Không khí tranh luận dân chủ, sôi nổi của Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH NGUYỄN ANH SƠN. Không chỉ là tranh luận giữa ĐBQH với thành viên Chính phủ, mà còn có sự tranh luận khá mạnh mẽ giữa chính các ĐBQH. Bằng kiến thức và những trải nghiệm thực tế của mình, các ĐBQH đã đem đến nghị trường những góc cạnh khác của vấn đề, lật đi lật lại vấn đề để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. Và từ cái nhìn đa chiều như vậy, QH đã có quyết đáp đúng đắn cho những vấn đề rất lớn, rất quan trọng của đất nước. Trí tuệ của QH càng được khẳng định và sáng hơn từ chính không khí sinh hoạt dân chủ tại nghị trường.
- Tại Kỳ họp thứ Tư này nhiều nội dung quan trọng đã được QH cho ý kiến và xem xét thông qua. 27 ngày để giải quyết khối lượng công việc lớn và quan trọng như vậy đã tạo những dấu ấn nào với Phó trưởng đoàn?
Dấu ấn đầu tiên của Kỳ họp thứ Tư là một kỳ họp rất đặc biệt của nhiệm kỳ QH Khóa XIII. Bởi tại Kỳ họp này, QH đã thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Đất đai (sửa đổi); và thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, việc cho ý kiến với dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một hoạt động đặc biệt. Không phải nhiệm kỳ nào, ĐBQH cũng có cơ hội thực hiện trọng trách này. Đây cũng là công việc trọng đại của nhiệm kỳ QH Khóa XIII. Sửa đổi Hiến pháp để tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.
Dấu ấn thứ hai là không khí tranh luận dân chủ, sôi nổi tại các phiên thảo luận của QH. Không chỉ là tranh luận giữa ĐBQH với thành viên Chính phủ, mà còn có sự tranh luận giữa chính các ĐBQH. Sau những ý kiến tưởng như là rất khó dung hòa với nhau, thì QH vẫn đạt được sự thống nhất cao. Điều này tưởng là mâu thuẫn nhưng thực ra rất logic. Bởi lẽ, các ĐBQH đều là người có kinh nghiệm hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực. Bằng kiến thức và những trải nghiệm thực tế của mình, các ĐBQH đem đến nghị trường những góc cạnh khác của vấn đề, lật đi lật lại vấn đề để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. Và từ cái nhìn đa chiều như vậy, QH đi đến sự thống nhất bởi thước đo chung của tất cả các ĐBQH đều là vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, vì lợi ích của đất nước. Có thể nói, trí tuệ của QH càng được khẳng định và sáng hơn từ chính không khí sinh hoạt dân chủ tại nghị trường.
Dấu ấn thứ ba là, số lượng phiên họp được tường thuật trực tiếp tại Kỳ họp thứ Tư đã tăng cao so với các kỳ họp trước đây. Các phiên họp được tường thuật trực tiếp là cơ hội để cử tri cả nước có thể tiếp cận hoạt động của QH nhanh nhất, có cơ hội giám sát những người đại diện cho mình. Thực tế, sau mỗi phiên họp được tường thuật trực tiếp, không khí sinh hoạt dân chủ của QH đã có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Điều này cũng thúc đẩy các đại biểu chuẩn bị các nội dung kỹ càng hơn khi phát biểu. QH có gần 500 ĐBQH nên mỗi hạt nhân trong đó chuyển mình sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.
- Việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai và ban hành Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã tạo dấu ấn cho Kỳ họp thứ Tư. Nhưng có lẽ, việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, có ảnh hưởng sâu rộng như vậy cũng sẽ tạo áp lực rất lớn với ĐBQH...
Sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai và thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là những nhiệm vụ đặc biệt và rất đáng tự hào với ĐBQH Khóa XIII. Nhưng mỗi quyết đáp hôm nay của QH sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong tương lai nên cũng là nhiệm vụ rất nặng nề với mỗi ĐBQH. Tuy nhiên, tôi và các đại biểu đều nỗ lực hết sức để có thể chuẩn bị tốt nhất cho mỗi lần phát biểu và có quyết định đúng đắn với mỗi vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của QH. Sự đúng đắn ở đây không chỉ về nguyên lý lập pháp, nguyên lý của khoa học quản lý, mà còn đúng với tâm tư, nguyện vọng của cử tri nói chung. Nhưng có lẽ không phải chỉ là đứng trước những vấn đề đại sự của quốc gia thì mới có sự thay đổi này. Thực sự, không khí sinh hoạt dân chủ tại QH, các Đoàn ĐBQH đã tạo động lực để tôi tích lũy tri thức và suy nghĩ để rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần phát biểu, biểu quyết. Có những vấn đề trước đây tôi không dám nghĩ đến, nhưng hôm nay đã có thể tự tin phát biểu.
- Vậy cử tri đã có đánh giá như thế nào về các quyết đáp, chính kiến của QH, ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tư này, thưa Phó trưởng đoàn?
