Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để cấp hộ chiếu cho công dân
EmailPrintAa
16:18 12/06/2019

Tại phiên thảo luận ở Hội trường (sáng 12/6) về dự án Luật về Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có những ý kiến góp phần bổ sung và hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của dự án Luật này.

Trước hết,về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ quy định tại mục 1 Chương III dự thảo Luật  Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đồng tình với phương án 1. Đại biểu cho rằng đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2015), được thực hiện ổn định trong thời gian qua, đủ điều kiện để quy định trong Luật. Tuy nhiên dự thảo Luật cần có sự rà soát đề nghị rà soát kỹ lưỡng Phương án 1 để quy định bảo đảm đầy đủ, sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đại biểu đề nghị tại điểm d, khoản 1 cần bổ sung thêm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiều công vụ là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao, xây đắp quan hệ đoàn kết, tình hữu nghị cũng như để cùng phát triển, hỗ trợ giữa địa phương các nước với nhau.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn

Thứ hai , thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân để làm hộ chiếu. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhận thấy việc này tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, vừa đảm bảo yêu cầu cấp hộ chiếu, vừa đáp ứng yêu cầu cắt giảm các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính như chi phí đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông… Việc này cũng giảm áp lực cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ vào những thời điểm nhu cầu làm hộ chiếu của người dân tăng cao. Đồng thời cũng phù hợp với Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Do đó, tại Điều 12 cần bổ sung quy định cụ thể về cách thức nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ và nhận kết quả tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba , hiện nay Bộ Công an đã triển khai Chương trình tiếp nhận, quản lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam trên nền Internet (cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3), tuy nhiên trong dự thảo Luật chưa quy định nội dung này. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về hình thức khai tờ khai điện tử trên nền Internet song song với hình thức truyền thống nhằm khuyến khích người dân thực hiện, đồng thời đáp ứng với yêu cầu của việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Thứ tư , về thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh quy định tại khoản 1 Điều 18 là điểm mới của dự thảo Luật được xem là biện pháp răn đe cần thiết đối với các trường hợp quy định tại Điều 17. Tuy nhiên, việc quy định thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 4 với mức từ 06 tháng đến 12 tháng, theo tôi là chưa phù hợp. Vì hành vi quy định tại khoản 1 Điều 4 là hành vi ít nghiêm trọng, chưa gây ra hậu quả nên việc quy định chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh thời hạn từ 06 tháng đến 12 chưa hợp lý so với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đại biểu đề nghị đối với trường hợp vi phạm khoản 1 Điều 4 quy định thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh là từ 03 tháng đến dưới 06 tháng là phù hợp hơn.

Thứ năm , về điều kiện nhập cảnh quy định tại Điều 26, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần bổ sung thêm quy định người đại diện hợp pháp đi cùng đối với người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi khi nhập cảnh vào Việt Nam. Đại biểu khẳng định quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm trật tự công cộng, sức khỏe và các quyền tự do của công dân nhưng vẫn đảm bảo đúng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như quy định của Hiến pháp năm 2013. Thực tế cho thấy đã xuất hiện những trường hợp trẻ em được sinh tại nước ngoài sau đó nhập cảnh Việt Nam đi cùng người khác nhưng không phải là người đại diện hợp pháp, điều này dễ phát sinh những đường dây dịch vụ đưa trẻ em nhập cảnh nhằm thu lợi bất chính, không đảm bảo an toàn, sức khỏe đối với trẻ em, đồng thời cũng ngăn chặn tội phạm buôn bán trẻ em xuyên quốc gia.

Cuối cùng, Đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm về cấp giấy thông hành quy định tại mục 3 chương III, trong dự thảo Luật đối tượng được cấp giấy thông hành quy định tại khoản1, khoản 2 và mục 3 Điều 15 giao cho chính phủ quy định chi tiết. Theo đại biểu cần phải có quy định cụ thể về thủ tục trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, internet nhằm đáp ứng nhu cầu xuất, nhập cảnh ngày càng tăng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời cũng có cơ chế về liên thông quản lý gắn với việc cấp giấy thông hành của các cơ quan nhà nước tại địa phương đảm bảo tốt hơn công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Phạm Nghĩa - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc