Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
EmailPrintAa
16:00 14/05/2020

Sáng ngày 14/5, Trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về “Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh Đoàn Hoài Sơn chủ trì hội thảo. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền cùng dự.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung xem xét các vấn đề như: Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm ở Hà Tĩnh; định hướng đào tạo nghề phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp ở Hà Tĩnh trong đào tạo nghề và tuyển dụng nguồn nhân lực; hợp tác đào tạo với các trường dạy nghề với nhằm nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh; giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm ở Hà Tĩnh; thực trạng và giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh Đoàn Hoài Sơn: Đề nghị các đại biểu tập trung phân tích t hực trạng, ​ chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn

Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã ban hành khá nhiều chính sách để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 14 chương trình, đề án, 5 chính sách trên lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm lo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; huy động 425 tỷ đồng đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn​: Từ kết quả nghiên cứu cần nêu rõ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT

Sau 10 năm triển khai, tỉnh đã đào tạo được gần 64 ngàn LĐNT; đào tạo xuất khẩu lao động, giáo dục định hướng từ 5.000-6.000 người/năm (riêng năm 2018 gần 9.000 người) và thực hiện đào tạo nghề theo các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia khác. Việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò của định hướng, đào tạo nghề nghiệp trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Trường Đại học Hà Tĩnh: Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn lớn; tình trạng dư thừa nguồn nhân lực sau đào tạo của Hà Tĩnh ngày càng gia tăng

TS. Hồ Thị Nga, Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần liên kết các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh trong đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn theo nhu cầu của sinh viên

TS. Nguyễn Xuân Ninh ( Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức) : Các cơ sở GDND cần chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của các nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp; có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động; chương trình đào tạo, chất lượng, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu; một số lao động được đào tạo nghề nhưng vẫn chưa có được việc làm. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa thật phù hợp; chất lượng đào tạo chưa cao, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chậm cập nhật, đổi mới và chưa gắn chặt giữa lý thuyết và thực hành sản xuất. Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ths. Nguyễn Thị Hương Giang, Trường Đại học Hà Tĩnh: Trong chương trình dạy nghề cho LĐNT cần quy định về thời lượng, nội dung, phương pháp đào tạo…

Ths. Nguyễn Thị Kim Nhung, Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần có các giải pháp để thu hút doanh nghiệp tham gia sâu trong việc đào tạo nghề cho LĐNT

Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐTBXH  Đặng Văn Dũng: Việc gắn kết đào tạo giữa Trường Đại học Hà Tĩnh và các trường nghề trên địa bàn sẽ giúp HSSV, người lao động có thêm cơ hội việc làm

Từ những vấn đề nêu trên, các đại biểu dự đã đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; tập trung cao xã hội hóa công tác đào tạo nghề; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và cơ quan quản lý chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tính công khai minh bạch, chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nghề. Các cơ sở GDNN cần chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của các nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp; có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; các doanh nghiệp cần phải có chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở GDNN, HSSV; bổ sung một số cơ chế chính sách phù hợp để huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền: Tiếp tục nghiên cứu sâu và tham mưu cho tỉnh những chính sách phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đánh giá cao những tham luận sâu sắc của các đại biểu, các tham luận đã chỉ rõ được những kết quả, khó khăn, tồn tại và nêu nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là văn kiện sắp tới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để tiếp cận với phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thay đổi phù hợp trong đào tạo nghề cho LĐNT; ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm sau đào tạo. Làm rõ  hơn các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu sâu và tham mưu cho tỉnh những chính sách phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc