Bổ sung các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, từ đó đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt được các chỉ tiêu
EmailPrintAa
14:13 11/12/2017

(Trích báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII)

“…Về đánh giá kết quả lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2017

Năm 2017, tỉnh ta thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phải tập trung cao khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển; trên địa bàn liên tục xảy ra thiên tai bão, lụt; an ninh trật tự còn nhiều tiềm ẩn, vụ sản xuất Đông Xuân mất mùa lúa, các nông sản khác như lạc, đậu, sản phẩm chăn nuôi giá xuống thấp, đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống nhân dân. Tuy vậy, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn đạt được kết quả tích cực. Trong 17 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, có 6 chỉ tiêu về xã hội đều ước đạt và vượt kế hoạch.

Đã tổ chức tốt hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội có chuyển biến tích cực. Hoạt động quảng bá du lịch có nhiều cố gắng, du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng dần phục hồi sau ảnh hưởng của sự cố môi trường. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên đấu trường quốc gia và khu vực.

Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, chất lượng mũi nhọn đạt kết quả cao, giành được nhiều giải cao ở các kỳ thi trong nước, khu vực và quốc tế; Công tác xã hội hóa giáo dục được phát huy, cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển.

Công tác quản lý nhà nước về y tế, hành nghề y dược tư nhân, an toàn thực phẩm tiếp tục được chấn chỉnh. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; tích cực mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội có chuyển biến tích cực, nhất là công tác tham mưu rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các quy định chính sách mới; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Quan tâm tham mưu triển khai việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chuyển biến rõ nét. Tập trung xử lý dứt điểm một số vụ việc tồn đọng, hồ sơ tồn đọng về chính sách người có công. Triển khai nhiều hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội có hiệu quả. Các chính sách bảo hiểm xã hội được tham mưu triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Đoàn Đình Anh trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 5

 

Một số tồn tại, hạn chế

Ban văn hóa - xã hội cơ bản đồng tình với các nhận định về những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung sau:

Năm 2017, nhiều chính sách trên lĩnh vực văn hóa - xã hội không được bố trí nguồn. Một số nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND chưa hoàn thành.

Tình trạng yếu kém trong quản lý kinh doanh các dịch vụ văn hóa chậm được khắc phục, việc cấp phép kinh doanh chưa chặt chẽ. Hoạt động kinh doanh karaoke, băng, đĩa nhạc, trò chơi điện tử nhìn chung chưa tuân thủ đúng theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa trong cộng đồng và xã hội, đặc biệt tác động xấu đến lối sống và sự hình thành nhân cách của thanh thiếu niên..

Công tác quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở còn nhiều bất cập; quy chế quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế trên địa bàn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với giá trị đã đầu tư. Một số xã về đích nông thôn mới không duy trì được cảnh quan môi trường cũng như tổ chức các hoạt động tại thiết chế văn hóa. Việc đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa ở một số nơi chất lượng chưa cao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn có biểu hiện buông lỏng, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng chưa sôi nổi. Hoạt động du lịch có phục hồi nhưng còn chậm; công tác quản lý quy hoạch tại một số điểm du lịch, nhất là du lịch biển còn thiếu chặt chẽ; nguồn nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu và yếu, nhận thức làm du lịch của người dân còn hạn chế.

Nhiều di tích được xếp hạng nay xuống cấp nghiêm trọng; việc kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa có lúc, có nơi còn buông lỏng; thiếu sự tham gia của các chuyên gia, nghệ nhân trong quá trình tu bổ, tôn tạo, dẫn đến kiến trúc sau tôn tạo không được phục dựng theo hiện trạng ban đầu.

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền, chất lượng đại trà chưa thật ổn định, chất lượng dạy học ngoại ngữ vẫn còn hạn chế; chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia có chiều hướng giảm ở tất cả các cấp học, bậc học. Cơ sở vật chất một số  trường học xuống cấp sau các đợt bão, lụt nhưng thiếu nguồn lực để kịp thời phục hồi, nâng cấp. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt thấp.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên tiểu học rất lớn ở một số địa phương như thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh… chưa được quan tâm giải quyết, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tình trạng lạm thu, yếu kém trong quản lý tài chính tại một số trường học trên địa bàn chưa được chấn chỉnh kịp thời…làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục và hình ảnh của người giáo viên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định 2286/QĐ-UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 không đảm bảo lộ trình đã đề ra.

Chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến huyện không đồng đều; cơ sở vật chất và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế tuyến xã còn nhiều khó khăn, bất cập; quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sau thông tuyến còn bất cập. Công tác quản lý an toàn thực phẩm, quản lý hành nghề y dược ngoài công lập còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng tăng và duy trì ở mức cao.

Đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển gặp nhiều khó khăn, đến nay ngân sách Trung ương vẫn chưa phân bổ kinh phí. Việc triển khai mô hình đào tạo trình độ trung cấp nghề cho học sinh Trung học phổ thông chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tính bền vững của mô hình.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ triển khai chưa kịp thời; chưa thành lập được quỹ đào tạo nghề cho nhân dân các vùng bị thu hồi đất. Công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp và quản lý lao động tại các xã, phường, thị trấn còn bất cập. Tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; việc chấp hành các quy định pháp luật an toàn lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm túc, nhưng chậm có các giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm.

Vẫn còn một số bất cập trong giải quyết chính sách tồn đọng đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; việc thực hiện các kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát và truy thu nguồn kinh phí chi sai đối tượng còn chậm. Việc thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội ở một số địa phương chưa đúng quy định, còn để xảy ra sai, sót chế độ. Quy mô và số lượng, chất lượng các cơ sở bảo trợ xã hội chưa đáp ứng yêu cầu để nuôi dưỡng đối tượng. Việc giải ngân các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn chậm, chưa có văn bản quy định tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn. Tai nạn, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tuy đã được nâng cấp hàng năm nhưng chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung còn thiếu; người dân và doanh nghiệp khai thác dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Hạ tầng an toàn thông tin chưa thực sự đảm bảo, nguy cơ mất an toàn thông tin đang ở mức cao. Hệ thống truyền thanh cơ sở một số nơi chưa đảm bảo nhất là sau cơn bão số 10, ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin đến với người dân trên địa bàn.

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thêm một số nội dung sau đây:

Bổ sung các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, từ đó đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đạt được các chỉ tiêu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Chỉ đạo, xây dựng và triển khai các quy hoạch, đề án như: Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã được UNESCO công nhận; Đề án Phát triển khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...; hoàn thiện các hạng mục, phương án hỗ trợ để đưa văn miếu Hà Tĩnh vào hoạt động. Xây dựng quy hoạch, quy chế hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa và làm tốt công tác thẩm định, cấp phép kinh doanh theo đúng quy định.

Xây dựng Đề án phát triển giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên; có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí phí xã hội hóa để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất các trường học, đặc biệt là trường sau sáp nhập và trường bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lụt, quan tâm vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học; xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập; cần nghiên cứu để điều chỉnh xã hội hóa ở bậc học mầm non, có kế hoạch ưu tiên để xã hội hóa đối với các trường công lập.

Chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng mức học phí và hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài ngân sách do Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y đức, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa bảo hiểm xã hội và ngành y tế để giải quyết kịp thời  những khó khăn, vướng mắc trong quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao  hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 10/6/2014 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển; triển khai các biện pháp để hoàn thành dứt điểm chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Có kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn, ban hành các chính sách nhằm tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng định mức đơn giá đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề, thay đổi cách thức, phương pháp phân bổ ngân sách cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, từng bước giao tự chủ 100% tài chính chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và internet; nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cải cách, hiện đại hóa hành chính; triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; tổ chức thực hiện Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm cải thiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Có giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông tin


    Ý kiến bạn đọc