Nâng cao vai trò của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong công tác thẩm tra, giám sát tại kỳ họp
EmailPrintAa
14:43 26/08/2015

Như chúng ta đã biết, hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các ban và các đại biểu HĐND trong đó chủ yếu nhất, tập trung nhất là hoạt động của HĐND tại kỳ họp. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung và nâng cao chất lượng kỳ họp nói riêng cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng.

Vai trò của các Ban trong việc thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp. Xác định thẩm tra là một khâu quan trọng của công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ họp HĐND, trong thời gian qua, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban đã thực hiện có hiệu quả công tác thẩm tra theo nội dung, lĩnh vực, đảm bảo phù hợp, khoa học. Những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thường trực phân công một Ban chủ trì, phối hợp với các Ban khác thực hiện. Trên cơ sở nội dung của báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, các Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, yêu cầu dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu văn bản và các tài liệu có liên quan đến vấn đề cần thẩm tra.


Đồng chí Phan Thanh Thuận - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thanh Hóa trình bày tham luận tại Hội nghị

Đối với thẩm tra các báo cáo định kỳ của UBND và các ngành, các Ban tổ chức làm việc với các ngành, các địa phương; so sánh kết quả đạt được so với cùng kỳ năm trước để nhìn nhận, đánh giá khách quan kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Để chủ động trong việc thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết, các Ban đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tham gia ngay từ khi xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết và dành nhiều thời gian nghe các cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ các nội dung, kiến nghị cụ thể đối với dự thảo đã thẩm tra, đảm bảo thống nhất cao khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp. Đối với những vấn đề lớn, có tầm ảnh hưởng rộng hoặc những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các Ban báo cáo Thường trực HĐND tỉnh chủ trì làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, khẳng định rõ quan điểm đồng tình hay không đồng tình với nội dung các văn bản trình tại kỳ họp.

Trên thực tế, mặc dù đã được đôn đốc song việc gửi một số tài liệu trình kỳ họp của UBND tỉnh vẫn chậm hơn so với quy định nhưng được sự  quan tâm của Thường trực; tích cực, chủ động của các Ban nên công tác thẩm tra vẫn đạt yêu cầu và kịp thời gian.

Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, cách làm linh hoạt, qua các kỳ họp, chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Thanh Hóa từng bước được nâng lên. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin, xem xét về tính hợp pháp và khả thi của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; là cơ sở để chủ tọa kỳ họp định hướng đại biểu tham gia thảo luận và quyết định tại kỳ họp.

Vai trò của các Ban trong giám sát chuyên đề trình tại kỳ họp. Căn cứ vào nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm và trên cơ sở phân công của Thường trực, các Ban đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với lĩnh vực phụ trách, trong đó rất quan tâm đến hoạt động giám sát chuyên đề về các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và nhân dân quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, các Ban của HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành 31 cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực như: Tình hình triển khai thực hiện một số dự án sản xuất, kinh doanh được giao đất, cho thuê đất; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; công tác đấu tranh phòng chống ma túy; việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản; quy hoạch mạng lưới trường lớp học; liên kết đào tạo; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Sau giám sát có tổng hợp và báo cáo trước HĐND tỉnh. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh giành thời gian thỏa đáng cho thảo luận chuyên đề về báo cáo giám sát để các đại biểu có điều kiện phân tích, trao đổi, tranh luận về các vấn đề. Qua đó, chất lượng báo cáo giám sát được nâng lên.

Cùng với các hình thức giám sát khác, giám sát chuyên đề của các Ban tại kỳ họp đã giúp đại biểu và cử tri nắm được toàn diện những diễn biến phong phú của đời sống xã hội cũng như những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; kiểm chứng lại tính đúng đắn, phù hợp của các quy định pháp luật đã và đang áp dụng tại địa phương và những chủ trương, biện pháp mà nghị quyết HĐND đã quyết nghị. Qua giám sát, đã khẳng định nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của HĐND đã đi vào cuộc sống làm chuyển biến tình hình kinh tế, xã hội các địa phương, song cũng phát hiện một số vấn đề bất cập, chưa phù hợp cần phải điều chỉnh, chẳng hạn, Ban Văn hóa - Xã hội đã nêu rõ một số hạn chế, khó khăn trong công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính; việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân từ việc triển khai thực hiện các Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 về Quy định phân công, phân cấp quản lý bộ máy và cán bộ, công chức; Quyết định số 1268/QĐ-UBND ngày 03/02/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND tỉnh, phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố trong thời gian qua còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về giáo dục; từ hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo các quyết định 85/2010; 12/2013 và Quyết định 36/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 65 ngày 22/12/2011 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là quy định về các tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện... Sau đó các Ban đã có những kiến nghị cụ thể với Trung ương, UBND tỉnh để khắc phục những hạn chế, bất cập trên.

Có thể thấy, giám sát tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng trong việc ban hành và thực thi các nghị quyết của HĐND. Qua giám sát còn động viên, khích lệ những cách làm hay, kiến nghị các biện pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương, cơ sở trong quá trình thực hiện, đồng thời uốn nắn những lệch lạc, đề xuất xử lý những sai phạm.

Việc đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát đã được các Ban quan tâm; nhiều cơ quan có thẩm quyền tiếp thu nghiêm túc, đem lại những hiệu ứng tích cực như: Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng; tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy được kiềm chế; việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến tích cực; đã chấn chỉnh những hạn chế của liên kết đào tạo; các chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi đã và đang phát huy hiệu quả...

