513 đại biểu, 184 ý kiến đóng góp vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các đề án, chính sách trình kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII
EmailPrintAa
15:21 11/12/2017

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, thay mặt HĐND tỉnh đại biểu Võ Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Chúng tôi xin đăng nội dung chính của báo cáo quan trọng này.

Đồng chí Võ Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo  tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp

 

“…Để phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và nâng cao chất lượng ý kiến tham gia vào việc quyết định các nội dung trình kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện đổi mới hình thức thảo luận Tổ tại Kỳ họp lần này bằng việc tổ chức thảo luận trước và gắn với địa phương nơi các đại biểu được bầu cử. Qua sinh hoạt của các tổ từ ngày 05 đến 07/12 vừa qua, nhiều đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các địa phương, cử tri đồng tình cách thức này và cho rằng việc cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và một số đơn vị có liên quan ở các địa phương được nghiên cứu, phản biện, đóng góp ý kiến đã phát huy được rộng rãi hơn trí tuệ tập thể vào xây dựng các nội dung trình kỳ họp, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi của các chính sách sau ban hành, đồng thời cũng là một bước tuyên truyền trước về các nghị quyết của HĐND tỉnh…

Thảo luận tại 13 Tổ đã có 513 đại biểu tham gia 184 ý kiến phát biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các đề án, chính sách ban hành tại kỳ họp lần này.

1. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2017

* Lĩnh vực Nông nghiệp

Cần đánh giá nghiêm túc, chính xác các nguyên nhân làm chỉ tiêu sản lượng lương thực đạt thấp, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm để có giải pháp bổ cứu, khắc phục kịp thời.

Một số ý kiến cho rằng: Đang có tình trạng ở một số địa phương người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp do sản phẩm tiêu thụ khó khăn, giá cả bấp bênh, công tác quản lý giống, phân bón nhiều bất cập, liên kết trong sản xuất còn hình thức, một số mô hình sản xuất thiếu tính bền vững, không hiệu quả; nhiều diện tích đất nông nghiệp còn bị bỏ hoang, nhiễm mặn nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

* Lĩnh vực Xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, mới chỉ chú trọng đạt số lượng tiêu chí, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, chưa tập trung sâu vào chất lượng các tiêu chí, xây dựng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống thu nhập của nhân dân. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM cho các xã còn chậm; một số địa phương phản ánh chất lượng xi măng hỗ trợ không tốt.

Cần xem xét bổ sung số liệu về tổng nguồn lực và kết quả giải ngân đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2017; phản ánh chính xác nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

* Lĩnh vực Công nghiệp, thương mại dịch vụ

Giá trị Thương mại - Dịch vụ tăng 5,33% là thấp so với tiềm năng của tỉnh. Còn nhiều hạn chế do nguyên nhân chủ quan trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ. Cần đánh giá cụ thể hơn kết quả tỉ lệ cụm/khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường.

* Về thu chi ngân sách, tín dụng

Nguồn thu ngân sách ở nhiều địa phương hiện nay chủ yếu từ tiền cấp quyền sử dụng đất, thu từ các sắc thuế khác đạt thấp, thiếu bền vững. 13 huyện, thành phố, thị xã đều hụt thu, nhiều xã, phường không có nguồn để chi trả lương cán bộ, trong đó có nguyên nhân là phương án giao thu ngân sách chưa sát đúng với tình hình của từng địa phương...

* Về lĩnh vực đầu tư phát triển

Tiến độ triển khai các dự án nhìn chung còn chậm, nhiều vướng mắc, thi công kéo dài, còn nhiều dự án treo gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng thi công nhiều công trình kém, vừa thi công xong đã sửa chữa, gây lãng phí và khó khăn trong quá trình bàn giao, sử dụng.

* Về quản lý xây dựng, phát triển đô thị

Cần đánh giá rõ hơn kết quả thực hiện công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn; các ngành chức năng chưa chủ động tham mưu cơ chế, chính sách phát triển đô thị chung theo kế hoạch.

* Lĩnh vực Tài nguyên- Môi trường, GPMB

Cần đánh giá cụ thể về kết quả việc chấp hành quy định pháp luật về phục hồi đóng cửa mỏ khi hết thời hạn khai thác; làm rõ tình trạng và nguyên nhân khai thác khoáng sản trái phép.

* Các lĩnh vực văn hoá - xã hội

Công tác khám chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng tham gia BHYT còn bất cập. Số liệu về giải quyết việc làm cần xem lại vì thực tế năm nay công tác giải quyết việc làm ở các địa phương chưa được thực hiện tốt. Cần có tỷ lệ so sánh, đánh giá đầy đủ giữa số nhân lực được đào tạo, đã bố trí việc làm và thất nghiệp để có giải pháp phù hợp.

* Về cải cách hành chính

 Tinh thần, thái độ, trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành cấp tỉnh thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết một số vấn đề phát sinh của cơ sở.

Xem xét lại nội dung đánh giá thủ tục đầu tư nhanh gọn như báo cáo nêu, vì trên thực tế một số lĩnh vực theo doanh nghiệp, người dân phản ánh còn chậm. Đánh giá rõ kết quả tinh giản biên chế năm 2017 để xem xét tiến độ thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về tinh giản biên chế công chức cấp tỉnh, cấp huyện. Đánh giá chính xác chất lượng đội ngũ cán bộ công chức yếu kém ở ngành, lĩnh vực cụ thể để có kế hoạch tinh giản phù hợp.

* Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

Nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết.

* Về quốc phòng, an ninh

Cần đánh giá rõ hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong giải quyết một số vụ việc gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thời gian qua.

2. Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018

* Về mục tiêu nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu

Một số đại biểu còn băn khoăn về một số chỉ tiêu đặt ra trong năm 2018 có thể chưa thực sự phù hợp, như: Chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, chỉ tiêu thu ngân sách nội địa, giá trị sản xuất trên diện tích, độ che phủ rừng, chỉ tiêu thu gom rác thải, chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch, lao động qua đào tạo, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Đề nghị xem xét, đánh giá kỹ để có các giải pháp phù hợp thực hiện.

Đề nghị thay chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo” bằng chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - TBXH.

Xem xét bổ sung một số chỉ tiêu: (i) “Thành phố Hà Tĩnh được công nhận đô thị loại II”; (ii) chỉ tiêu về số đô thị đạt chuẩn văn minh; (iii) chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người; (iv) tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường; (v) chỉ tiêu về giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ giải quyết việc làm; (vi) bổ sung thêm một số chỉ tiêu về giáo dục.

* Lĩnh vực Nông nghiệp

Cần có quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, vùng sản xuất bền vững; quy hoạch dài hạn nuôi trồng thủy sản; quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến lâm sản; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với liên kết, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, thực hiện cơ cấu bộ giống chủ lực đảm bảo sản xuất cho nhân dân.

Đề nghị có cơ chế thuận lợi tạo điều kiện khuyến khích người dân vay vốn để đóng mới đóng tàu cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ.

* Lĩnh vực Xây dựng nông thôn mới

Có giải pháp đảm bảo bền vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Bổ sung các chỉ tiêu về huyện đạt chuẩn nông thôn mới để có sự quan tâm, đầu tư phù hợp. Phân loại xã đạt trong sạch vững mạnh theo hướng dẫn của tỉnh bị hạn chế số lượng nên ảnh hưởng việc hoàn thành tiêu chí hệ thống chính trị. Quan tâm hỗ trợ tiêu chí Bưu điện và tiêu chí Điện thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

Có giải pháp hoàn thiện, duy trì các tiêu chí đối với các xã đã về đích; quan tâm chính sách hỗ trợ các mô hình, vườn mẫu, sản phẩm chủ lực.

Đánh giá đúng thực chất công tác huy động nguồn lực các địa phương, quan tâm có giải pháp chỉ đạo giải quyết nợ đọng, không để phát sinh nợ mới trong xây dựng NTM.

* Lĩnh vực Công nghiệp, thương mại dịch vụ

Việc đầu tư các cụm Công nghiệp còn dàn trải, tỷ lệ lấp đầy thấp; cần rà soát, đánh giá lại các khu/cụm công nghiệp đã thành lập để có chính sách đầu tư đồng bộ; trong chính sách phát triển các khu/cụm công nghiệp, cần ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, ưu tiên hệ thống điện, nước, giao thông ngoài hàng rào, mặt bằng sạch; tăng cường hình thức xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các khu/cụm công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, quản lý, kinh doanh hạ tầng. Có giải pháp thu hút, phát triển công nghiệp phụ trợ.

* Về tài chính, thu chi ngân sách, tín dụng

Kế hoạch thu ngân sách 2018 chưa đảm bảo mức tăng tối thiểu 12-14% theo hướng dẫn của Trung ương. Giao thu từ tiền thu sử dụng đất chỉ bằng 76,5% ước thực hiện năm 2017 là chưa sát với thực tế. Dự báo nền kinh tế tỉnh ta trong năm 2018 sẽ không còn nhiều khó khăn, thách thức như năm trước, do vậy, việc đặt chỉ tiêu thu nội địa chỉ bằng số ước thực hiện năm 2017 là chưa thỏa đáng, thiếu mức phấn đấu để thực hiện.

Ngược lại, có ý kiến thì cho rằng: Cần đánh giá và giao thu ngân sách phù hợp, tránh tình trạng một số năm gần đây thường xuyên hụt thu. Đối với giao thu cấp huyện, đề nghị cần tính toán chính xác đối với các sắc thuế, phí, lệ phí; điều chỉnh cơ cấu nguồn thu và tỷ lệ các địa phương được hưởng.

Về chi ngân sách: Xem xét, cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương thực hiện tốt một số chính sách mới ban hành; xây dựng lộ trình cụ thể, đẩy mạnh giao tự chủ về kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập; cân đối nhiệm vụ chi cho huyện trong tỷ lệ thu nguồn xử phạt hành chính.

Quan tâm tạo điều kiện cấp tín dụng ưu đãi cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

* Lĩnh vực đầu tư phát triển:

Đề nghị sớm ban hành Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh thay các văn bản đã ban hành không còn phù hợp.

Kịp thời bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí ngân sách các cấp, các nguồn hợp pháp khác để xây dựng lộ trình xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản.

Cho phép đăng ký lại hoặc điều chỉnh số lượng trong chế độ hỗ trợ xi măng làm đường GTNT; kiểm soát chặt chẽ chất lượng xi măng.

* Về phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Cần rà soát, thống kê để đánh giá chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó quan tâm số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa thu hồi đất, chưa tịch thu giấy phép và vẫn giao thu thuế.

Phát triển doanh nghiệp đang tập trung phát triển về số lượng, chưa quan tâm quy mô và chất lượng, số doanh nghiệp sản xuất trực tiếp còn ít. Cần quan tâm các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

* Về quản lý xây dựng, phát triển đô thị

Tập trung xây dựng, ban hành quy hoạch tỉnh; làm rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách, nhất là về bảo vệ môi trường. Tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, ưu tiên nguồn lực để phát triển đô thị bền vững theo hướng văn minh, hiện đại, đạt được các tiêu chí vững chắc, đưa thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại II vào năm 2018, thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại 3 vào năm 2020, thành lập thị trấn huyện Lộc Hà, thị trấn Đồng Lộc, chú trọng nâng cấp một số thị trấn huyện lị lên đô thị loại 4. Đồng thời, cần bổ sung giải pháp về hỗ trợ nguồn lực cho chương trình phát triển đô thị.

* Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, GPMB

Ưu tiên nguồn kinh phí cho sự nghiệp môi trường. Tập trung cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các khu kinh tế, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các khu chăn nuôi tập trung; công khai, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác theo Luật Quy hoạch; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai từ cấp tỉnh đến cấp xã theo mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại; kiểm tra, kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, chậm tiến độ, sử dụng không đúng mục đích; có phương án sử dụng hợp lý sau thu hồi trụ sở, hội quán cũ; điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch khoáng sản, quy hoạch khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác đá, cát trái phép.

Cần có ý kiến chỉ đạo thống nhất để xử lý việc chuyển đổi diện tích đất vườn sang đất ở sau mốc năm 1980. Cho chủ trương bán đấu giá đất ở các khu tái định cư không còn nhu cầu tái định cư để tránh lãng phí. Xem xét cơ chế tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét giao đất ở tại các phường.

* Lĩnh vực giáo dục đào tạo

- Cần tính toán kỹ giá dịch vụ thay cho học phí, đảm bảo thu đủ bù chi, tránh tình trạng lạm thu trong trường học. 

- Có giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, nhất là ngành sư phạm; sớm có hướng chỉ đạo cụ thể để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay, đặc biệt là việc tuyển dụng giáo viên Mầm non, Tiểu học. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và tuyển dụng giáo viên tại các khu đô thị, nhất là ở thành phố, nơi áp lực tăng học sinh lớn do gia tăng dân số cơ học. Tổ chức rà soát chính xác số lượng giáo viên văn hóa bậc tiểu học và số lượng trẻ đến lớp bậc học mầm non để có kế hoạch sắp xếp quy mô trường lớp gắn với bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp. Có giải pháp khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá trường trường mầm non.

* Lĩnh vực Y tế

Đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của HĐND tỉnh “về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020” phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 21 về công tác dân số của Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng.

Tăng mức đầu tư cho ngành y tế, nhất là tuyến xã để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.  

Về tỷ lệ BHYT toàn dân, tỉnh đề ra chỉ tiêu 86% là phù hợp, tuy nhiên cần có các giải pháp đồng bộ để đạt kế hoạch đề ra.

Việc thực hiện thông tuyến BHYT đã tạo điều kiện cho Nhân dân được quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc quy định thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài địa bàn của tỉnh còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người bệnh.

Đề nghị tỉnh có giải pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh duy trì tỷ lệ người dân đóng bảo hiểm; đồng thời quản lý tốt hơn quỹ bảo hiểm y tế; có biện pháp quản lý khoa học, thuận lợi cho đối tượng.

Quan tâm bố trí hỗ trợ kiểm định ATVSTP, mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng.

* Lĩnh vực Thông tin truyền thông

Cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để quản lý tốt hơn công tác thông tin - truyền thông trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ công nghệ thông tin và thông tin trên các trang mạng xã hội như hiện nay, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự.

* Lĩnh vực Lao động, việc làm, an sinh xã hội

Đề nghị tỉnh xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là người dân ở vùng GPMB thực hiện các dự án trong khu kinh tế Vũng Áng.

Sớm giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng làm nhà theo Quyết định 22 của UBND tỉnh.

Tập trung chỉ đạo giải quyết chính sách cho người có công; đẩy nhanh việc cấp lại, cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công và huân huy chương; có ý kiến với cấp trên để giải quyết chế độ 1 lần và mai táng phí cho những người mất sau năm 1995 được tặng thưởng Huân huy chương.

* Về công tác cải cách hành chính; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Tập trung cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cấp xã. Cải cách hành chính, giảm biên chế cần làm đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; quan tâm chế độ chính sách cho đối tượng giảm biên.

Quan tâm đầu tư, nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp phường, xã để đảm bảo tính liên thông trong cải cách thủ tục hành chính công.

Cần đánh giá ưu điểm và tồn tại trong việc sáp nhập thôn xóm, trường học thời gian qua để rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; rà soát, đánh giá kỹ hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để sắp xếp, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Tăng cường đối thoại trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng trên địa bàn.

* Về quốc phòng, an ninh

Tình hình an ninh trật tự tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hoạt động của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, manh động, việc nắm tình hình cơ sở có lúc chưa kịp thời dẫn đến mất an ninh trật tự. Các lực lượng chức năng cần chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời; quan tâm vấn đề an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, xử lý nghiêm việc thả rông trâu bò trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; lắp mới một số biển báo, đèn tín hiệu giao thông tại một số điểm giao cắt phức tạp; đóng, mở một số điểm giải phân cách phù hợp với dân sinh.

Bổ sung nhiệm vụ và bố trí kinh phí để thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2018; kịp thời hỗ trợ kinh phí xây dựng khu vực phòng thủ, bảo dưỡng các công trình hầm trú ẩn, phòng thủ đã được xây dựng.

Về nội dung các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp các đại biểu cho cơ bản đồng tình và đề nghị quan tâm thêm một số nội dung để sau khi ban hành các chính sách đi vào cuộc sống...»


    Ý kiến bạn đọc