Những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
16:05 29/05/2012

Nâng cao năng lực giám sát của HĐND tỉnh, trước tiên phải đổi mới cơ cấu đại biểu. Cần quy định cụ thể số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách không thấp hơn 1/3 tổng số đại biểu; đồng thời hạn chế tối đa các thành viên của UBND, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn kiêm nhiệm đại biểu HĐND tỉnh. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về chức năng giám sát của HĐND

 

Đại biểu chuyên trách quá ít

Thực tế, công tác giám sát của HĐND tỉnh Bình Định thời gian qua chưa nhiều và sâu đối với một số lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ và chất lượng công trình, sử dụng vốn, thu chi ngân sách, cải cách hành chính... Trong giám sát chưa có biện pháp hiệu quả để phát hiện được hết những vấn đề đối tượng được giám sát không báo cáo. Một số phát hiện chưa tốt cần khắc phục, việc chấn chỉnh, giải quyết còn chậm trễ, nhất là thông tin phản hồi chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác kiểm tra sau giám sát chưa được thực hiện thường xuyên...

Nguyên nhân trước hết do số lượng đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn so với tổng số đại biểu (ở Bình Định chỉ có 1/10). Phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động dân cử, trong khi đại biểu chuyên trách số lượng ít, áp lực công việc nhiều nên thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ nhiệm vụ giám sát còn hạn chế.

Theo Điều 52 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, thành viên của Thường trực HĐND tỉnh không thể đồng thời là thành viên của UBND tỉnh. Quy định như vậy nhằm bảo đảm sự độc lập, khách quan giữa HĐND tỉnh với cơ quan chấp hành của mình là UBND tỉnh. Tương tự như vậy, quy định về thành viên các ban HĐND tỉnh, Điều 54 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định: thành viên các ban HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp. Trưởng ban HĐND không thể đồng thời là Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cùng cấp. Tuy nhiên, HĐND tỉnh  không những giám sát UBND, TAND, VKSND tỉnh mà còn giám sát tất cả các cơ quan, tổ chức, công dân trên địa bàn. HĐND tỉnh có nhiều đại biểu là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, khi thực hiện chức trách của người đại biểu thì những đại biểu này không thể giám sát chính họ hoặc cấp trên quản lý mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả giám sát của HĐND còn thấp.

Yêu cầu, kiến nghị của HĐND ít có giá trị pháp lý bảo đảm thực hiện

Một thực tế đáng bàn hiện nay là các yêu cầu, kiến nghị của Thường trực, các ban và của đại biểu HĐND tỉnh ít có giá trị pháp lý bảo đảm thực hiện.

Theo quy định, Thường trực và các ban HĐND tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản cung cấp những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, giải trình những vấn đề đoàn giám sát quan tâm, xem xét, xác minh tại chỗ những vấn đề đoàn thấy cần thiết. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan, tổ chức chưa thực hiện tốt việc cung cấp tài liệu cho các ban. Yêu cầu, kiến nghị của các ban không được các cơ quan, tổ chức quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 chỉ quy định trình tự các bước để đoàn giám sát HĐND tiến hành công việc của mình, nhưng không có quy định về phạm vi giám sát cũng như cách thức giám sát trong từng lĩnh vực, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, đôi lúc đại biểu HĐND chỉ có ý kiến phản ánh hiện tượng mà chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị, nên kết luận giám sát thiếu tính thuyết phục.

Các biện pháp pháp lý của HĐND tỉnh ít được thực hiện trên thực tế. HĐND hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Muốn áp dụng các biện pháp mang tính chất chế tài thì bắt buộc HĐND phải triệu tập kỳ họp và quyết định theo đa số ở kỳ họp. Tuy nhiên, HĐND chỉ được áp dụng các biện pháp pháp lý đối với một số chủ thể nhất định. Pháp luật cũng quy định các cơ quan Nhà nước, tổ chức khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của Thường trực, các ban và của đại biểu HĐND tỉnh phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả cho HĐND tỉnh  biết. Trường hợp, các cơ quan, tổ chức không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, HĐND tỉnh không thể áp dụng các biện pháp pháp lý đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.

Những vấn đề đặt ra

Nâng cao năng lực giám sát để HĐND thực sự phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trước tiên phải đổi mới cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh. Hiện nay đại đa số đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, vừa làm nhiệm vụ đại biểu vừa là cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Cho nên, dù luật có quy định đại biểu phải dành thời gian cho hoạt động dân cử, thì thực tế những cán bộ, công chức này sẽ không có đủ thời gian và tâm trí dành cho hoạt động đại biểu. Do đó, luật cần quy định cụ thể số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách không thấp hơn 1/3 tổng số đại biểu; đồng thời hạn chế tối đa các thành viên của UBND, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, cán bộ lãnh đạo TAND và VKSND tỉnh kiêm nhiệm đại biểu HĐND tỉnh.

Cần thường xuyên tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu. Từng đại biểu HĐND phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, để đủ khả năng phân tích chính sách, thu thập và xử lý thông tin; xây dựng cho mình khả năng thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội theo phương thức hoạt động của cơ quan dân cử; tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động HĐND. Đặc biệt, đại biểu HĐND cần có bản lĩnh, dũng cảm bảo vệ quan điểm chính đáng của mình để quyết định đúng.

Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về chức năng giám sát của HĐND. Như quy định rõ căn cứ để HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn, kiểm tra, giám sát việc giải quyết những vấn đề chất vấn sau kỳ họp. Do luật chưa quy định cụ thể vấn đề này nên trong thực tế nhiều trường hợp ý kiến chất vấn của đại biểu bị rơi vào lãng quên. Vì vậy cần quy định các biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề của chất vấn sau kỳ họp như: ai là người có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện, cách thức tiến hành ra sao, trách nhiệm của người bị chất vấn khi không thực hiện những gì đã hứa... Như vậy, hoạt động giám sát của HĐND sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.


    Ý kiến bạn đọc