Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cơ quan, cá nhân không làm tròn trách nhiệm quản lý
EmailPrintAa
15:52 09/12/2015

Sau khi xem xét báo cáo của UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình tại Kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng tình với nội dung các báo cáo, đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Năm 2015, cùng với việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả cao trên nhiều lĩnh vực. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước. Mặc dù trên địa bàn còn xẩy ra một số vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng đã được giải quyết nhanh gọn sớm ổn định tình hình. Công tác biên phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Cải cách thủ tục hành chính có bước đột phá về cắt giảm thủ tục hồ sơ và thời gian giải quyết. Thực hiện đúng chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước về tôn giáo, đáp ứng kịp thời những yêu cầu chính đáng về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường. Hoạt động đối ngoại phát huy được hiệu quả. Các cơ quan Tư pháp tiếp tục được kiện toàn và triển khai nhiệm vụ đạt kết quả cao, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động hành chính, bổ trợ tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Các mặt công tác trên đây đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. 


Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh báo cáo thẩm tra về lĩnh vực Pháp chế
 

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và hoạt động tư pháp.

Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật.

 Năm 2015, an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai chương trình quốc gia về  phòng chống tội phạm, gắn với các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, địa bàn dân cư phát huy được hiệu quả, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các cơ quan nội chính đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, triệt phá các tụ điểm phức tạp, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, vẫn còn những tồn tại đáng quan tâm, đó là: Tội phạm nhìn chung có giảm nhưng một số loại tội gia tăng và tiềm ẩn phức tạp; đã xẩy ra một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, như: Giết người, cướp tài sản, vi phạm các quy định về an toàn lao động làm chết nhiều người, vi phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm có yếu tố nước ngoài; tai nạn giao thông đường bộ có giảm được số vụ nhưng số người chết vì tai nạn giao thông tăng nhiều. Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng và giải quyết một số vụ việc chưa đáp ứng yêu cầu để xẩy ra một số vụ gây mất trật tự, kỷ cương, dẫn đến một bộ phận người dân bức xúc, phạm pháp.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp:

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã  bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành và các chỉ tiêu trong Nghị quyết 37/2012 và NQ 63/2013 của Quốc hội; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đạt được nhiều kết quả: Số tin báo, tố giác tội phạm được kiểm sát giải quyết 702/717 vụ việc, đạt 97,91%. Trong kiểm sát xét xử án hình sự, việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được xem xét thận trọng và đúng pháp luật. Hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực Tư pháp được tăng cường. Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện và ban hành nhiều văn bản kiến nghị, yêu cầu cơ quan Điều tra, Tòa án nhân dân và cơ quan Thi hành án khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh những kết quả, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: một số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, án bị hủy, án bị cải sửa tỷ lệ còn cao nhưng cơ quan kiểm sát chậm phát hiện để kịp thời kháng nghị, kiến nghị, khắc phục trong giai đoạn tố tụng thuộc thẩm quyền; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách Tư pháp; kiểm sát thi hành án dân sự chưa thường xuyên, chưa kiên quyết yêu cầu cơ quan THADS cưỡng chế thi hành đối với các vụ việc đương sự cố tình không chấp hành.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự:

 Năm 2015, Tòa án nhân dân hai cấp cơ bản giải quyết kịp thời các loại án. Toàn ngành đã thụ lý 2.156 vụ án các loại, giải quyết 2.131 vụ việc, đạt 98,8% (tỷ lệ toàn quốc là 93,5%). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đội ngũ thẩm phán thiếu, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc chưa tương xứng với vị thế, nhiệm vụ, nhưng TAND 2 cấp đã có nhiều cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với Trung ương giao. Công tác hòa giải, tự thỏa thuận giữa các bên trong giải quyết án hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được chú trọng hơn. TAND 2 cấp đã phối hợp với VKSND tổ chức 68 phiên tòa điểm, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Thi hành án hình sự triển khai kịp thời hơn; việc tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm án, tha tù, uỷ thác thi hành án được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng luật định.

Tuy nhiên công tác xét xử và thi hành án hình sự vẫn còn một số hạn chế: tình trạng án bị cải sửa, bị hủy chiếm tỷ lệ còn cao so với mặt bằng chung cả nước; việc tranh tụng tại phiên tòa và vai trò của Luật sư chưa được phát huy; một số trường hợp quyết định hoãn thi hành án chưa đảm bảo căn cứ, một số trường hợp cơ quan thi hành án chậm áp giải bị cáo đi chấp hành hình phạt nhưng TAND thiếu kiểm tra đôn đốc. Trong giải quyết án hành chính, một số việc còn lúng túng; các cơ quan hành chính khi bị khiếu kiện chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình và phối hợp với Tòa án để giải quyết.  

