Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các dự án Luật
EmailPrintAa
17:08 21/10/2021

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; chiều 21/10/2021, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận Tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có các đồng chí: Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Bước vào phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Đại tá Đặng Hoài Sơn: Lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng trọng yếu trong lực lượng Công an nhân dân.

Thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động , các đại biểu tham dự cho rằng: Sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai đồng bộ các biện pháp, phương án, kế hoạch công tác, tổ chức lực lượng ra quân xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh trật tự, bạo loạn, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu IV đề nghị Quốc hội xem xét, phạm vi, chức năng, quyền hạn , cơ chế phối hợp trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đào Phi Sơn: Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết

Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, đối với vấn đề hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động; vị trí, chức năng, quyền hạn; nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; việc huy động người, phương tiên, thiết bị và điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một cách cẩn trọng, phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn.

Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nguyễn Huy Trọng: Đề nghị có giải pháp phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu cho rằng: Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 90, Điều 1 dự thảo Luật), các đại biểu thống nhất với phương án 1, biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia xin cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của đại biểu tham dự. Đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án Luật để góp ý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc