Ban Pháp chế báo cáo HĐND tỉnh kết quả thẩm tra trình Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
EmailPrintAa
11:35 17/07/2024

Sáng ngày 17/7/2024, tại Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024), HĐND tỉnh Khóa VIII, đồng chí Phạm Nghĩa, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả thẩm tra đối với các báo cáo, hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp thứ 20 thuộc lĩnh vực của Ban

Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu năm 2024; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau.

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Nghĩa báo cáo thẩm tra về lĩnh vực nội chính

Về quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội: Trong 6 tháng đầu năm, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội được triển khai theo kế hoạch và đạt kết quả khả quan. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả và sâu sát.

Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố và tăng cường. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, giữ vững ổn định an ninh chính trị. Tổ chức giao, đón nhận quân; luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến sĩ mới, dân quân tự vệ cho các đối tượng theo đúng kế hoạch; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Đại biểu tham dự kỳ họp

An ninh chính trị, an toàn xã hội tiếp tục ổn định, không để phát sinh phức tạp, hình thành điểm nóng. Các vấn đề về an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo được tập trung chỉ đạo giải quyết.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã có nhiều cố gắng nhưng trật tự an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2023, xảy ra 188 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương.

Công tác đấu tranh, phòng chống và xử lý tội phạm được quan tâm: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự tiếp tục đạt hiệu quả cao (đạt tỷ lệ 86,1%, trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 95,5%).

Tuy vậy về trật tự an toàn xã hội còn nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm, đó là: số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện, xử lý tăng so với cùng kỳ năm 2023 (theo báo cáo của Viện Kiểm sát); tội phạm về ma túy vẫn tiềm ẩn phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là trên tuyến biên giới Việt - Lào; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản; tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự...

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân : 06 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính của tỉnh đã tiếp 2.606 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo; trong đó có 55 lượt đoàn đông người. Tiếp nhận 2.386 đơn. Số đơn thuộc thẩm quyền: 1.140 đơn, tỷ lệ đơn liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao; số đơn không thuộc thẩm quyền: 682 đơn.

Tuy vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: việc phát hiện các yếu kém, sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục, sửa đổi vẫn còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, tích hợp, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện vượt cấp ra các cơ quan Trung ương gây mất ổn định tình hình...

Toàn cảnh kỳ họp

Công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố : Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra, xét xử các loại án và các hoạt động tư pháp khác. Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện những vi phạm, sai sót trong hoạt động tư pháp và ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan Điều tra, Tòa án và cơ quan Thi hành án tiếp thu, khắc phục. Công tác kiểm sát thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động Tư pháp được quan tâm, chú trọng.  Bên cạnh đó, hoạt động của Viện Kiểm sát vẫn còn có hạn chế, thiếu sót là: Tiến độ giải quyết một số vụ, việc còn chậm.

Công tác thi hành án dân sự: Cơ quan Thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng, thi hành xong 1.840/2.628 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 70,02 %; tuy vậy tỷ lệ thi hành về tiền đạt chưa cao, đến nay chỉ mới thi hành xong 78,23 tỷ đồng/555,43 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 14,09% (giảm 13,1%) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 30% chỉ tiêu của Tổng cục giao.

Nhìn chung công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế: Số việc, tiền chuyển kỳ sau còn nhiều; có vụ việc án trọng điểm kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thi hành án.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự: Công tác xét xử án hình sự đảm bảo các nguyên tắc tố tụng, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đông người tham gia tố tụng được xét xử kịp thời, nghiêm minh. Vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo được thụ lý kịp thời.

Án dân sự, hôn nhân và gia đình giải quyết đúng pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành đạt cao tạo điều kiện cho công tác thi hành án được thuận lợi hơn, giảm mâu thuẫn nội bộ gia đình, xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Toà án đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Công an và các cơ quan liên quan tổ chức xét xử trực tuyến 91 vụ án. Xét xử 21 phiên tòa lưu động góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho Nhân dân. Tổ chức 76 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hạn chế xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, công tác xét xử vẫn còn những tồn tại, hạn chế: tỷ lệ hủy, sửa các loại án do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,35%. Tỷ lệ giải quyết án dân sự chưa cao do nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp, đương sự không hợp tác, khó khăn trong việc thẩm định, định giá tài sản, phải kéo dài thời gian giải quyết.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp thẩm tra các Tờ trình dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 20

Từ đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất như : Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trấn áp tội phạm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm; tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Các ngành tư pháp: Đề nghị các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo các hoạt động xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khách quan và đúng quy định của pháp luật góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Về các tờ trình và dự thảo Nghị quyết trên lĩnh vực Nôi chính, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án phân loại đô thị thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II; Đề án đề nghị công nhận thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là đô thị loại IV. Ban Pháp chế đề nghị: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc và các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Đề án; quan tâm triển khai, thực hiện các giải pháp để hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt; tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối đa và đã đạt điểm tối đa, đảm bảo các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở  trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ban Pháp chế đề nghị: Về tên gọi sửa thành: “Quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết tới Nhân dân. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với quy định; khuyến khích bố trí kiêm nhiệm đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; điều chỉnh, sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố tại thành phố Hà Tĩnh và các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Vũ Quang, Nghi Xuân, Hương Khê. Ban Pháp chế nhất trí như Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, không có ý kiến gì thêm .

BBT

    Ý kiến bạn đọc