Vai trò của các Ban trong chất vấn tại kỳ họp. Chất vấn là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện quyền giám sát của đại biểu HĐND, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử trong việc xem xét trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật và Nghị quyết HĐND. Đây là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri có thể đánh giá được vai trò trách nhiệm của các đại biểu do mình bầu ra.

Theo quy định, chất vấn là quyền của đại biểu, song trên thực tế, để hoạt động này diễn ra sôi động, đạt hiệu quả cao, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đều phân công, phối hợp chặt chẽ với các Ban trong việc chuẩn bị các nội dung chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã thực hiện chất vấn với 41 câu hỏi. Trong đó có nhiều nội dung sau khi các Ban HĐND tỉnh giám sát, khảo sát đã kiến nghị HĐND tỉnh tiến hành chất vấn, như: Tình trạng một số dự án lớn chậm tiến độ; ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu đô thị và nông thôn; vấn đề y đức; xử lý xe quá khổ quá tải; bất cập trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm; biên chế sự nghiệp giáo dục.

Trong các phiên chất vấn, thành viên các Ban cũng là những nhân tố tích cực. Trung bình mỗi phiên chất vấn có từ 10 đến 15 câu hỏi chất vấn, trong đó phần lớn là câu hỏi chất vấn của thành viên các Ban. Với những thông tin có được từ các cuộc giám sát, khảo sát, các văn bản liên quan đến nội dung chất vấn cũng như ý thức trách nhiệm của đại biểu, câu hỏi chất vấn của thành viên các Ban đề cập thẳng vào vấn đề, đưa ra các thông tin, số liệu cụ thể để chứng minh cho lập luận của mình. Ngoài ra, trước mỗi kỳ họp, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, thành viên các Ban còn có nhiều câu chất vấn gửi đến các cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Kết thúc nội dung chất vấn, chủ tọa kết luận, trong đó quy định rõ trách nhiệm; thời gian khắc phục những hạn chế, yếu kém và giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có thông báo gửi UBND tỉnh, các ngành liên quan để thực hiện, gửi đại biểu, các Ban HĐND tỉnh để theo dõi, giám sát.

Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau chất vấn đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Một số lời hứa đã được thực hiện như: UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương chấn chỉnh những yếu kém, bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Để giải quyết vấn đề nông dân bỏ ruộng, UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong lĩnh vực y tế, đã ban hành Chỉ thị về “Nâng cao y đức và chất lượng phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân”, hiện nay ngành Y tế đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 13, ngay sau khi chất vấn về tình trạng xe quá khổ, quá tải, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp về kiểm soát tải trọng xe...

Một số khó khăn, hạn chế. Mặc dù có nhiều cố gắng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng của cử tri song hoạt động thẩm tra và giám sát của các Ban HĐND tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống đặt ra. Việc thẩm tra báo cáo hoạt động của một số ngành chưa được quan tâm đúng mức; một số thành viên các Ban chưa giành nhiều thời gian tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của các Ban; còn lúng túng trong phương pháp hoạt động, chưa mạnh dạn phát biểu, ngại va chạm, tranh luận và đề xuất các nội dung giám sát với Thường trực HĐND; số lượng đại biểu đăng ký chất vấn còn ít; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trong chất vấn; công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị sau giám sát và sau chất vấn của các Ban chưa thường xuyên, liên tục.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND tỉnh

Từ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong hoạt động thẩm tra, giám sát tại kỳ họp, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, căn cứ vào chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND tỉnh, các Ban chủ động thời gian xây dựng kế hoạch thẩm tra. Sau khi nhận được báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, tiếp tục yêu cầu cơ quan soạn thảo cung cấp những tài liệu, báo cáo về các nội dung cần làm rõ; tổ chức khảo sát nắm tình hình tại địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết; không thẩm tra những văn bản thiếu cơ sở pháp lý và các văn bản thuyết minh kèm theo. Nội dung thẩm tra phải thể hiện được tính phản biện, phát hiện và nêu những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân. Mặt khác, cần đề xuất bổ sung nội dung và các giải pháp cụ thể để góp phần hoàn thiện báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết.

Hai là, các Ban chủ động trong việc lựa chọn các vấn đề để giám sát; đảm bảo vấn đề được lựa chọn phải là vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, có tầm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh. Việc lựa chọn đối tượng để giám sát cũng phải phù hợp, vừa đạt được mục đích đề ra đồng thời không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được giám sát.

Ba là, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp, các báo cáo giám sát chuyên đề phải có tính chiến đấu cao, không né tránh những vấn đề gai góc trong cuộc sống. Trong quá trình giám sát không được làm qua loa, chung chung, mà phải đi vào những nội dung cụ thể, thiết thực, nêu trúng và đúng vấn đề, kết luận giám sát chính xác, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi. Đại biểu tham gia chất vấn phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước cử tri; câu hỏi chất vấn cần rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, chất vấn với tinh thần xây dựng.

Bốn là, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn. Việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn cần được đôn đốc quyết liệt để các kết luận của Thường trực HĐND, các Ban HĐND nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Năm là, các Ban HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin, viết bài, thực hiện các phóng sự liên quan đến các nội dung giám sát; xem đây là dẫn chứng sinh động cho báo cáo giám sát chuyên đề đọc tại kỳ họp; đồng thời cung cấp các kết luận giám sát cho các cơ quan báo chí để cử tri và nhân dân biết và cùng tham gia giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. 


    Ý kiến bạn đọc