Công tác thi hành án dân sự:    

Năm 2015, các cơ quan Thi hành án Dân sự đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả thi hành án cao; đã thi hành án xong 3.908 vụ việc, đạt 96,9% số vụ có điều kiện thi hành và thu 62,3 tỷ đồng, đạt 86,4% số tiền phải thi hành, cao hơn chỉ tiêu Tổng cục giao và mức bình quân chung cả nước; nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đến nay cơ bản được giải quyết gọn. Tuy đạt tỷ lệ cao cả về số vụ việc, số tiền phải thi hành nhưng số vụ việc phải chuyển sang kỳ sau giải quyết vẫn còn ở mức cao (660 việc và gần 42,9 tỷ đồng); đồng thời còn một số vụ việc để tồn đọng quá lâu nhưng cơ quan THADS chưa có giải pháp kiên quyết để thi hành

Về tình hình thực thi pháp luật trên một số mặt quản lý nhà nước.  

- Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC: So với năm 2014 số lượng đơn thư tăng nhưng có nhiều nội dung trùng lặp; số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính giảm 40,31%, tuy vậy tính chất, mức độ khiếu nại, tố cáo có biểu hiện găy gắt và phức tạp hơn, xu hướng khiếu kiện vượt cấp gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu liên quan đến đền bù GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc di dời xây dựng các chợ trung tâm thương mại, chính sách người có công. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát, phân loại, ban hành các thông báo từ chối không thụ lý đối với một số vụ khiếu kiện đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng công dân cố tình không chấp hành; chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có chuyển biến nhưng chưa thật sự hiệu quả; quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm soát chi đã phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng chưa được phân tích, đánh giá một cách cụ thể để có biện pháp xử lý nghiêm túc, nhằm đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường trên một số địa bàn còn buông lỏng, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, sông Rác và khu vực cầu Tây Yên thị xã Kỳ Anh chưa được xử lý triệt để; hoạt động khai thác, vận chuyển đất, cát, đá trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn yếu kém. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được quan tâm hơn, nhưng tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xẩy ra ở nhiều nơi. Cơ chế phối hợp giữa địa phương với các chủ rừng chưa được thực hiện đồng bộ. Lực lượng và trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng chưa tương xứng với yêu cầu.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tuy có chuyển biến nhưng tai nạn giao thông, nhất là giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp; số vụ tại nạn gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người tăng 10,3%. Hoạt động của xe quá tải vẫn chưa được kiểm soát và xử lý triệt để. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân ngoại tỉnh đến tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn chưa được kiểm tra, kiểm soát để xử lý theo quy định (nội dung này Ban pháp chế  đã kiến nghị từ  kỳ họp 6 tháng đầu năm nhưng vẫn chưa được thực hiện).

Công tác tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức và cải cách hành chính: Hiện nay, phần lớn các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh và huyện, xã đều thiếu biên chế so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao nhưng việc tổ chức tuyển dụng còn chậm, cơ chế phân cấp, phân quyền tự chủ trong tuyển dụng công chức, viên chức chưa được thực hiện đầy đủ. Cải cách thủ tục hành chính đã có một bước đột phá, cải thiện được mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, cần được khắc phục.  

Một số kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc các cơ quan, cá nhân do không làm tròn trách nhiệm quản lý, để xẩy ra những vi phạm, yếu kém, tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước như đã nêu trên.  

Chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đánh giá sát, đúng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, nhất là đối với những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm, các tệ nạn xã hội và tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên; tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp tục rà soát, phân loại, tập trung xử lý gọn các vụ việc phức tạp; giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư KNTC; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trợ giúp pháp lý, tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng và giải quyết một số vụ việc phức tạp, không để người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật mà bị lợi dụng, kích động sa vào con đường phạm pháp.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tổ chức tuyển dụng số công chức, viên chức cho những đơn vị còn thiếu so với kế hoạch đã được HĐND giao.

Đề nghị các cơ quan Tư pháp tăng cường các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; không ngừng trau dồi kiến thức nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2014 NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và Nghị quyết 10 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa 17, ngày 29/9/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính đến 2020 và định hướng những năm tiếp theo.


    Ý kiến bạn đọc