Thi hành Hiến pháp và yêu cầu hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND
EmailPrintAa
12:31 06/05/2014

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của HĐND các cấp hiện vẫn còn bất cập, chưa phát huy tốt vai trò cơ quan đại diện dân cử, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Một trong những nguyên nhân ấy là do pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND hiện nay.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam. Để có Nhà nước của dân, do nhân dân và vì dân dựa trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững chắc như ngày nay, không thể không kể đến vai trò của pháp luật bầu cử đại biểu HĐND được xây dựng, ban hành và thực thi trong những năm qua. Hoạt động của HĐND các cấp tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy tốt vai trò cơ quan đại diện dân cử, chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ… Một trong những nguyên nhân do những bất cập trong pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND hiện nay. Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND là việc làm hết sức cần thiết, nhằm thông qua bầu cử, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu về đạo đức, năng lực và trí tuệ - yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương như Hiến pháp đã tiếp tục khẳng định.

Từ thực tế thực hiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND...

Hệ thống pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đa dạng, cụ thể và hướng đến sự đồng bộ hơn; đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước. Thông qua quy định pháp luật, các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bầu cử được cụ thể hóa và phân định rạch ròi, hướng đến phân cấp cho chính quyền địa phương rõ nét. Pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND đã xác định các biện pháp và mục tiêu xây dựng chính quyền địa phương, bảo đảm tính đa dạng về cơ cấu thành phần đại biểu và tính hiệu quả của thiết chế quyền lực nhà nước ở địa phương. Thể hiện nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân trong xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và bộ máy nhà nước…

Tuy nhiên, thực tế thực hiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND đã bộc lộ những hạn chế. Trước hết là chưa bảo đảm tính đồng bộ: các văn bản QPPL về bầu cử đại biểu HĐND được ban hành qua các thời kỳ thường xuyên có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Về cơ bản, các quy định không có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Bất cập chủ yếu là mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản đã ban hành trước đó, hoặc quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử đại biểu HĐND.

Chưa bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, cụ thể: chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm của các tổ chức quản trị bầu cử. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân còn có mặt hạn chế, thiếu thống nhất. Quy định của pháp luật về một số vấn đề liên quan đến pháp luật bầu cử đại biểu HĐND còn chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến vướng mắc khi áp dụng như: quyền ứng cử, vận động tranh cử, hiệp thương, tuyên truyền, tính minh bạch về thông tin của các ứng cử viên… Thiếu cơ sở bảo đảm cho các quyền bầu cử của công dân trong một số trường hợp đặc biệt (đi công tác nước ngoài…). Thiếu một số văn bản luật có tính pháp điển hóa cao để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bầu cử đại biểu HĐND.

Chưa bảo đảm kỹ thuật lập pháp, lập quy, tính khoa học: một số nội dung quan trọng vẫn còn thiếu hoặc chưa được quy định khoa học (nguyên tắc bầu cử tự do, bình đẳng trong bầu cử, nội dung và hình thức vận động bầu cử, Hiệp thương, bãi miễn đại biểu…). Xét dưới góc độ kỹ thuật xây dựng pháp luật, pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND còn bộc lộ những hạn chế cơ bản sau: mỗi kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp, có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, văn bản hướng dẫn bầu cử (Quốc hội, Chính phủ, ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Nội vụ, Tài chính…). Nhiều câu chữ trong văn bản chưa chuẩn xác, đa nghĩa khó áp dụng; các văn bản QPPL về bầu cử đại biểu HĐND có độ ổn định thấp, thường xuyên bị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; các văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bầu cử đại biểu HĐND chậm được ban hành.

... đến yêu cầu hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND

Trước hết là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc hoàn thiện pháp luật bầu cử đại biểu HĐND: để có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thể chế bầu cử với sự lãnh đạo của Đảng, cần nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm bầu cử của các nước trên thế giới… Trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống bầu cử nước ta, xác định chiến lược của Đảng trong các cuộc bầu cử, thực hiện phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đội ngũ các nhà chính trị, các đảng viên được lựa chọn qua các cuộc vận động bầu cử. Đảng lãnh đạo bầu cử chủ yếu là hỗ trợ các ứng cử viên của Đảng thông qua bầu cử hợp pháp. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, công tác quy hoạch cán bộ là cần thiết, song cần thay đổi tư duy theo hướng: chọn những người đã trúng cử để đánh giá năng lực, từ đó sắp xếp, bố trí công việc hợp lý theo quy định. Do vậy, trong các ứng cử viên chính thức được Đảng giới thiệu, nên có cơ chế tạo điều kiện để ngày càng có nhiều đảng viên của Đảng tự ứng cử. Đây chính là biện pháp mở rộng dân chủ trong Đảng thông qua hoạt động bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Nghiên cứu xây dựng Bộ luật Bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, quyền bầu cử và ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cơ bản giống nhau, chỉ khác ở chỗ đối tượng bầu cử (ứng cử viên). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND (Luật số 63/2010/QH12) là văn bản hợp nhất các văn bản pháp luật về bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND áp dụng cho kỳ bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 diễn ra ngày 22.5.2011. Tuy nhiên, văn bản là sự lắp ghép “cơ học” hai phần riêng biệt, về mặt kỹ thuật lập pháp cần được nghiên cứu xây dựng thành văn bản luật thống nhất, bảo đảm về mặt kỹ thuật và nội dung. Thực tiễn áp dụng Luật cho thấy: lần đầu tiên chúng ta tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cùng một ngày có những thuận lợi nhất định là tập trung, tiết kiệm, hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác tổ chức bầu cử cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng văn bản mới với những quy định riêng biệt; cử tri khó khăn trong việc lựa chọn đại biểu (bầu một lúc 4 cấp) và khó khăn trong việc nghiên cứu văn bản. Do vậy, bên cạnh việc pháp điển hóa các quy định hướng dẫn về bầu cử vào Luật bầu cử, cần sớm nghiên cứu hợp nhất hai luật, Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND thành Luật Bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND để thuận lợi cho việc thực hiện; đồng thời là một trong những giải pháp hoàn thiện pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND phù hợp với Hiến pháp mới.

Hoàn thiện về đơn vị bầu cử: pháp luật bầu cử cần tạo ra cơ chế rõ ràng về chế độ trách nhiệm của các thiết chế đại diện với cử tri. Đơn vị bầu cử ở nước ta được thiết kế theo mô hình đơn vị bầu cử nhiều đại diện và việc phân vạch “bám” theo đơn vị hành chính. Do vậy, trong tương lai cần nghiên cứu để chuyển đổi từ đơn vị bầu cử nhiều đại diện hiện nay sang mô hình đơn vị bầu cử một đại diện. Mà cốt lõi của vấn đề này là HĐND phải bao gồm các đại biểu được bầu từ đơn vị bầu cử một đại diện. Pháp luật về bầu cử tiến bộ cần phản ánh hợp lý tính đại diện trên cơ sở tôn trọng ý chí của nhân dân, đây là vấn đề mang tính nền tảng cho tổ chức và hoạt động của HĐND. Pháp luật bầu cử cần được thiết kế sao cho kết quả bầu cử phải phản ánh tính đại diện, cơ quan dân cử là “hình ảnh thu nhỏ” của nhân dân trong địa dư bầu cử. Do vậy, đổi mới pháp luật bầu cử theo hướng tính đại diện được bảo đảm hợp lý ở cả hai tiêu chí: theo địa phương và theo các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các ngành, các khối, điều quan trọng là tính đại diện phải thực chất hơn.

Hoàn thiện quy trình hiệp thương: vai trò của MTTQVN vẫn rất quan trọng, nhất là trong bầu cử và đặc biệt trong công tác hiệp thương lựa chọn ứng cử viên. Trong điều kiện nhận thức về bầu cử của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, MTTQ có vai trò như là một định hướng về tính đại diện. Với cơ chế chính trị nhất nguyên như ở nước ta hiện nay, cần đổi mới các quy định về hiệp thương theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng; tôn trọng vai trò, tính tự quản của Mặt trận. Với kiến nghị về việc chuyển sang áp dụng mô hình đơn vị bầu cử một đại diện, mỗi đơn vị bầu cử cần mở rộng khả năng lựa chọn cho cử tri, có thể cho phép nhiều ứng cử viên tham gia ứng cử.

Đổi mới phương pháp xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND. Cụ thể, cần xem xét một số vấn đề: thay đổi cách thức lựa chọn từ việc cử tri gạch tên những người không tín nhiệm thành cử tri đánh dấu (chọn) người mà mình tín nhiệm; phiếu bầu cần phản ánh những thông tin tổng hợp về ứng cử viên; tăng cường hướng dẫn về cách thức lựa chọn trên phiếu bầu đối với cử tri, mặt khác không nên coi phiếu bầu viết thêm tên người ngoài danh sách là phiếu không hợp lệ; bổ sung về việc phân loại phiếu bầu theo hướng quy định chặt chẽ.

Hoàn thiện quy định về quyền ứng cử, vận động bầu cử: hoàn thiện pháp luật bầu cử theo hướng mở rộng phạm vi lựa chọn cho cử tri, bằng cách tăng số người ứng cử cho một đơn vị bầu cử; quy định cụ thể trình tự thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ra ứng cử. Có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các ứng cử viên.

Hoàn thiện các tổ chức phụ trách bầu cử và việc quản trị bầu cử đại biểu HĐND: tăng tính minh bạch trong bầu cử là yêu cầu của tăng cường pháp chế. Cần pháp điển hóa các văn bản về hướng dẫn bầu cử. Thực tế, những văn bản này được áp dụng như những quy định của pháp luật bầu cử. Do vậy, để bảo đảm pháp chế, tính toàn vẹn của pháp luật bầu cử, nên hệ thống hóa chặt chẽ công khai, minh bạch các văn bản và nên pháp điển hóa các văn bản đó vào các đạo luật bầu cử.

Nâng cao vai trò của tư pháp trong bầu cử đại biểu HĐND. Hiện nay, pháp luật bầu cử ở nước ta quy định Tòa án giải quyết duy nhất đối với một loại tranh chấp: cử tri không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri (hoặc cơ quan này không giải quyết khiếu nại), tiếp tục khiếu nại đến Tòa án. Quy định như vậy là cần thiết, nhưng chưa đủ. Hoàn thiện pháp luật về bầu cử cần đặc biệt quan tâm tới việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án có quyền giải quyết những khiếu nại liên quan đến bầu cử, như: quy trình hiệp thương, quyền tự ứng cử của công dân.

 


    Ý kiến bạn đọc