Quốc hội với công tác phòng, chống tham nhũng
EmailPrintAa
20:32 25/08/2012

Tham nhũng – đã và đang là đề tài nóng. Nóng trong dư luận xã hội, nóng trên nghị trường QH và nóng từ diễn đàn hội thảo, hội nghị… Có lẽ không quá khó để nghe được những câu chuyện về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở các mức độ khác nhau. Gọi phòng, chống tham nhũng là “cuộc kháng chiến trường kỳ”, tham dự Hội thảo về vai trò của QH trong phòng, chống tham nhũng do Viện Nghiên cứu lập pháp – UBTVQH tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, đây là công việc khó khăn, nóng bỏng, nhưng có thể thực hiện nếu có quyết tâm chính trị. Và với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, QH đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc này

Tham nhũng là quốc nạn

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong xã hội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ, hoặc cố ý làm trái pháp luật, trái quy định của nhà nước vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại về tiền và tài sản của nhà nước, tập thể và nhân dân. Tham nhũng là mối  nguy cơ xâm hại đến hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Tham nhũng là quốc nạn!

Mặc dù thời gian qua, chúng ta cũng đã có những biện pháp để phòng, chống tệ tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi. Ở các mức độ khác nhau, tham nhũng diễn ra trên hầu hết trên các lĩnh vực của cuộc sống: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... Tình trạng tham ô, hối lộ, sách nhiễu, biển thủ cố ý làm trái, làm sai các quy định của nhà nước vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí có nơi, có lĩnh vực còn có những diễn biến nghiêm trọng, phức tạp. Điều này đã tác động tiêu cực đến trật tự kỷ cương phép nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng của nhà nước và quyền lợi của người dân.

Thực tế cũng cho thấy, một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng để trục lợi. Điều mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua đó là tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công ngày càng nhiều. Là người mang theo rất nhiều băn khoăn, trăn trở và cả sự bức xúc của cử tri trước tình trạng tham nhũng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay trong đó có lĩnh vực đầu tư công, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn đã thẳng thắn chỉ ra một thực trạng là: chính sách đầu tư công hiện nay chưa có sự minh bạch. Ví dụ như câu chuyện xin - cho dự án. Đây là cơ hội để cho những đối tượng có chức vụ quyền hạn, thiếu lương tâm tìm cách để trục lợi cá nhân. 

Nhìn nhận về tham nhũng ở một góc độ khác, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn cho rằng, cần phải coi đây là loại giặc. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay thì tham nhũng đang là quốc nạn. Ủy viên thường trực Trương Anh Tuấn cũng đã phải chua xót trước tình trạng khá phổ biến hiện nay là tham nhũng đã len lỏi vào ngóc ngách của đời sống và đã chạm vào văn hóa “chạy”. Đó là chạy học, chạy điểm, chạy quyền, chạy ô dù, chạy dự án, chạy tội, chạy án, chạy tù...  Điều đáng lưu ý là tham nhũng có rất nhiều ở các lĩnh vực, nhưng để chỉ ra rất khó. Tại sao khó? Khó là vì, đây là vấn đề nhạy cảm, sẽ động chạm, khó nói ở công đường – Ủy viên thường trực Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trước vấn nạn tham nhũng, câu hỏi đặt ra, khó thế, nhạy cảm thế, thì chống như thế nào và cơ quan nào đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ này?

Tiền của dân chi đến đâu, QH phải giám sát đến đó

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả tích cực, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn thì tình hình tham nhũng vẫn chưa thực sự được đẩy lùi. Cử tri, nhân dân và dư luận xã hội đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò của cơ quan quyền lực tối cao đó là QH. 

QH với chức năng lập pháp – thiết lập nền pháp chế về phòng, chống tham nhũng và với chức năng giám sát để buộc các cơ quan hành pháp có trách nhiệm giải trình về các hoạt động liên quan đến tham nhũng. Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của QH Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Nhưng theo đánh giá của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, với nhiều hình thức văn bản và nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành. Trong khi đó các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đặc biệt là ở Trung ương còn hạn chế về mặt áp dụng trực tiếp, thông thường vẫn phải chờ văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan cấp dưới ban hành. Chính hạn chế này đã tạo ra nhiều cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng.

Với chức năng cơ bản và duy nhất thuộc về QH là lập pháp, QH hoàn toàn có quyền chủ động trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp và người dân được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm nhất và có nhiều cơ hội để cho tham nhũng hiện diện nhất. Đối với lĩnh vực này, cần phải có một cơ chế rõ ràng hơn để QH thực sự thực hiện tốt vai trò giám sát, lắng nghe kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trước khi thông qua các đạo luật. Đồng thời, cần phải chú trọng hơn khâu triển khai thi hành luật, cụ thể hóa các quy định liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, hướng dẫn một kiểu làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Và nếu minh bạch hóa, công khai hóa được các quy định này thì có lẽ không có cơ hội để cho sách nhiễu xuất hiện.

Để nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát và hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, QH cần có cơ chế tăng cường chức năng giám sát ban hành và thực thi văn bản. Đây là công việc hậu kiểm nhưng rất quan trọng: giám sát các quy định của văn bản do các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn thi hành đúng với các quy định của các văn bản cấp trên hay không; giám sát việc áp dụng các quy định của pháp luật trên thực tế có đúng hay không?... Bên cạnh đó, với vai trò là một trong những cơ quan đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, QH phải thể hiện được vai trò quyết định, phân bổ, phê chuẩn và giám sát ngân sách, hay quyết định chủ trương đầu tư của các chương trình, dự án quan trọng quốc gia. Các quyết định của QH về kinh tế, tài chính về ngân sách tài khóa phải thực sự thực chất, thực quyền. Với vị thế là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân, QH phải tăng cường thực hiện quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động kinh tế, tài chính, tính hiệu quả, tính thực tiễn của các chủ trương, các chính sách kinh tế, tài chính tiền tệ trong đời sống KT – XH. Chỉ có giám sát một cách thường xuyên, liên tục, toàn diện và có hiệu quả thì QH mới có đủ căn cứ để xem xét, quyết định các vấn đề, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch Nước, cho rằng, thực hiện quyền giám sát tối cao thuộc về QH, tiền của dân chi đến đâu thì QH phải giám sát đến đó. Có giám sát chặt chẽ thì mới hạn chế được tham nhũng. Thực tế, hiện nay hành lang pháp lý về vấn đề này không thiếu, quan trọng là phải có quyết tâm chính trị để thực hiện.

Dẫu biết rằng, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ nặng nề và không dễ để thực hiện trong ngày một, ngày hai nhưng điều mà có thể tin tưởng là sẽ làm được và chắc chắn làm được nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là có sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân.


    Ý kiến bạn đọc