Linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn phương thức giám sát
EmailPrintAa
08:52 21/05/2012

Mỗi hình thức giám sát có những ưu điểm, nhược điểm nhất định đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phải lựa chọn phương thức phù hợp. Tuy nhiên, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn phương thức giám sát phải dựa trên nội dung và quy định của pháp luật về vấn đề cần giám sát, không thể dùng ý chủ quan để quyết định

Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định các ban giúp HĐND giám sát thông qua các hoạt động: thẩm tra báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết HĐND cấp dưới trực tiếp; tổ chức đoàn giám sát; cử thành viên đến cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét, xác minh vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức nghiên cứu, xử lý và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Mỗi hình thức giám sát, Luật và Quy chế hoạt động của HĐND đã quy định trình tự, thủ tục và quy trình khá rõ ràng. Như vậy, các ban HĐND có 6 phương thức giám sát. Căn cứ vào nội dung, thời gian, tình hình thực tế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần đến giám sát, ban quyết định chọn một hoặc sử dụng nhiều phương thức giám sát cho phù hợp nhằm đạt chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực tiễn, các ban HĐND ở các địa phương đã tổ chức giám sát bằng nhiều phương thức đa dạng, phong phú. Có nơi quyết định thành lập đoàn giám sát, có nơi tổ chức tất cả các thành viên tham gia giám sát, không quyết định thành lập đoàn; có nội dung tổ chức giám sát bằng văn bản, có nội dung sử dụng tổng hợp như: cử thành viên cùng chuyên viên giúp việc trực tiếp xem xét, xác minh; cử chuyên viên tham gia tiếp công dân thu thập thông tin... sau đó mới tổ chức đoàn giám sát; có đợt sử dụng cả hình thức giám sát bằng văn bản và giám sát trực tiếp tại cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Linh hoạt, sáng tạo lựa chọn các phương thức trong một đợt giám sát có tác dụng: sử dụng quy trình giám sát phù hợp với đối tượng chịu sự giám sát, xử lý kịp thời thông tin và giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đồng thời phát huy được những lợi thế và khắc phục được những hạn chế của mỗi phương thức giám sát.

Một số địa phương, các ban HĐND tổ chức các đợt giám sát thực hiện  theo quy trình rất khác nhau. Có đợt tổ chức nghe cơ quan quản lý nhà nước (Cơ quan chuyên môn) báo cáo kết quả hoạt động về lĩnh vực cần giám sát, sau đó tổ chức giám sát trực tiếp ở các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ (trong đó chọn nơi thực hiện tốt, chưa tốt, nơi có nhiều ý kiến phản ánh cần giám sát). Cách này giúp các thành viên Đoàn giám sát nhìn nhận tổng quan về ưu, nhược điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục về nội dung cần giám sát do cơ quan chuyên môn ở địa phương đưa ra, trước khi giám sát ở cơ sở, nơi trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Thực chất đây là giám sát tại cơ quan nhà nước ở địa phương (cơ quan chuyên môn); còn giám sát ở cơ sở là hình thức xác minh nội dung cơ quan chuyên môn nêu trong báo cáo có đúng với thực tế không? Nhưng quy trình này có hạn chế là đối tượng để giám sát không nhiều; khi phát hiện những vấn đề cơ sở thực hiện chưa đúng liên quan đến cơ quan chuyên môn cấp trên phải mất thời gian làm việc ngoài kế hoạch đã định.

Khắc phục tồn tại trên, các ban HĐND tổ chức làm việc tại cơ quan chuyên môn và nghe cơ quan khác liên quan đến lĩnh vực giám sát báo cáo. Khi tổ chức giám sát ở cơ sở mời lãnh đạo cơ quan chuyên môn tham dự để xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, hầu hết các buổi đi cơ sở lãnh đạo giao cấp phó, có cơ quan còn giao cán bộ phụ trách chuyên môn tham dự; mời đại diện các cơ quan liên quan phản ánh việc thực hiện nội dung giám sát, đa số phân tích, làm rõ nội dung báo cáo mà cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị, ít có ý kiến phản biện. Do vậy, vẫn chưa khắc phục triệt để hạn chế trên.

