Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
EmailPrintAa
17:04 26/10/2021

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10/2021, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận.

Thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Trải qua 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Cùng dự có các đại biểu Quốc hội: Hà Thọ Bình, Phan Thị Nguyệt Thu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Kỳ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo Sở Khoa học công nghệ; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Đối với vấn đề quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 36, Điều 1 dự thảo Luật) đa số đại biểu đồng tình phương án 1: Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan Nhà nước thực hiện đăng ký. Việc quy định như vậy sẽ tạo được động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó; đồng thời vẫn đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghiệp có sử dụng ngân sách.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự

Đồng thời thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 89, Điều 1 dự thảo Luật), đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Vì việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả; các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ. Với thực trạng như vậy, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Do đó, việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính, hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc