Việc có lợi cho dân, dù khó cũng phải làm
EmailPrintAa
15:54 17/06/2015

Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp toàn thể hôm qua, 15.6. Không ngoài dự đoán, nguyên tắc lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo Bộ luật “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” đã trở thành tâm điểm tranh luận của các ĐBQH.
 
ĐBQH Vũ Xuân Trường (Nam Định) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển 


Dân đòi công lý, Tòa không có quyền từ chối

 Dù mới chỉ là “hay trên giấy” thì việc luật hóa nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” là hết sức cần thiết. Việc có lợi cho dân, không thể vì thấy khó mà không làm.

Khoản 2, Điều 4, Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Với quy định này, Tòa án Nhân dân Tối cao - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Bộ luật đã nhận thêm một “gánh nặng”. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, với Bộ luật hiện hành, Tòa án Nhân dân chỉ thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật, tức là các vụ việc đã có luật quy định, thẩm phán chỉ căn cứ vào luật để đưa ra phán quyết, thì ngành tòa án cũng đã quá tải. Từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tố tụng dân sự, ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ: yếu tố chủ đạo trong tố tụng dân sự Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua là “quá dài” và “quá chậm trễ”; nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm, nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng cố tình chây ỳ, không trả, thậm chí còn thách thức nạn nhân đi kiện... Như vậy để thấy rằng, nếu QH thông qua đề xuất tại khoản 2, Điều 4 thì số lượng vụ việc dân sự mà ngành tòa án phải thụ lý, giải quyết chắc chắn sẽ tăng đột biến. Thay vì “né” bớt nhiệm vụ, đưa ra các quy định nhằm tạo thuận lợi cho ngành mình như vẫn thấy ở một số cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo luật khác, Tòa án Nhân dân Tối cao - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) - đã giành phần khó về phía mình.

Cơ sở để Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra nguyên tắc này cũng rất hợp tình, hợp lý. Đó là, để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Cụ thể là, tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì tòa án phải giải quyết. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Nếu tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Khi đó, việc tòa án từ chối thụ lý, giải quyết sẽ không bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của một ngành nhưng mục tiêu của nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” rất lớn: bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.


ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) phát biểu về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Tiến bộ hay khả thi?

Câu chuyện đặt ra là, tại sao, một quy định mới, hay, tiến bộ như vậy nhưng Ủy ban Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Bộ luật - và nhiều ĐBQH trong Phiên họp hôm qua lại không tán thành?

 Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Nếu tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết.

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp nêu rõ: đa số thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ nguyên tắc này. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, Tòa án Nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, quy định như Dự thảo Bộ luật là không phù hợp với thực tiễn nước ta. Thảo luận tại QH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu một lần nữa nhấn mạnh, nguyên tắc này chưa phù hợp với quy định của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, cũng chưa phù hợp với quy định Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này cũng chưa thật phù hợp với việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân vì bảo vệ công lý là bảo vệ quyền của các đương sự, không chỉ bảo vệ cho những người có yêu cầu mà thực chất là phải bảo vệ tất cả đương sự trong việc kiện dân sự. Đặc biệt, khi xét xử, hội đồng xét xử phải căn cứ quy định của pháp luật để đưa ra những phán quyết đúng người, đúng việc, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Để bảo đảm thực hiện được nguyên tắc tại khoản 2, Điều 4, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã đưa ra căn cứ vận dụng để xét xử các loại việc không có pháp luật điều chỉnh là án lệ, tập quán áp dụng tương đương và lẽ công bằng... Nhưng, lập luận của các ĐBQH phản đối quy định này cũng rất rõ ràng: Dự thảo Bộ luật không quy định rõ nội dung áp dụng các vấn đề này như thế nào.

Ví dụ, đối với án lệ, từ trước đến nay, tòa án chỉ căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để xét xử nên không có án lệ về các loại vụ việc chưa có quy định của pháp luật. Nước ta cũng chưa có quy định án lệ là nguồn luật, tòa án cũng không có chức năng lập pháp, không có chức năng giải thích pháp luật nên cũng không thể đặt ra các nội dung xét xử khi pháp luật chưa quy định để xét xử. Khi đó, việc xét xử sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và ý chí của thẩm phán và hội đồng xét xử. Như vậy, nếu không có căn cứ pháp luật thì làm thế nào để xác định được tính đúng - sai và bảo đảm tính chính xác, nghiêm minh của bản án? Rất khó để xác định tính đúng - sai và xác định trách nhiệm khi phán quyết của tòa án không đúng pháp luật.

Những lo ngại trên đây của các ĐBQH không phải là vô căn cứ vì thực tế, thời gian qua, đã có không ít vụ việc dân sự mặc dù có đầy đủ căn cứ pháp luật để áp dụng nhưng phán quyết của Tòa án vẫn khiến các bên đương sự không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện kéo dài; không ít thẩm phán vẫn cố tình vận dụng sai quy định của pháp luật để làm sai lệch bản án khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan xét xử...

Mới, hay, tiến bộ và “sẽ” rất thuận lợi cho dân - một điều luật như vậy, lẽ ra, sẽ phải ngay lập tức nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của những người đại diện cho dân. Nhưng quả thực cũng rất khó cho các nhà lập pháp khi cái hay, cái tiến bộ của điều luật này mới nhìn thấy ở trên... giấy chứ chưa phải là trong thực tiễn.

Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) mới được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này, tức là mới ở giai đoạn cày vỡ. Sự phản biện, tranh luận và thậm chí yêu cầu phải bác bỏ một nội dung nào đó của Dự thảo Bộ luật cũng là bình thường. Nhưng xét đến cùng, mục tiêu của lập pháp là tạo ra một khuôn khổ pháp lý mà ở đó, quyền và lợi ích chính đáng của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đều được tôn trọng và bảo đảm. Từ góc độ này thì rõ ràng, dù mới chỉ là “hay trên giấy” thì việc luật hóa nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng” là hết sức cần thiết. Việc có lợi cho dân, không thể vì thấy khó mà không làm.

Vấn đề còn lại là, làm thế nào để điều luật này vừa hay, tiến bộ vừa chặt chẽ, khả thi? Câu trả lời nằm ở công đoạn “cày sâu” - tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật ngay sau Kỳ họp này.

 ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Đề ra nguyên tắc này, chính là đã giao cho các thẩm phán một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi cao về năng lực và bản lĩnh của thẩm phán. Song, đây là một đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân và khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Quy định tại khoản 2, Điều 4 thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp triệt để, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước công dân trong việc giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra. Với tinh thần này, không cho phép chúng ta thấy khó mà không làm. 
 
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôi khiếu kiện đến tòa là tôi đòi hỏi công lý, bây giờ anh lại từ chối của tôi thì không công bằng. Nhiệm vụ của anh là bảo vệ công lý, mà tôi kiện đòi công lý anh lại từ chối là không được. Tôi đồng tình với quan điểm mới này, với điều kiện giải thích rõ 3 ýá: thứ nhất, tập quán là gì? Những tập quán nào được chấp nhận và tập quán nào không được chấp nhận để làm căn cứ cho tòa án xét xử? Thứ hai, thế nào là “tương tự” để Hội đồng xét xử áp dụng được, không nhầm lẫn. Thứ ba, thế nào là “lẽ công bằng”? - 3 vấn đề này phải làm rõ thì mới giúp cho việc xét xử sau này khách quan, vô tư và đúng.

 

 


    Ý kiến bạn đọc