Có địa phương, các ban HĐND tổ chức giám sát theo hướng: giao bộ phận tham mưu, giúp việc thu thập tài liệu, thông tin về nội dung cần giám sát; xây dựng kế hoạch giám sát từ cơ sở gồm những đơn vị, cơ quan thực hiện tốt, chưa tốt, nơi có nhiều vấn đề bức xúc... Có đợt sử dụng hai hình thức giám sát bằng văn bản và trực tiếp giám sát ở cơ sở. Sau đó giám sát tại cơ quan chuyên môn ở địa phương. Cách này đã đem lại nhiều ưu điểm, đó là: khi giám sát nắm được kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ở phạm vi rộng trên địa bàn; số cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp được nhiều; những hạn chế, kiến nghị của cơ sở được bàn, xử lý ngay tại buổi giám sát ở cơ quan chuyên môn, có chứng lý chặt chẽ. Kết luận nội dung giám sát có sự thống nhất của các cơ quan chịu giám sát và cơ quan liên quan. Vì vậy, đã giảm bớt được thời gian họp của ban HĐND chủ trì giám sát để thông qua kết luận khi thành lập đoàn. Mặt khác, giám sát ở cơ sở trước còn giúp đoàn giám sát phát hiện được những vấn đề mà cơ quan chuyên môn chưa phản ánh trong báo cáo.

Theo đó, mỗi hình thức giám sát có những ưu, nhược điểm nhất định đòi hỏi việc tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ giám sát phải lựa chọn phương thức cho phù hợp. Tuy nhiên, không phải mọi nội dung giám sát đều có thể lựa chọn các phương thức, quy trình theo ý chủ quan của cá nhân, tổ chức chủ trì đợt giám sát. Bởi vì, có những nội dung giám sát phải bám theo quy trình luật định để xem xét, xử lý chặt chẽ, không bị trùng lặp khi thi hành nhiệm vụ. Ví dụ như ban HĐND giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn. Thực hiện giám sát ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Thanh tra tỉnh) sau đó giám sát ở UBND cấp huyện là ngược. Bởi vì, Luật Khiếu nại quy định người khiếu nại hành chính hay quyết định kỷ luật cán bộ, công chức... thì người ra quyết định hành chính, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu (Trừ các trường hợp liên quan đến tố tụng hình sự hoặc người khiếu nại chuyển đơn đến tòa án); khiếu nại người đứng đầu hoặc cấp phó cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết lần đầu. Trường hợp giải quyết mà không đồng ý, người khiếu nại có thể chuyển sang tòa án hoặc lên Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp để giải quyết lần hai. Luật Tố cáo quy định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ; hay hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý trực tiếp giải quyết; tố cáo người đứng đầu hoặc cấp phó thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết. Người giải quyết tố cáo có quyền quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định. Trường hợp quá hạn mà nội dung tố cáo không được giải quyết, hoặc cho rằng giải quyết chưa đúng thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp đến người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người thực hiện giải quyết tố cáo lần đầu.

Như vậy, để giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn với tầm nhìn tổng thể và toàn diện phải tổ chức giám sát từ cơ sở lên cấp trên trực tiếp để vừa giám sát được việc chấp hành quy trình thực hiện luật; vừa thu thập thông tin, xác minh nội dung từ thực tiễn tình hình giải quyết lần đầu đến lần cuối chặt chẽ, có chứng lý và hồ sơ đầy đủ buộc cơ quan liên quan từ cơ sở và cấp trên phải tiếp thu ý kiến, kết luận sau giám sát. Khi đã nắm rõ thực tế hoạt động ở cơ sở và hồ sơ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, gắn với quy định của pháp luật, buổi giám sát ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ có chứng lý chặt chẽ, kết luận, kiến nghị đúng, đủ và kịp thời. Mặt khác còn giúp cán bộ, công chức từ cơ sở thực thi nhiệm vụ trình độ chuyên môn hạn chế, tác nghiệp chưa đúng hoặc đầy đủ có điều kiện rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể chuyển đến cơ quan Tòa án giải quyết. Do vậy, có những khiếu nại ở cơ sở giải quyết cấp trên không biết hoặc cấp dưới báo cáo không sâu. Thông qua giám sát của HĐND giúp cơ quan chuyên môn có thông tin để chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn đối với cán bộ, công chức ở cơ sở thực hiện chưa tốt.

Trường hợp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ quan chuyên môn cấp trên sau mới xuống cơ sở, đoàn giám sát sẽ gặp nhiều khó khăn như: do chưa nắm được sâu tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, chưa biết đúng sai nên làm việc ở cơ quan chuyên môn cấp trên sẽ thiếu thông tin, phải tin vào nội dung báo cáo là nhiều... Như vậy, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn phương thức giám sát phải dựa trên nội dung và quy định của pháp luật về vấn đề cần giám sát, không thể dùng ý chủ quan để quyết định.


    Ý kiến bạn đọc