Không tuân thủ quy trình, chất lượng sẽ thấp
EmailPrintAa
14:06 16/08/2012

Việc tuân thủ quy trình như một quy định bắt buộc cho công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên thời gian qua việc bỏ qua, nhiều quy trình trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng hoạt động của HĐND thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra

Nước đến chân mới nhảy

Thời gian qua, hầu hết các báo cáo rút kinh nghiệm các kỳ họp của HĐND tỉnh đều tồn tại một hạn chế lặp đi lặp lại là việc UBND tỉnh trình báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết muộn so với quy định. Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND thì chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND cấp tỉnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình HĐND tại kỳ họp phải được gửi tới Thường trực, các ban HĐND, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ trên xem ra còn rất khó khăn. Báo cáo, đề án nào trình sớm nhất thường gửi đến trước một tuần, sớm hơn nữa là 10 ngày, còn lại để có chứng thực của UBND tỉnh gửi đến cơ quan Thường trực HĐND thường là chỉ 7 ngày trước khi chuẩn bị kỳ họp, có đề án chỉ trình trước kỳ họp 2 ngày.

Mặc dù trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong cả năm, dự kiến nội dung kỳ họp thường được thông báo đến hầu hết các cơ quan liên quan trên 2 tháng (vì phần lớn các tỉnh đều tổ chức họp rút kinh nghiệm và dự kiến luôn nội dung kỳ họp sau) nhưng các đề án, báo cáo kỳ họp luôn ở tình trạng trình muộn. Sau khi Thường trực HĐND có dự kiến về nội dung, chương trình kỳ họp, nhiều cơ quan chuyên môn mới gấp rút xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến các ngành liên quan. Do sức ép về mặt thời gian nên hồ sơ trình các báo cáo, đề án thường không bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đề án chuyên đề thường có nhiều sai sót. Chất lượng các báo cáo, đề án không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong khâu đánh giá thực trạng, công tác khảo sát thường qua loa, số liệu không sát với thực tiễn dẫn đến việc dự trù kinh phí không tương xứng với yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của đề án. Phần dự thảo nghị quyết là căn cứ chính thức để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết song dường như được ngầm giao phó cho cơ quan chuyên trách của HĐND tỉnh xây dựng. Nội dung nhiều dự thảo nghị quyết được trình rất sơ sài, có nhiều sai sót về thể thức và chưa thể hiện được các nội dung chính cần thông qua.

Theo quy định, HĐND tỉnh là cơ quan ban hành chính sách địa phương song thực tế có trường hợp đề án không đủ thủ tục theo quy định nhưng cũng được đưa ra kỳ họp HĐND, hoặc có hiện tượng vì sức ép từ nhiều phía mà HĐND tỉnh phải quyết định đưa ra kỳ họp.

Tuân thủ quy trình không phải là hình thức

Do việc trình đề án chậm nên việc thẩm tra các báo cáo, đề án của các ban HĐND thường rất bị động và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác giám sát phục vụ cho việc thẩm tra các báo cáo, đề án kỳ họp của các ban HĐND thường là trong thế bắc nước, đuổi gà và thực hiện quy trình ngược là không đợi UBND tỉnh trình đề án, các ban đã tiến hành làm việc với các đơn vị xây dựng đề án và xây dựng báo cáo thẩm tra. Việc làm việc với các đơn vị, địa phương để nắm thông tin là cơ sở quan trọng cho các ban xây dựng các báo cáo thẩm tra tại kỳ họp. Tuy nhiên các thông tin đó vẫn chưa là thông tin chính thức nên thực tế xảy ra nhiều trường hợp rất ngược đời. Có trường hợp, sau khi làm việc với các đơn vị, ban phải chủ động thẩm tra báo cáo, đề án và hoàn thành báo cáo nhưng bản trình chính thức từ phía UBND vẫn chưa được chuyển đến, cơ quan thẩm tra đành phải đợi đề án để phát hành báo cáo thẩm tra. Cũng có trường hợp khi vấn đề ban phát hiện và có ý kiến tại các buổi làm việc, sau đó các đơn vị tiến hành chỉnh sửa trước khi trình UBND tỉnh nên khi có bản chính thức, thời gian lại quá ngắn nên các ban lại lúng túng không biết thẩm tra thêm nội dung gì, hoặc đại biểu không thể phát hiện thêm lỗi gì ở các ngành chuyên môn nếu chỉ xem xét về mặt câu chữ của báo cáo. Bên cạnh đó, do bị sức ép về mặt thời gian nên có nhiều đề án liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch các ban HĐND rất khó để có thể xem xét, thẩm tra một cách khoa học, bài bản mà chỉ đưa ra một số vấn đề cần quan tâm. Công tác thẩm tra thường thực hiện thẩm tra đề án, chưa lưu ý đến thẩm tra dự thảo nghị quyết.

Thời gian gửi báo cáo muộn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xem xét các báo cáo của đại biểu, đặc biệt báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là căn cứ quan trọng để đại biểu có ý kiến đối với các đề án nhưng phần lớn đều chỉ được gửi ngay tại phiên họp đầu tiên (theo quy định là 7 ngày trước kỳ họp). Bên cạnh đó, phần lớn các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, khối lượng tài liệu nhiều, chủ yếu được thực hiện ngay tại kỳ họp nên việc xem xét các báo cáo, đề án chưa thực sự kỹ lưỡng. Vì vậy, chất lượng phát biểu tại hội trường của các đại biểu thường không chuyên sâu, chủ yếu phát biểu đối với một số vấn đề mình quan tâm, hoặc lĩnh vực mình phụ trách, mức phản biện đối với các báo cáo, đề án được trình chưa cao.

Việc xem xét thông qua dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND phải được thực hiện theo trình tự cơ quan soạn thảo trình bày, cơ quan thẩm tra trình bày ý kiến thẩm định, sau đó HĐND tỉnh thảo luận, song thực tế do hạn chế về thời gian nên việc trình các báo cáo, đề án tại kỳ họp được thực hiện chung một lần với nhiều nội dung khác nhau. Vậy nên việc tham gia ý kiến vào các báo cáo, đề án còn dàn trải, thiếu tập trung. Việc phân tích, mổ xẻ cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn của từng đề án chưa được đặt ra một cách bài bản, thiếu thống nhất trong một chỉnh thể. Vì vậy thực tế sau khi ban hành chính sách có rất nhiều vấn đề khó có thể thực hiện, hoặc không khả thi do nội dung đó chưa được xem xét một cách cặn kẽ. Có đề án, báo cáo hầu như không có ý kiến nào đề cập đến tại các phiên thảo luận. Quá trình thảo luận, các cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu HĐND trước khi HĐND quyết nghị nhưng thực tế nhiều kỳ họp thao tác này dường như còn bỏ ngỏ. Các cơ quan trình dự thảo nghị quyết chỉ báo cáo mang tính chấtnói thêm cho rõ. Tại điều 22, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND về soạn thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự thảo nghị quyết nhưng thực tế việc chỉnh sửa dự thảo nghị quyết sau khi trình HĐND tỉnh được giao phó cho cơ quan chuyên trách HĐND tỉnh.

Có thể nói với việc dành thời gian nghiên cứu còn ít, quy trình không bảo đảm, thiếu tập trung nên việc xem xét, quyết định của HĐND vẫn còn nhiều hình thức. Tính nghiêm túc trong việc chấp hành quy trình trong quá trình ban hành văn bản pháp lý cao nhất tại địa phương chưa cao.

Việc tuân thủ quy trình trong công tác chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của HĐND tỉnh là một quy định bắt buộc để bảo đảm tính nghiêm minh trong các hoạt động của cơ quan dân cử, cũng như góp phần nâng cao chất lượng của HĐND tỉnh trong việc ban hành các chính sách tại địa phương. Tuy nhiên để hoạt động đó đạt hiệu quả thì các cơ quan liên quan cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, về phía cơ quan Thường trực HĐND cần kiên quyết thực hiện nghiêm túc việc không đưa vào xem xét các văn bản không có trong kế hoạch, không bảo đảm quy trình chuẩn bị hồ sơ theo quy định. Đồng thời, các cơ quan ban hành Luật cần nghiên cứu để bảo đảm điều kiện cho việc thực thi quy trình, như thời gian chuyển báo cáo, đề án đến cơ quan HĐND theo quy định trước kỳ họp 15 ngày là quá ngắn, nếu thực hiện theo Luật định thì việc thẩm tra, xem xét của các ban HĐND cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các đề án quy hoạch, kế hoạch mang tầm vĩ mô. Cần nghiên cứu cụ thể hóa các cơ chế bảo đảm quy trình xem xét trong thẩm tra của các ban, các điều kiện bảo đảm quy trình xem xét các báo cáo, đề án, quy trình tiếp thu sửa đổi bổ sung sau khi các nghị quyết HĐND tỉnh được thông qua.


    Ý kiến bạn đọc