Ngay trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Tư, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri đánh giá về hoạt động của QH. Cử tri rất quan tâm đến những hoạt động của QH, đã đưa ra những kiến nghị rất xác đáng liên quan đến các dự án Luật, các dự thảo Nghị quyết, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... Cử tri quan tâm theo dõi các hoạt động của QH trên phương tiện truyền thông, nhất là những phiên họp được tường thuật trực tiếp. Cử tri đánh giá cao những phát biểu có tầm và có tâm của đại biểu. Nhiều người đã chia sẻ thấy tin tưởng hơn vào QH, vào ĐBQH khi thấy sự đổi mới diễn ra liên tục trong mỗi phiên họp. Trong nhiều phiên họp không chỉ có sự tham gia của thành viên Chính phủ để giải trình ý kiến của ĐBQH, mà thành viên của cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật, Tờ trình của QH cũng đứng lên phát biểu để làm rõ hoặc bổ sung thêm quan điểm của mình. Cử tri cũng mong muốn QH sẽ thể hiện rõ hơn quyền lực của mình - là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Mỗi đại biểu sẽ kiên quyết theo đến cùng vấn đề đang đặt ra trong thực tế cuộc sống; phản ánh đầy đủ, chính xác tâm tư và nguyện vọng của cử tri.
- Theo phản ánh của cử tri đến Phó trưởng đoàn thì nội dung nào của Kỳ họp này được cử tri quan tâm nhiều nhất?
Trong các hoạt động của QH thì có lẽ chất vấn – là một hoạt động giám sát của QH, được cử tri quan tâm theo dõi nhất. Tại Kỳ họp thứ Tư này, QH dành hai ngày rưỡi để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dù thời gian dành cho hoạt động này không thay đổi và vẫn còn câu hỏi chung chung, song cử tri cũng bày tỏ rất vui mừng khi có nhiều câu hỏi chất vấn sắc sảo hơn, theo đến cùng vấn đề. Một số chất vấn đã khái quát chính xác vấn đề, thậm chí đã xác định ngay được trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn. Câu hỏi đã đi vào cốt lõi của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là tìm ra trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Đại biểu không dễ dàng chấp nhận trả lời chung chung, đòi hỏi bộ trưởng, trưởng ngành có câu trả lời rõ ràng, ngọn ngành. Bên cạnh đó, tôi và cử tri cũng thấy, việc điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tọa đã đạt hiệu quả cao. Chủ tịch QH đã tóm tắt đi vào cốt lõi chất vấn của đại biểu, hướng bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời vào trọng tâm. Trong quá trình điều hành, Chủ tịch QH cũng không chỉ dừng lại ở vị thế của người chủ tọa, mà cùng tham gia chất vấn để có câu trả lời sáng rõ nhất từ các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn. Cử tri đánh giá cao cách điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch QH. Cách điều hành phiên họp này là một nét mới của Kỳ họp thứ Tư, và đã giúp làm sáng tỏ ngay tại nghị trường nhiều vấn đề. Tổng kết sau mỗi phần chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch QH cũng đã xác định rõ ngay những việc mà thành viên của Chính phủ cần phải làm và QH, ĐBQH cần phải làm.
- Tại Kỳ họp thứ Tư này, nhiều ĐBQH mới ứng cử lần đầu đã để lại dấu ấn, có đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của QH. Đây có lẽ cũng là một điểm nhấn của kỳ họp, thưa Phó trưởng đoàn?
Dù là ĐBQH lần đầu tiên tham gia QH nhưng trước đó tôi đã làm công tác tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, nên về mặt nào đó có lợi thế hơn những đại biểu chưa được tiếp cận với công việc của cơ quan dân cử. Song, qua theo dõi các lần xuất hiện của các ĐBQH cũng mới tham gia QH nhiệm kỳ đầu tiên như tôi thì thấy, chiều sâu của trí tuệ, phẩm chất ở nhiều đại biểu đang ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Họ đã trở thành một nhân tố tích cực trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH trong thời gian qua. Có những vấn đề về lập pháp, về kinh tế - xã hội tưởng như chông chênh với đại biểu cơ sở nhưng họ vẫn tiếp cận thành công, có tầm nhìn xa. Các đại biểu đã tham gia QH nhiều khóa thì ngày càng chín hơn. Kinh nghiệm tích lũy được từ nhiệm kỳ trước, cộng hưởng với tư duy nhạy bén, sự nhạy cảm đã kết tinh thành các ý kiến có sức nặng và có sức lay động mạnh mẽ. Ý kiến của các đại biểu Trần Du Lịch, Lê Thị Nga, Trần Đình Nhã, Lê Như Tiến... đã tạo cảm hứng cho tôi, cũng như nhiều ĐBQH khác khi tham gia những hoạt động của QH.
- Xin cám ơn Phó trưởng đoàn!
Tin mới cập nhật
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 40 ( 10/12)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Vũ Quang ( 04/12)
- Cử tri huyện Nghi Xuân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ( 04/12)
- Cử tri Hương Sơn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, xây dựng NTM ( 03/12)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri Thị xã Kỳ Anh ( 02/12)
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)