộc giám sát tối cao mà không đưa ra được những nơi làm tốt, thuộc sự lãnh đạo điều hành của tỉnh nào, bộ, ngành nào, của cá nhân nào cũng như những nơi làm chưa tốt, trách nhiệm thuộc về ai, có địa chỉ cụ thể thì khó có thể đạt được hiệu quả.” Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị sau cuộc giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì cần phải có Nghị quyết của QH, trong đó có kèm theo chỉ tiêu cụ thể, khen chê cụ thể.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp | Ảnh: T.Cường |
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ý kiến: “Nhiều địa phương phản ánh, các địa phương chú trọng vào những xã đã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Còn những xã không được đăng ký, chưa đủ điều kiện đăng ký thì những tiêu chí tối thiểu để giải quyết khó khăn cho các xã này cũng chưa được quan tâm nhiều, nhất là những xã miền núi. Nên chăng mục tiêu, bên cạnh đưa ra chỉ tiêu các xã hoàn thành tất cả các tiêu chí, thì cũng cần có tiêu chỉ có bao nhiêu xã hoàn thành các tiêu chí cả bản, 5-10 tiêu chí chẳng hạn. Nhân dân tâm tư là đã khó khăn rồi thì lại ít được đầu tư nguồn lực, phải chăng đây là một dạng của bệnh thành tích, đề nghị Đoàn giám sát đi sâu nghiên cứu nội dung này. |
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát không thể không lưu ý những tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn trước khi nó là nông thôn mới. Chẳng hạn, về vấn đề những vướng mắc của hợp tác xã nông nghiệp, qua giám sát thì giải quyết vấn đề này như thế nào? Về kết quả đạt được, Chủ tịch QH chỉ rõ, gần 20% số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới thời gian qua rơi vào những xã điểm, xã ven đô, xã có điều kiện kinh tế xã hội khá hơn, nền tảng cơ sở hạ tầng tốt hơn. Báo cáo giám sát cần phải thể hiện rõ, những mặt chúng ta đạt được thời gian qua là dựa trên những thuận lợi; giai đoạn 5 năm tới để đạt được chỉ tiêu 50% số xã đạt chuẩn là rất khó khăn.
Về nguồn lực, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải làm rõ việc phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương theo từng vùng miền như thế nào? Về dư nợ 10.200 tỷ đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch QH cho rằng, nếu tính số nợ này trên tổng số nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư thì chưa chiếm tới 4% tổng nguồn lực. Nhưng chúng ta cần chú ý, những địa có dư nợ cao rơi vào 11 tỉnh phía Bắc. Vì vậy, cần tính toán số tỷ lệ giữa số dự nợ trên tổng số nguồn lực đầu tư của 11 tỉnh phía Bắc này thì mới có được đánh giá chính xác, thực chất.
Đối với nợ đọng trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc tâm tư rằng nợ đọng này có tạo thành hội chứng như Thái Bình năm 1997 hay không? Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, khi dư nợ của xã tăng cao, khả năng trả nợ khó khăn, thì có thể các xã lại tính đến chuyện quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bán đất lấy tiền trả nợ. Trong khi chủ trương chung của chúng ta là giữ diện tích đất trồng lúa. Như vậy, được việc nọ lại hỏng việc kia. Báo cáo giám sát cần phải mổ sẻ, phân tích kỹ vấn đề này.
Xem lại chính sách, bước đi ưu tiên
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần phải nghiên cứu đưa ra các tiêu chí một cách khoa học, dài hơi về bước đi trong quá trình thực hiện Chương trình, cần phải tính toán ưu tiên tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau. Vừa qua, dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, trụ sở... Trong khi đó, ở Trung Quốc, chính sách xây dựng nông thôn mới của quốc gia này được tổng kết trong 20 chữ “sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn xóm dân chủ, xã hội văn minh, chính quyền vững mạnh”. Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, cách sắp xếp này thể hiện việc ưu tiên phát triển sản xuất trước, sản xuất có phát triển thì đời sống người dân được nâng lên, lúc đó sẽ thực hiện các mục tiêu khác. Từ đó, Tổng thư ký QH đề nghị cần phải nghiên cứu các bước đi cụ thể, thứ tự ưu tiên trong xây dựng nông thôn mới của nước ta như thế nào để mang lại hiệu quả.
Về các kiến nghị, giải pháp sắp tới, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Đoàn giám sát cần chú ý đến nội dung những xã, huyện đã được công nhận nông thôn mới thì sắp tới có giải pháp gì thì tiếp tục duy trì các chỉ tiêu, tiếp tục phát triển. Nếu không có chủ trương, chỉ đạo này thì sắp tới chúng ta tiếp tục công nhận thêm các xã, huyện nông thôn mới thì các xã, huyện đã được công bố trước đó rất dễ lại tụt xuống, trở về nông thôn cũ. Đây cũng là nội dung được nhiều ý kiến của UBTVQH quan tâm, làm sao để xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích.
Cho rằng nội dung của chuyên đề giám sát là rất quan trọng, được cử tri đặc biệt quan tâm, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan tiếp tục triển khai hoạt động giám sát và phải chuẩn bị nghị quyết của QH về vấn đề này. Trong nghị quyết cần phải chỉ rõ bất cập, hạn chế hiện nay và trách nhiệm của từng cấp, từng chủ thể. “Địa phương làm gì, bộ nào làm gì, Chính phủ làm gì, QH phải sửa đổi chính sách gì nữa không để đến năm 2020 đạt được mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần phải đề cập cụ thể trong Nghị quyết,” Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
Nhất trí với 5 bất cập lớn được báo cáo giám sát nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng góp ý thêm, thời gian qua, có phong trào các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ra nước ngoài rất hiệu quả. Các doanh nghiệp đã đầu tư sang Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Nga... và chỉ trong 5- 6 năm là họ thu hồi vốn. Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thì vấn đề không thể thiếu được là chính sách của các quốc gia này cũng rất thuận lợi. Từ dẫn chứng này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị báo cáo giám sát cũng cần có phân tích chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta và các nước trên thế giới có gì khác nhau, từ đó xem xét chính sách của chúng ta có gì cần phải thêm hoặc bớt hay không?
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)