Nhiều ý kiến góp ý Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
EmailPrintAa
22:42 23/09/2021

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 23/9/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “công tác thi đua, khen thưởng” và lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà; Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các vị đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng một số sở, ngành, đơn vị.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến 23/11, chia thành 2 đợt; trong đó, đợt 1, từ ngày 20/10 đến ngày 03/11, Quốc hội họp trực tuyến; đợt 2, từ ngày 8/11 đến 23/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tại Kỳ họp này, về công tác lập pháp, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 02 dự án Luật, 02 dự thảo Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 05 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nguyễn Văn Hùng : Việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua được thực hiện nghiêm túc, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; xem xét Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thi Thu Hà điều hành việc lấy ý kiến dự thảo Luật.

Đánh giá về Luật Thi đua, khen thưởng; các đại biểu nhất trí cho rằng: Luật được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004; Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013). Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà Đặng Hữu Diệu: Các tiêu chuẩn xét khen thưởng mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao nên tỷ lệ khen thưởng cấp Nhà nước đối với người lao động trực tiếp còn thấp.

Trần Thị Thu Hiền, Phòng Nội vụ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh: Cần gắn kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 90/NĐ-CP của Chính Phủ với tiêu chuẩn tặng các danh hiệu thi đua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng chưa cụ thể, thống nhất, phải điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật. Việc phân cấp, phân quyền trong khen thưởng chưa quy định rõ; tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, đối tượng tập trung chủ yếu vào khen niên hạn. Luật hiện hành chưa bao quát hết các đối tượng nhất là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; khen thưởng chưa bám sát các phong trào thi đua, chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính...

Chủ trì hội nghị

Do đó, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 100 Điều (giảm 03 điều so với Luật hiện hành), đã sửa đổi và điều chỉnh 79 Điều; có 11 Điều Luật hiện hành bị bãi bỏ, trong đó có 2 Điều bỏ hoàn toàn (Điều 11 của Chương I và Điều 32 của Chương III), có 9 Điều khác được gộp lại nhằm giảm bớt các điều không còn phù hợp trong dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất. Dự thảo Luật có 07 điều mới, trong đó có 02 điều mới hoàn toàn và 05 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Khoa Văn: Không nên hạ mức tiêu chuẩn khen thưởng đối với huân chương các loại, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ vì dễ dẫn đến “lạm phát” huân chương và bằng khen Thủ tướng Chính phủ mà nên nâng mức độ khó với khen thưởng cao nhằm đảm bảo chất lượng, giảm số lượng, tránh cào bằng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy: Quan tâm kịp thời trong việc khen thưởng và khen thưởng bậc cao đối với hội viên nông dân là những điển hình có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Qua nghiên cứu Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: Dự án Luật đã bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Trong đó, việc bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 27) là phù hợp thực tiễn nhưng cần quy định rõ về tiêu chuẩn để phân biệt với danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”. Việc sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền, trách nhiệm phát động thi đua, nội dung thi đua, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, trong đó bổ sung thẩm quyền của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua (Điều 16) là cần thiết. Dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp… Việc khen thưởng đột xuất tầm quốc gia nên tặng Huân chương lao động hạng 3 không nên có hạng Nhì. Cần bổ sung truy tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân đối với các Nhà giáo, Thầy thuốc nổi tiếng, có quá trình cống hiến to lớn với ngành, có uy tín rộng rãi. Các sáng kiến nên quy định phải đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, không nên có nhiều sáng kiến cấp bộ, tỉnh như hiện nay; bỏ khái niệm sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục; phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến công luận khi đề xuất khen thưởng mức cao. Việc trao thưởng cần trang trọng, đảm bảo tính vinh danh cho các đối tượng được khen thưởng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Chánh Thành: Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm đối với việc cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua khen thưởng đối với những người thủ tục thi đua khen thưởng.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Cẩm Thạch: Việc bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng cho đối tượng Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến là cần thiết nhằm động viên kịp thời.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đã đóng góp tích cực vào việc sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua; thẩm quyền, trách nhiệm phát động thi đua; nội dung thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; công tác cải cách thủ tục hành chính; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng; bố cục, câu chữ…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Các ý kiến của đại biểu, Đoàn sẽ tổng hợp, phân loại đầy đủ gửi đến ban soạn thảo và nghiên cứu để phát biểu tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc