Thông tin đa chiều để nói đúng và quyết định trúng
EmailPrintAa
15:39 06/07/2016

Đại biểu cần phải có thông tin để nói đúng và quyết định trúng. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, đại biểu cần phải có kỹ năng và phương pháp thu thập, chọn lọc thông tin phù hợp với yêu cầu hoạt động của QH, tránh sa vào “mê hồn trận”.

Lắng nghe dân để không xa rời thực tế

Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của mình, các ĐBQH sẽ phải tham gia vào hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với mỗi lĩnh vực hoạt động của QH, thông tin và cách thức xử lý thông tin lại có những đặc thù.

Ảnh minh họa Nguồn: ITN

Mỗi đại biểu nên có một cuốn sổ tay nhỏ luôn mang theo người để kịp thời ghi chép những thông tin hữu ích khi đọc báo, tài liệu, nghe radio, xem truyền hình, dự hội nghị… Đại biểu có chuyên môn, có sở trường ở lĩnh vực nào thì nên tập trung nghiên cứu, thu thập thông tin về lĩnh vực đó, theo phương châm: “Biết nhiều, hiểu sâu một vài lĩnh vực”.

Cụ thể là, trong hoạt động lập pháp, đại biểu có nhiệm vụ tham gia ý kiến vào chương trình xây dựng pháp luật, tham gia ý kiến và thông qua dự án luật. Để tham gia xây dựng các dự án luật, đại biểu cần phải có đầy đủ thông tin về các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật đang còn hiệu lực liên quan đến nội dung của dự án luật. Đại biểu cần nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội trong nước; tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của nhân dân liên quan đến lĩnh vực mà dự án luật đang dự kiến điều chỉnh. Nếu không nắm chắc các thông tin này, đại biểu rất dễ đưa ra những ý kiến xa rời thực tế.

Đại biểu cũng cần nghiên cứu các văn bản pháp luật tương tự ở các nước trên thế giới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nước ta đã và đang hội nhập sâu với thế giới, các mối quan hệ song phương, đa phương ngày càng mở rộng, vì thế luật pháp của nước ta cũng phải bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế và không xung đột với luật pháp các nước mà chúng ta tham gia ký kết.

Trong hoạt động giám sát, đại biểu cần nắm chắc nội dung nghị quyết của QH, các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát; thông tin về vấn đề giám sát, đối tượng giám sát, được thu thập từ báo cáo của đối tượng giám sát, của các cơ quan liên quan; thông tin về ý kiến, kiến nghị của nhân dân, cử tri và dư luận xã hội về vấn đề giám sát, đối tượng giám sát.

Trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, theo quy định của Luật Tổ chức QH, những vấn đề quan trọng đại biểu thường xuyên phải tham gia quyết định gồm: Chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và việc giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước... Đối với mỗi vấn đề, việc khai thác thông tin có khác nhau, nhưng tựu chung lại cần có thông tin đầy đủ về kết quả thực hiện thời gian qua, những yếu tố tác động đến vấn đề phải quyết định trong thời gian tới (dự báo) và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước... Riêng đối với báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và báo cáo kết quả giải quyết ý kiến cử tri, đại biểu cần nắm chắc và đầy đủ ý kiến cử tri nơi mình ứng cử, để xem xét các ý kiến đó đã được tổng hợp, phản ánh chưa và theo dõi kết quả giải quyết ý kiến cử tri “của mình”.

Cần đa dạng hóa hình thức khai thác thông tin

 Đại biểu cần thu thập thông tin từ báo cáo của cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, từ cử tri, từ báo chí… Khi phát hiện những thông tin không nhất quán với nhau, đại biểu cần yêu cầu cơ quan nhà nước làm rõ hoặc khảo sát lại ý kiến của các tổ chức xã hội, của cử tri xem thông tin đó có mang tính đại diện hay chỉ là của số ít. Từ đó, đại biểu sẽ đánh giá được độ tin cậy của thông tin và đưa ra ý kiến phản biện một cách hiệu quả, sát, đúng.

Các nguồn thông tin đại biểu có thể tiếp cận để khai thác rất nhiều, từ tài liệu do QH cung cấp; báo cáo của các cơ quan nhà nước; các tổ chức xã hội (ý kiến, kiến nghị); từ công chúng (nhân dân, cử tri, dư luận xã hội) đến báo chí, mạng xã hội… Điều quan trọng là làm thế nào để đại biểu có đủ thông tin, thông tin đúng, tin cậy được? Trong hoạt động của QH, đại biểu có thể sử dụng các phương thức chủ yếu sau để thu thập thông tin:

Một là, tự nghiên cứu tài liệu để thu thập thông tin từ nguồn tài liệu do QH cung cấp, từ báo cáo của các cơ quan nhà nước. Tài liệu gửi đến đại biểu mỗi kỳ họp đã là quá lớn, do đó đại biểu cần có phương pháp đọc tài liệu và thu thập thông tin phù hợp; phải chọn tài liệu để đọc, sắp xếp tài liệu theo thứ tự ưu tiên, phân nhóm tài liệu theo lĩnh vực; đặt mục tiêu của việc đọc (hỏi trước khi đọc) - đọc tài liệu này để lấy thông tin gì; rèn luyện kỹ năng đọc nhanh, xem phần tóm tắt, đánh giá chung hoặc mục lục; đọc lướt- lướt nhanh và bỏ qua; chú ý chọn không gian phù hợp cho việc đọc; ghi chú thông tin cần thiết vào lề tài liệu hoặc vào sổ nhật ký; đặt câu hỏi - phản biện đối với các thông tin được đề cập trong báo cáo, tài liệu. Hai là,thuê chuyên gia theo hợp đồng công việc (đại biểu được cấp kinh phí cho hoạt động này).Ba là, sử dụng chuyên viên (thư ký) của Văn phòng Đoàn ĐBQH.

Trên thực tế, nhiều nhiệm kỳ qua, đại biểu chủ yếu tự nghiên cứu tài liệu để thu thập thông tin, ít sử dụng chuyên gia hoặc thư ký văn phòng. Đây là một hạn chế, cần thay đổi vì mỗi đại biểu chỉ có thể hiểu biết sâu ở một vài lĩnh vực. Hơn nữa, khối lượng công việc của đại biểu rất lớn, yêu cầu, đòi hỏi rất cao, do đó, tùy theo từng loại thông tin, đại biểu sử dụng các phương thức thu thập phù hợp, hoặc có thể phải sử dụng cả ba phương thức cùng lúc để có thông tin nhiều chiều về một vấn đề. Đồng thời, cần phải kiểm chứng thông tin giữa các nguồn. Trong bất kỳ hoạt động nào của QH, đại biểu cũng cần có thông tin nhiều chiều. Báo cáo của các cơ quan gửi cho đại biểu thường phản ánh những thông tin tích cực (kết quả, thành tích). Tuy nhiên, đại biểu lại cần những “góc khuất” của vấn đề để đưa ra ý kiến phản biện hoặc tìm hướng xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ngay trong việc thu thập, tổng hợp, phản ánh ý kiến cử tri cũng cần chú ý: Có những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng là đúng, không sai chủ trương, chính sách nhưng chưa, hoặc không phù hợp với thực tế, không có tính khả thi - thì đây cũng được coi như là thông tin không mang tính đại diện. Khi đó, trong tiếp xúc cử tri, đại biểu cần giải thích để cử tri hiểu, chia sẻ. Tiêu chí để đánh giá, kiểm chứng độ chính xác, tin cậy của thông tin gồm: Nguồn cung cấp thông tin (chính thống hay dư luận); tính đại diện của thông tin; do ai cung cấp (độ tin cậy cũng phụ thuộc vào chức vụ, trình độ, năng lực của người cung cấp thông tin); thông tin đã được đối chiếu khi có mâu thuẫn giữa các nguồn tin chưa?...


    Ý kiến bạn đọc