Những trở lực trong quyết định ngân sách của Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
14:36 26/12/2013

Thực tế hoạt động của HĐND nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua cho thấy, chất lượng các quyết định của HĐND tỉnh về ngân sách đã từng bước được nâng cao; quy trình lập dự toán, phân bổ ngân sách cơ bản bảo đảm tính công khai, minh bạch và tiến đến công bằng. Tuy nhiên, việc quyết định ngân sách của HĐND tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách; có những quyết định còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đầy đủ quan điểm, chính kiến của HĐND. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên. Điều kiện để Thường trực, ban HĐND tiếp cận quá trình dự toán ngân sách không nhiều

Với vai trò là bộ phận chuyên trách thì Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh (trực tiếp là Ban Kinh tế và Ngân sách) phải có trách nhiệm tham gia ngay từ đầu quá trình lập dự toán, có như vậy mới bảo đảm thực thi được ý chí của cơ quan dân cử trong các quyết định của mình. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương, điều kiện để Thường trực, các ban HĐND tỉnh tiếp cận quá trình lập dự toán ngân sách không nhiều, nên vai trò của cơ quan chuyên trách HĐND trong giai đoạn này khá mờ nhạt. Theo quy định, báo cáo dự toán thu chi ngân sách địa phương trước khi trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh phải trình Thường trực HĐND xem xét cho ý kiến. Trên thực tế, thủ tục này hầu như không được thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh chỉ tham gia ý kiến vào bản báo cáo dự toán thu chi ngân sách tại cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì với tư cách là thành phần mời dự họp nên rất khó thể hiện hết quan điểm, nội dung góp ý.

Do đặc điểm trong quản lý ngân sách, nhiều nội dung phải được sự thống nhất từ cơ quan tài chính cấp trên, nên nếu không tham gia đầy đủ ngay từ đầu thì việc điều chỉnh dự toán tại kỳ họp HĐND sẽ gặp trở ngại do đã được cơ quan tài chính cấp trên thống nhất và rơi vào tình huống việc đã rồi. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh.

Sức ép về thời gian

Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu ngân sách trước ngày 20.11 của năm trước (thông thường là từ 20 - 25.11); trên cơ sở đó, UBND tỉnh hoàn chỉnh dự toán trình HĐND tỉnh quyết định trước 10.12 năm trước. Việc hoàn chỉnh dự toán của UBND tỉnh (trực tiếp là Sở Tài chính) trong thời hạn khoảng 15 ngày là rất gấp gáp, gây nhiều khó khăn nhất định, nhất là khi có những điều chỉnh lớn. Do vậy, việc hoàn chỉnh hồ sơ dự toán ngân sách gửi HĐND tỉnh trước kỳ họp 5 ngày (theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND) là không bảo đảm, thường gần đến sát ngày họp, đại biểu HĐND tỉnh mới nhận được tài liệu này. Thực tế này làm cho công tác thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh gặp nhiều khó khăn do không đủ thời gian nghiên cứu, xem xét một cách chi tiết, đầy đủ; đại biểu HĐND tỉnh cũng khó nắm bắt hết nội dung dự toán để cho ý kiến tại kỳ họp. Từ đó, chất lượng quyết định dự toán ngân sách chưa thể hiện đầy đủ ý chí của cơ quan dân cử.

Quyết toán ngân sách còn hình thức

Hàng năm, ngân sách cấp tỉnh phải được HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán. Đây là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc chấp hành ngân sách. Theo quy định của pháp luật, quyết toán ngân sách địa phương do HĐND tỉnh phê chuẩn bao gồm các khoản thu - chi ngân sách phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có những khoản thu - chi ngân sách không nằm trong danh mục dự toán ngân sách do HĐND tỉnh quyết định nhưng vẫn thuộc nội dung quyết toán như hầu hết vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư trên địa bàn. Rõ ràng, việc quyết toán những nội dung ngân sách không do mình quyết định đã cho thấy sự thiếu toàn diện trong các quyết định về ngân sách của HĐND tỉnh.

Một thực tế khác cũng làm cho nhiều đại biểu HĐND băn khoăn khi đưa ra quyết định khi thông qua quyết toán ngân sách, đó là cơ sở kiểm chứng số liệu quyết toán hầu như không có. Với lực lượng và điều kiện của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND cấp tỉnh hiện nay thì việc thẩm tra báo cáo quyết toán chỉ là những nhận định mang tính chủ quan, phụ thuộc vào số liệu do UBND báo cáo. Trong khi đó, việc thực hiện kiểm toán ngân sách của Kiểm toán nhà nước không được tiến hành thường xuyên và thường công bố kết quả sau khi HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán. Do vậy, việc phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương của HĐND tỉnh trong thời gian qua còn mang tính hình thức. Hầu hết đại biểu đều không tham gia góp ý hoặc chất vấn về các nội dung trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán.

Những vấn đề nêu trên cho thấy, thực tế vẫn còn nhiều trở lực lớn, ảnh hưởng đến năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc