Tạo tiền đề thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số phát triển
EmailPrintAa
11:37 02/11/2022

Sáng 02/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại tổ cùng các tỉnh Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại tổ
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ

Bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng sau gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia: Cần quy định cơ chế bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân khi giao dịch trên không gian mạng; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ người tiêu dùng; cần có chế tài xử lý khi người tiêu dùng cung cấp thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp; cần quy định chặt chẽ kiểm duyệt hợp đồng mẫu; tạo cơ chế để Hội bảo vệ người tiêu dùng phát huy hiệu quả hoạt động

Để kịp thời thể chế hoá bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu đã góp ý về tính khả thi của dự thảo luật; các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; cơ chế giải quyết tranh chấp; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế phối hợp.

ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử; quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng

Đầu tư nhân lực và hạ tầng phát triển giao dịch điện tử

Thảo luận các nội dung liên quan Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu đánh giá Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, các đại biểu cũng phân tích những bất cập như thiếu quy định về chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại; về trách nhiệm của các chủ quản nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; quy định tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước chưa đầy đủ;

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị quy định chi tiết về: Tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; các điều kiện để thực hiện thủ tục rút gọn vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự; hình thức thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện .

Theo đó, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là cấp thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh: Cần quan tâm hạ tầng kỹ thuật khu vực vùng sâu, vùng xa để ứng dụng tốt hơn trong giao dịch điện tử; kịp thời rà soát ban hành chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong giao dịch điện tử; tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; các giải pháp mạnh mẽ hơn để tiến tới không sử dụng tiền mặt

Các đại biểu cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

ĐBQH tỉnh Sơn La Đinh Công Sỹ: Quan tâm bố trí nguồn lực khi phân cấp UBND cấp xã nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng; về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định cụ thể theo từng hành vi vi phạm, không nên ghi chung chung dẫn đến việc phải ban hành từng nghị định xử phạt riêng không phù hợp; bổ sung cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, giao dịch điện tử quốc tế

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận khẳng định việc thực thi các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cải thiện, hạn chế và ngăn chặn một số hành vi, lĩnh vực có nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận phát biểu

Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị sửa đổi dự thảo luật lần này cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính.

Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng đoàn và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề xuất làm rõ một số khái niệm; nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; rà soát đảm bảo tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (thủ tục rút gọn) và Trọng tài; bảo đảm nguồn lực cho Hội bảo vệ người tiêu dùng hoạt động phát huy hiệu quả; làm sâu sắc hơn vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về dự án Luật Giao dịch điện tử, đồng chí Trưởng đoàn và các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi Luật đồng bộ để phát triển giao dịch điện tử trên mọi lĩnh vực hiện đại, lành mạnh và an toàn, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đồng thời, đề xuất cụ thể cách thức, hình thức, nội dung nguồn gốc khởi tạo, lưu trữ đối với dữ liệu dưới dạng thông điệp; quy định rõ về tiêu chuẩn, cơ chế kết nối, chia sẻ của các nền tảng số, cổng thông tin, phần mềm về khả năng, tích hợp; rà soát quy định giá trị pháp lý của văn bản điện tử với giấy như bản gốc cho rõ ràng, thống nhất với Luật Kế toán hiện hành.

Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số, nhất là nhân lực và hạ tầng; các ưu đãi về thuế, phí khi thực hiện chuyển đổi số; bổ sung quy định cụ thể về tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch và giá trị pháp lý của kết quả thực hiện giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; quy định người dùng chỉ cung cấp một lần dữ liệu cá nhân nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thúc đẩy giao dịch điện tử.

Quang Đức - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc