Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)
EmailPrintAa
18:18 28/05/2015

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 8, buổi chiều các ngày 26, 27/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đại biểu Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tổ thảo luận số 4, gồm: Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Vĩnh Long và Lai Châu.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng việc sửa đổi Bộ Luật hình sự thời điểm này là hết sức cần thiết, bởi hiện nay nhiều điều khoản không còn phù hợp nhất là nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, vì vậy luật cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Về việc loại bỏ án tử hình cho một số tội danh, theo nhiều đại biểu đây là xu hướng hiện đại, nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ án tự hình, hiện trong số 22 tội danh quy định án tử hình, Luật hình sự (sửa đổi) đang xem xét để bỏ 7 loại tội danh khỏi án tử hình. Theo các đại biểu, việc loại bỏ án tử hình đối với tội tham ô, hối lộ là phù hợp, nên quy định tăng hình phạt tù và tịch thu tài sản, phạt tiền nghiêm minh. Tuy nhiên việc đưa tội ác gây chiến tranh ra khỏi hình phạt tử hình là không hợp lý, vì tội gây chiến tranh là hết sức nguy hiểm. Về quy định không xử phạt án tử hình đối với người trên 70 tuổi, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định này, bởi theo các đại biểu thì luật xử lý tội phạm và trừng trị người phạm tội chứ không xử lý về độ tuổi, chỉ loại trừ một số tội đối với người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên quy định này là bất hợp lý.


Đồng chí Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận

Về vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của người chưa đủ tuổi vị thành niên, theo một số đại biểu hiện nay theo luật hiện hành quy định người đủ tuổi thành niên là 18 tuổi. Tuy nhiên cần xem xét để quy định lại mức tuổi này và việc sử dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, bởi hiện nay tội phạm hình sự đang ngày càng trẻ hóa, vì vậy cần phải có những biện pháp, những chế tài xử lý đủ nghiêm minh để giáo dục, răn đe đối tượng phạm tội. Về quy định chuyển phạt tiền thay cho phạt tù trong một số tội danh, đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, một số cho rằng trong những tội danh chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội có thể thay thế hình phạt tù bằng hình phạt tiền. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng chưa nên thay thế, áp dụng điều này vào thực tiễn, vì các công dân bình đẳng trước pháp luật và tuân thủ các quy định của pháp luật, việc phạt tù nhằm đảm bảo tính răn đe, kỷ cương của pháp luật. Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều nay, các đại biểu cũng đã thảo luận đề cập đến nhiều vấn đề như: việc bỏ một số tội và bổ sung các loại tội phạm mới, về tăng các hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ trong các tội danh, về các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự …

Thảo luận về Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình thống nhất cao với việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này, việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) không chỉ để phù hợp với Hiến pháp 2013 mà còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo nhiều đại biểu trong thời gian qua, việc bỏ lọt tội phạm, án oan sai có xu hướng tăng, một phần xuất phát từ những quy định của luật chưa chặt chẽ trong các khâu từ điều tra, xét hỏi đến quá trình thi hành án…

Đóng góp ý kiến vào các điều luật đang có nhiều ý kiến khác nhau của Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu Trần Tiến Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo Điều 17, Điều 21, Điều 154 là cần thiết, vì như vậy sẽ tạo được sự tham gia, giám sát của nhiều ngành trong quá trình tố tụng, hạn chế được tình trạng oan sai, tăng cơ quan điều tra cũng sẽ giúp các ngành có chuyên sâu tham gia vào hoạt động tộ tụng. Về căn cứ tạm giam và thời hạn tạm giam, đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị nên rút ngắn thời gian tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, theo quy định hiện hành loại tội ít nghiêm trọng thời gian tạm giam không quá hai tháng là quá dài, thời gian rút ngắn cần được xem xét cụ thể, nhiều vụ việc nếu không đến mức cần thiết không nên tiến hành tạm giam.

Về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đây là điều đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một số đại biểu cho rằng việc ghi âm, ghi hình sẽ tăng được việc giám sát, tránh được bức cung, mớm cung và như thế sẽ tránh được oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng việc ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung sẽ ảnh hưởng đến nghiệp vụ, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Xung quang vấn đề ghi âm, ghi hình này một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tính trung thực và tính pháp lý và  trách nhiệm ghi âm, ghi hình, cơ chế để cung cấp hình ảnh, âm thanh… Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Võ Kim Cự đề nghị cần tổ chức ghi âm, ghi hình để bảo vệ quyền con người, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đại biểu cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy đăng ký bào chữa, quyền thu thập chứng cứ và các biện pháp thu thập chứng cứ của người bào chữa, tăng cường đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan và công tâm trong quá trình tố tụng và tăng cường tranh tụng phiên tòa để bảo vệ quyền con người. Việc mở rộng cơ quan có nhiệm vụ thực hiện hoạt động điều tra ban đầu cần cân nhắc kỹ lưỡng, có sự lựa chọn phù hợp.

Về vai trò của Viện kiểm sát trong quá trình tố tụng, một số đại biểu cũng đề nghị nên giữ quy định về việc Viện kiểm sát được quyền ra quyết định khởi tố vụ án, nếu khi một vụ việc đủ yếu tố cấu thành tội phạm Viện kiểm sát yêu cầu nhưng cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố, thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định, như vậy sẽ tránh việc giao độc quyền cho một đơn vị…


    Ý kiến bạn đọc