Đổi mới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử địa phương
EmailPrintAa
07:05 06/05/2015

Đáp ứng mong muốn của địa phương và yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang được soạn thảo, tham gia đóng góp rất tích cực để hình thành một đạo luật quan trọng, tiến bộ hơn, đáp ứng được yêu cầu có phạm vi điều chỉnh rộng. Nhất là các chủ thể giám sát của HĐND các cấp.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 bổ sung mới Chương III: “Hoạt động giám sát của HĐND…”. Từ đó giám sát của HĐND các cấp trong hơn mười năm qua đã có những đổi mới, phát triển mạnh mẽ, cử tri và nhân dân rất quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động của cơ quan dân cử. Lần này, trên cơ sở Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Hoạt động giám sát của QH và một số văn bản pháp luật khác để tiến hành xây dựng Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND là thực sự cần thiết, đúng mực trong chương trình và yêu cầu xây dựng pháp luật. Tuy chức năng giám sát của cơ quan dân cử không khác nhau, nhưng quy mô tổ chức bộ máy, trình độ đại biểu, điều kiện làm việc, phạm vi hoạt động còn cách biệt; nên những quy định của Luật cần phù hợp với cấp độ của từng chủ thể giám sát, nhất là ở cơ sở để Luật có hiệu lực cao nhất. Mặt khác, xây dựng Luật Hoạt động giám sát trong lúc Luật Tổ chức QH đã được thông qua năm 2014; còn Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang trong thời kỳ tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh để trình QH. Nên Chương III: “Giám sát của HĐND” trong dự án Luật cũng cần tính đến những thay đổi khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thông qua.

Về hoạt động giám sát của HĐND với nhiều hình thức và nội dung quan trọng. Trước hết HĐND phải xem xét, cân nhắc để quyết định chương trình giám sát hàng năm của mình phù hợp với tình hình địa phương; không chồng chéo, trùng lặp mà còn hỗ trợ, phối hợp rất nhiều hoạt động giám sát khác diễn ra tại cơ sở để thiết kế chương trình hợp lý. Đồng thời, xác định giám sát của HĐND tập trung chủ yếu tại kỳ họp, trong đó chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn cần tập trung lớn nhất. Trước phiên chất vấn, đại biểu HĐND phải gửi phiếu chất vấn đến Thường trực HĐND - chủ tọa kỳ họp để dự kiến danh sách trả lời theo nhóm vấn đề, tránh bị động, lúng túng trong quá trình chất vấn. Cần quy định, sau khi các ngành chuyên môn trả lời, Chủ tịch UBND phải trả lời những vấn đề còn lại và trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND. Tránh tình trạng sa vào phát biểu chỉ đạo, hay lặp lại báo cáo tình hình, khuyếch trương kết quả! Sau chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND nên ban hành Nghị quyết về những nội dung chủ yếu của phiên họp này. Còn khi HĐND xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu vi phạm, nên có báo cáo thẩm tra của ban HĐND liên quan, vì hệ quả của giám sát này rất lớn, có thể bãi bỏ cả văn bản đó. Trong giám sát chuyên đề của HĐND, nên để Thường trực HĐND thành lập đoàn giám sát, ban hành kế hoạch để ổn định được thành phần đoàn và kế hoạch giám sát sát thực hơn. Việc bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát quan trọng, đây là hệ quả của các giám sát khác. Do đó, khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND không tín nhiệm, mà không từ chức thì HĐND chỉ bãi nhiệm chức danh đó, không miễn nhiệm như người chuyển công tác hay được lên chức vụ cao hơn trước đây HĐND bầu.

Giám sát của Thường trực HĐND như Dự Luật là đúng đắn. Đây là nội dung mới trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Trước đó, Thường trực HĐND chưa có chức năng giám sát mà chỉ có nhiệm vụ kiểm tra. Thực tế từ năm 2004 trở lại đây, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND rất hiệu quả, đã tác động tích cực đến giám sát của các ban và lan tỏa đến HĐND các cấp. Không lý gì, dự Luật mới lại có ý kiến muốn thụt lùi! Chưa kể Thường trực HĐND hiện nay mạnh hơn nhiều so với trước. Do đó, Thường trực HĐND phải là chủ thể giám sát độc lập, còn thành phần mời thêm là đương nhiên. Nội dung, chương trình giám sát của Thường trực HĐND không thể giao cho các ban HĐND thực hiện, rồi trách nhiệm sẽ không rõ. Cho nên, Thường trực HĐND cần đề ra chương trình phù hợp và chỉ phối hợp với các ban HĐND, nhưng Thường trực vẫn là chủ thể giám sát.

Có thể nói, giám sát của Thường trực HĐND là hình thức giám sát đủ lực lượng, không gây chồng chéo, phiền phức cho cơ sở và hiệu lực nhất trong thời gian qua. Hơn nữa các ban HĐND còn phải chủ động xây dựng chương trình giám sát, nhất là giám sát thường xuyên không thể bỏ qua được và còn tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch của mình. Trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, dự Luật đã bổ sung hai điều mới rất tâm đắc và phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển. Điều 71: Giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND và Điều 72: Chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp. Thường trực HĐND cần tổ chức chất vấn trực tiếp như phương án 1 là hợp lý. Tuy bước đầu thực hiện cũng có những khó khăn, nhưng với trách nhiệm trước cử tri, trước HĐND, chắc chắn Thường trực HĐND các cấp sẽ làm được và làm tốt. Tuy nhiên, thành phần phiên họp này của Thường trực HĐND cần có Trưởng các ban HĐND và mời Phó ban, nhất là các Phó ban chuyên trách của HĐND cùng tham dự.

Về hoạt động giám sát của các ban HĐND. Nội dung quan trọng nhất các ban HĐND phải thực hiện trước hết là thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND do các cơ quan hữu quan trình, đây là nhiệm vụ có tính bắt buộc. Có thể nói rất nhiều báo cáo thẩm tra đã giúp cho đại biểu HĐND có thông tin để thảo luận, xem xét và đi đến quyết định. Mặt khác, còn giúp cho chủ tọa kỳ họp điều hành theo hướng tập trung, thống nhất để ban hành nghị quyết. Đặc biệt, có những nội dung của nghị quyết đã dựa vào báo cáo thẩm tra để thay đổi tờ trình dự thảo nghị quyết. Cho nên, hoạt động thẩm tra của các ban HĐND phải đưa vào Luật. Hoạt động giám sát là nhiệm vụ, trách nhiệm của các ban còn giúp HĐND giám sát giữa hai kỳ họp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động giám sát của các ban của HĐND cũng còn bị chồng chéo, trùng lặp ở cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, nhất là các ban HĐND cấp tỉnh về giám sát tại địa bàn cấp huyện. Từ đó, Luật cần quy định rõ trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc xem xét chương trình, điều hòa, phân công hoạt động giám sát của các ban. Quan trọng hơn, các ban HĐND phải phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hợp lý. Cần kết hợp các ban cùng giám sát nếu nội dung có liên quan ở mỗi địa phương, đơn vị.

Sự tiến bộ của dự án Luật Hoạt động giám sát là đã mạnh dạn thể hiện được mục 4 trong Chương III: “Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND” với khá nhiều điều khoản. Đành rằng trong Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành đã có đề cập đến giám sát của đại biểu HĐND, nhưng không có điều khoản riêng mà chỉ mờ nhạt rải rác trong các chủ thể giám sát khác; còn tổ đại biểu HĐND thì hoàn toàn chưa có. Lần này, dự án Luật lồng ghép, kết hợp hoạt động giám sát của đại biểu và tổ đại biểu HĐND chung trong các điều với những khoản riêng cho từng chủ thể là hợp lý. Đại biểu HĐND khó có thể tự mình giám sát như nghị sĩ các nước. Hơn nữa, trong dự Luật đưa ra khá nhiều nội dung mà đại biểu HĐND khó thực hiện ngay được nếu không có hoạt động giám sát của tổ đại biểu. Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND ở nước ta chủ yếu mới thực hiện tại kỳ họp, hay các phiên chất vấn, giải trình do Thường trực HĐND tổ chức. Còn giữa hai kỳ họp, đại biểu HĐND phải dựa vào các đoàn giám sát, tổ đại biểu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Quy định hình thức giám sát của tổ đại biểu HĐND trong dự án Luật là sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu ở cơ sở thực hiện chức năng quan trọng của HĐND, hướng mọi hoạt động của mình đến với người dân. Điều đó, thực tế chứng minh có những địa phương đã làm tốt, thiết thực giảm bớt những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở. Đành rằng đây là vấn đề khó đối với những nơi muốn đơn giản, nhẹ nhàng; chưa dám nghĩ, dám làm trong hoạt động của HĐND. Quan trọng hơn, khi có hình thức giám sát của tổ đại biểu HĐND thì các đại biểu tập trung nghiên cứu các văn bản liên quan, xem xét kỹ các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến, chọn lọc nhiều thông tin từ cử tri để đề xuất với tổ các nội dung cần giám sát. Do đó, dự Luật cần khẳng định có giám sát của tổ đại biểu HĐND. Đồng thời nên chuyển các nội dung: giám sát khiếu nại, tố cáo; giám sát văn bản pháp luật và thi hành pháp luật về nội dung hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND.

Đấy là điều cần thiết để tăng cường hơn nữa giám sát của tổ đại biểu HĐND. Tất nhiên, hoạt động giám sát của đại biểu, tổ đại biểu HĐND giữa hai kỳ họp có thực chất và hiệu quả hay không, không những phụ thuộc vào chất lượng, thành phần của đại biểu và hoạt động của tổ đại biểu HĐND. Quan trọng hơn là trách nhiệm của Thường trực HĐND cùng cấp trong hướng dẫn, hỗ trợ; đặc biệt phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND. So với cách đây khoảng mười năm, hiện nay chúng ta hoàn toàn đủ điều kiện và khả năng để thực hiện tốt điều đó. Những vấn đề này cũng cần phải luật hóa. Giám sát của tổ đại biểu HĐND có hiệu quả, không những ổn định tình hình, thiết lập dân chủ, công bằng ở cơ sở thông qua giải quyết nhiều vấn đề vi phạm của tổ chức, cá nhân khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn ở cấp dưới. Hơn nữa, những thông tin, số liệu thực tế thiết thực từ báo cáo giám sát giúp cho Thường trực HĐND kịp thời đề nghị HĐND đưa ra những quyết sách quan trọng, chính xác trong mọi lĩnh vực ở địa phương.

Giám sát là một chức năng quan trọng của cơ quan dân cử, không những tập trung diễn ra tại kỳ họp, hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục giữa hai kỳ họp với nhiều chủ thể khác nhau. Xây dựng Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND lần này với nhiều nội dung mới trong giám sát của HĐND các cấp. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến tham gia đóng góp rất tâm huyết để hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ngày càng hiệu quả thiết thực hơn.

 

 


    Ý kiến bạn đọc