Chất vấn nhiều vấn đề trên lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn
EmailPrintAa
21:01 12/12/2018

Chiều ngày 12/12, Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực, nhóm vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Hồng Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Phát biểu chỉ đạo phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết kỳ họp dành thời gian 1 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đây là nội dung quan trọng và là diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát tại kỳ họp. Tại kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn trực tiếp 4 nhóm vấn đề về: tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính, thuế và giáo dục, đào tạo. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, không né tránh, không ngại va chạm, thẳng thắn chất vấn. Các đại biểu đặt câu hỏi tập trung vào các nhóm vấn đề, lĩnh vực đã lựa chọn; nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần hỏi. Người trả lời chất vấn cần đi thẳng, trực tiếp vào nội dung câu hỏi chất vấn, đồng thời nêu rõ, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong thời gian chất vấn và trả lời chất vấn cần thực hiện nghiêm túc, dân chủ, khách quan và mang tính xây dựng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần , Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Sơn , Liên đoàn Lao động tỉnh

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, trả lời về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng: trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 1.535 cơ sở sản xuất kinh, doanh nông lâm thủy sản. Trong 2 năm, từ năm 2017 đến năm 2018, ngành NNPTNT đã tổ chức kiểm tra đối với 2.448 lượt cơ sở; phát hiện 124 tổ chức cá nhân vi phạm; xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 461,85 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng sản xuất của người dân. Các địa phương chưa xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện. Thời gian tới, Sở tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư T rần Tú Anh giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu chất vấn

Giám đốc Sở Tài chính Hà Văn Trọng giải trình, làm rõ  thêm các nội dung liên quan đến ngành

Đối với vấn đề hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất; kết quả cụ thể về các sản phẩm chủ lực của tỉnh thời gian qua; kết quả thực hiện các chính sách liên kết, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ chỗ khó khăn, tăng trưởng chỉ đạt 2,08% giai đoạn 2008-2012, đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao đạt 4,87%/năm,giai đoạn 2013-2017, năm 2018 đạt 5,9%; quy mô giá trị sản xuất toàn ngành tăng gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2008-2012; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 82 triệu đồng/ha, tăng 17,2% so với năm 2013. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả lớn như: Mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn (đạt quy mô 470 ha); chuỗi liên kết trồng chề xuất khẩu của Công ty CP chè Hà Tĩnh... Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung phát huy hiệu các các mô hình, chuỗi liên kết đã và đang hình thành. Tập trung tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ ban hành. Tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực xã hội khác để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại…

Về kết quả thực hiện các chính sách liên kết, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới, tính đến nay tổng kinh phí thực hiện các chính sách liên kết, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo nghị quyết số 32 ước đạt 61,6 tỷ đồng, chỉ chiếm 13,5% tổng kinh phí chính sách. Nguyên nhân là do việc phát triển hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết giữa người dân, THTX, THT với doanh nghiệp còn ít.

Đối với tình trạng sản xuất, chăn nuôi ngoài quy hoạch; vấn đề cung cầu và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Sau giám sát của HĐND tỉnh UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chăn nuôi tập trung theo hướng đảm bảo các tiêu chí môi trường, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả rà soát, điều chỉnh giảm 1.270 ha diện tích quy hoạch chăn nuôi tập trung, giảm 6.191 ha diện tích quy hoạch trồng cây thức ăn chăn nuôi. Sắp tới sẽ tích hợp kết quả điều chỉnh này vào quy hoạch chung của tỉnh.

Đại biểu Đặng Quốc Cương, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên chất vấn

Đại biểu Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê

Đại biểu Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà

Về xử lý 55 cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch, hiện nay có 07 cơ sở đã dừng nuôi, 09 cơ sở giảm quy mô nuôi, khắc phục các vấn đề về môi trường, còn 17 cơ sở đang giữ quy mô nuôi. 22 cơ sở chăn nuôi lợn còn lại với quy mô dưới 300 con và chăn nuôi tổng hợp có 07 cơ sở chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi bò, gia cầm; 03 cơ sở không còn hoạt động chăn nuôi; 12 cơ sở chăn nuôi giảm quy mô chăn nuôi, có biogas xử lý chất thải nhưng nhìn chung chưa đảm bảo, chưa thực hiện quy trắc môi trường theo định kỳ.

Vấn đề cung cầu và thị trường đầu ra cho sản phẩm, Sở NN&PTNT cho rằng tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện Tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp vẫn chưa gắn với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm nông nghiệp đầu ra khó khăn, giá cả không ổn định; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu còn hạn chế; tỷ lệ nông sản được tổ chức thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo hệ thống còn rất ít. Do đó, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau: Rà soát, điều chỉnh các đề án, kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tổ chức tốt việc dự báo cung - cầu thị trường các sản phẩm; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020; thực hiện tốt Đề án mỗi xã một sản phẩm “OCOP” để tạo ra các sản phẩm có thế mạnh, uy tín, chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh

Đại biểu Trần Viết Hậu​, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh

Đại biểu Nguyễn Huy Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

Chưa đồng ý với phần trả lời của Giám đốc Sở NN & PTNT, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần chất vấn về việc giống lúa NA2 đưa vào sản xuất thời gian không đạt hiệu quả, tại sao ngành vẫn tiếp tục đưa vào bộ giống? Về vấn đề này, Giám đốc sở NN&PTNT trả lời rằng mặc dù giống lúa NA2 không mang lại hiệu quả, nhưng người dân một số vùng vẫn có nhu cầu đưa giống NA2 vào sản xuất. Do đó, sau khi nghiên cứu thực tiễn ngành vẫn đưa vào nhưng có kiểm tra, kiểm soát.

Liên quan đến dự án nuôi cá bơn, cá mú do 3 doanh nghiệp triển khai tại Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân không hiệu quả, đại biểu Nguyễn Quốc Cương đặt câu hỏi ngành nông nghiệp có đánh giá hiệu quả mô hình này như thế nào? và hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp? Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Việt cho biết, dự án đã chuyển giao KH&CN thành công. Tuy nhiên, đầu ra tiêu thụ sản phẩm và nguồn giống đưa vào gặp nhiều khó khăn. Về phía ngành, đề nghị UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích nếu không có hiệu quả…

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Liên

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh

Đại biểu Đinh Nho Hậu, Cục trưởng Cục thuế tỉnh

Xung quanh việc quản lý vật tư nông nghiệp, đại biểu Trần Hậu Tám, đại biểu Lê Ngọc Huấn bày tỏ băn khoăn, hiện nay diện tích trồng cam đã vượt quy hoạch, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng và vấn đề tiêu thụ, giá cả. Vậy, với trách nhiệm của ngành, đề nghị ngành cho biết đã có những khuyến cáo, giải pháp gì? Trả lời vấn đề này, giám đốc sở cho biết ngành cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, diện tích cam đã đạt khoảng 6.700 ha (vượt quy hoạch 2.700 ha), nhưng nhà máy chế biến cam ép, xuất khẩu đang khó khăn, cần phải có doanh nghiệp đủ mạnh. Ngành đã có những khuyến cáo không mở rộng diện tích cây ăn quả, trong đó có cam; tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất chất lượng thương hiệu của cam trên diện tích đã có và hướng tới truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP.

Đại biểu Trần Hậu Tám, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trí Lạc và Đại biểu Trần Nhật Tân chất vấn thêm về vấn đề liên quan đến việc tái định cư của dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang? Và băn khoăn đến quy định việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư, để quản lý tốt việc này ngành có giải pháp gì?

Đại biểu Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc sở NN &PTNT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn phát biểu làm rõ thêm các nội dung xung quanh việc quản lý vật tư nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo tình hình, tiến độ xử lý vụ việc tồn đọng đất đai của 55 trường hợp dọc QL 1A phía Nam cầu Bến Thủy thuộc huyện Nghi Xuân

Đồng thời đề nghị ngành nông nghiệp phải nghiêm túc nhìn rõ bài học sâu sắc xung quanh vấn đề quản lý giống, đặc biệt là giống Thiên ưu 8 trong vụ hè thu 2017 bị nhiễm bệnh đạo ôn, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Và tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật tư nông nghiệp.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc