Hành nghề y, dược ngoài công lập, cần kịp thời chấn chỉnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân
EmailPrintAa
14:13 12/05/2014

Với sự tăng nhanh về số lượng, trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh; phong phú, đa dạng về loại hình, trong đó có nhiều cơ sở có hạ tầng, trang thiết bị y tế khá hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, nên có thể nói hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong công tác khám chữa bệnh, tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế chất lượng; góp phần chia sẽ, giảm bớt gánh nặng quá tải trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại các cơ sở y tế công lập. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đóng góp tích cực nêu trên thì hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua cũng đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Từ thực trạng đáng quan ngại...

Tồn tại, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở hành nghề y ngoài công lập là số lượng hành nghề y trái pháp luật (chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động) trên địa bàn tỉnh ta khá lớn. Theo số liệu Sở Y tế báo cáo, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 94/310 cơ sở hành nghề y ngoài công lập đủ điều kiện và được cấp phép hoạt động. Tuy vậy, qua kết quả làm việc và kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh gần đây, ước tính số lượng hành nghề y ngoài công lập trái pháp luật còn lớn hơn rất nhiều, nhất là đối với số hành nghề tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa; hành nghề y học cổ   truyền, bán dược hiệu tại các chợ ở khu vực nông thôn...

Về điều kiện hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối chiếu với các quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT về Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phần lớn các cơ sở hành nghề y ngoài công lập đều chưa đáp ứng đủ các điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật như: cơ sở vật chất hành nghề chưa đáp ứng đủ diện tích; chưa đúng theo yêu cầu xây dựng và thiết kế đối với từng loại hình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; thiếu các thiết bị y tế theo quy định; chưa thực hiện việc xử lý rác thải y tế theo quy trình.

Ngoài các tồn tại, hạn chế lớn nêu trên thì tại các cơ sở hành nghề y ngoài công lập đang còn xảy ra tình trạng: quảng cáo quá phạm vi hoạt động được cấp phép; biển hiệu không đúng quy định; công khai giá dịch vụ và phạm vi chuyên môn chưa rõ ràng; vi phạm quy chế chuyên môn, kỹ thuật y tế; hoạt động quá phạm vi cho phép. Cá biệt có cơ sở hành nghề vi phạm khá nghiêm trọng như người đứng ra hành nghề là y tá của Trạm xá xã đã thôi việc từ sau năm 1980, đến nay vẫn chưa làm thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nhưng vẫn tổ chức khám, chữa bệnh, bán thuốc điều trị cả Đông y, Tây y và tiêm, truyền dịch ngay tại nhà. Nhận thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một số đối tượng hành nghề y tư nhân còn hạn chế. Một số đối tượng y, bác sỹ công tác tại các cơ sở y tế công lập, tham gia hành nghề ngoài giờ tại các cơ sở hành nghề y ngoài công lập chưa tuân thủ đúng quy định của Bộ Luật lao động về thời gian làm thêm giờ.

Đối với các cơ sở hành nghề dược ngoài công lập, tồn tại phổ biến ở tuyến cơ sở hiện nay là: tình trạng vi phạm về tiêu chuẩn, cách sắp xếp, phân loại nhóm thuốc, tủ thuốc chưa khoa học; một số cơ sở bán thực phẩm chức năng không có chứng chỉ công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; một số hoá đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ các loại thuốc không rõ ràng; chủ quầy thuốc, nhà thuốc không có mặt khi nhà thuốc, quầy thuốc đang hoạt động; bán thuốc không có đơn bác sỹ; các đại lý vẫn bán các loại thuốc kê đơn; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới hiện nay. Phần lớn các cơ sở và cá nhân hành nghề, kinh doanh thuốc Đông dược đều không được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép nhưng vẫn hoạt động.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiểm tra cơ sở thuốc tại huyện Thạch Hà

 

Về cơ chế quản lý giá thuốc bán ra chưa được kiểm soát chặt; tại một số quầy    thuốc, đại lý thuốc đến kiểm tra, giá một số loại thuốc chữa bệnh thông thường được bán cao hơn giá ghi trong hóa đơn xuất kho từ 25% đến 50%, thậm chí có loại thuốc chênh lệch đến 85%. Theo phản ánh của cử tri, một số nhà thuốc có đủ điều kiện nhưng vẫn không chuyển đổi loại hình để lách luật, trốn thuế. Tình trạng bày bán thuốc dược liệu, thuốc dạo không đảm bảo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh vẫn còn phổ biến, nhất là tại các khu vực chợ nông thôn. Một số chính sách, quyền lợi người lao động tại các cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập chưa được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo theo quy định.

...Đến sự lơi lỏng của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp...

Theo quy định tại các văn bản pháp luật, Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, song từ những tồn tại trên có thể thấy công tác quản lý đang còn hết sức lơi lỏng. Thể hiện một số nội dung công việc chưa được thực hiện đầy đủ, hết chức trách của mình, như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hành nghề y, dược ngoài công lập mới chỉ thực hiện được một chiều. Mặc dù, quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ vướng mắc; phát sinh vấn đề phức tạp do một số quy định không phù hợp… nhưng chậm được Sở tiếp nhận, tổ chức tổng hợp các ý kiến phản hồi để chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, tháo gở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Công tác thống kê, theo dõi cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Hiện tại, Sở Y tế mới chỉ nắm được số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đã được cấp phép; số cơ sở còn lại không nắm bắt chính xác số lượng, chất lượng hoạt động nên không đề ra được các giải pháp để đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã phát hiện được các vi phạm nhưng    thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm dẫn đến tình trạng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tiếp tục tái phạm còn diễn ra khá phổ biến.

Đối với UBND cấp huyện và cấp xã, mặc dù tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hành nghề y, dược ngoài công lập mặc dù không quy định hoặc phân cấp quản lý cho UBND cấp huyện và cấp xã, tuy vậy với chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn đã thiếu quan tâm, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hành nghề trong phạm vi địa phương quản lý. Từ đó, chưa kịp thời phát hiện các biểu hiện, hoạt động trái pháp luật để báo cáo, đề xuất với cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.

...Và giải pháp chấn chỉnh

Để công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, tỉnh cần nâng cao công tác quản lý nhà nước, sớm ban hành các văn bản như: Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, Đề án phân cấp quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; tăng cường nhân lực làm công tác quản lý hành nghề y, dược tại Sở Y tế và tại các phòng y tế của UBND huyện, thành phố, thị xã. Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cơ sở cùng tham gia, chủ động và phối kết hợp trong công tác quản lý hành nghề dược trên địa bàn.

Đối với Sở Y tế căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hành nghề y, dược nói chung, hành nghề y, dược ngoài công lập nói riêng; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho những người hành nghề y, dược ngoài công lập nâng cao đạo đức nghề nghiệp và chất lượng hành nghề; tổ chức lấy ý kiến, nghiên cứu tổng hợp các quy định chưa phù hợp để kiến nghị cơ quan chức năng hoàn thiện, chỉnh sửa các quy trình nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đối với các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.

Tăng cường hoạt động thanh tra, hậu kiểm tra sau cấp phép, giám sát các cơ sở hành nghề, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý sai phạm. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập vi phạm các quy định về hoạt động y tế, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.

Tin tưởng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong thời gian tới sẽ chấn chỉnh, lập lại trật tự hoạt động các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh ta, tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.


    Ý kiến bạn đọc