Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 14 HĐND tỉnh
EmailPrintAa
13:10 17/07/2015

Tiếp tục chương trình làm việc, kỳ họp thứ 14 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ chiều 16 đến gần hết buổi sáng ngày 17/7. Đồng chí: Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên chất vấn.

 


Đồng chí Võ Kim Cự - Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn

 

Trước khi bước vào phiên chất vấn, để phiên chất vấn đảm bảo mục đích, yêu cầu, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của cử tri, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự yêu cầu các Sở ngành trả lời chất vấn phải đúng trọng tâm, trọng điểm và mong muốn các vị đại biểu hội đồng phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tham gia chất vấn một cách thẳng thắn, có tính xây dựng; toàn thể bà con cử tri tập trung theo dõi và có những phản hồi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

 


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời câu hỏi chất vấn

Đăng đàn chất vấn đầu tiên ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời câu hỏi về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, hiện tượng nông dân bỏ ruộng, bỏ mùa vụ sản xuất kém hiệu quả đã và đang có xu hướng gia tăng; tình trạng lấn chiếm rừng xảy ra nhiều, có những vụ phức tạp, kéo dài như tiểu khu 192, xã Hòa Hải nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng ô nhiễm môi trường sau khi xây dựng một số công trình thủy lợi xảy ra tại nhiều địa phương gây ô nhiễm môi trường và việc nuôi trồng thủy sản của người dân.

Liên quan đến nội dung cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, thực tiễn sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, quy mô sản xuất một số sản phẩm còn nhỏ lẻ, cơ giới hóa trong nông nghiệp thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do kết quả thực hiện tái cơ cấu sản xuất các sản phẩm trong trồng trọt, nhất là trong sản xuất lúa chưa rõ nét, tình trạng ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ còn phổ biến; việc chuyển đổi, tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế; hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn… ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là cơ giới hóa; một số khâu sản xuất như gieo trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, bảo quản; xử lý thực bì; các khâu sản xuất trên đồng muối… khó áp dụng cơ giới do chi phí đầu tư mua máy, thiết bị cao, khả năng thu hồi vốn chậm; các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ mua máy thời gian qua, chủ yếu để kinh doanh, dịch vụ, do đó giá đầu vào sản xuất của các hộ nông dân sử dụng dịch vụ tăng lên, nhất là trong sản xuất lúa; đa số những người sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp chưa được đào tạo, trang bị đầy đủ về quy trình, kỷ thuật vận hành… Giải pháp thời gian tới, theo ông trọng tâm vẫn là tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách và ưu tiên thỏa đáng, tạo động lực mạnh mẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiêp; ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản giống, sản phẩm sau thu hoạch; phát triển các HTX, doanh nghiệp chuyên về dịch vụ cơ khí nông nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm các dịch vụ cơ giới nông nghiệp cạnh tranh lành mạnh, giá thành hạ, góp phần giảm giá đầu vào các khâu cơ giới.

 


Đại biểu Đỗ Khoa Văn chất vấn Ngành

nông nghiệp

Giám đốc Sở NN&PTNT cũng thừa nhận tình trạng nông dân bỏ ruộng đang diễn ra hiện nay và cho biết thêm, vụ hè thu có 758,53 ha đất nông nghiệp bỏ hoang, trong đó 739,83 ha đất lúa, còn lại là diện tích đất màu… Giải pháp thời gian tới, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, nhất là tái cơ cấu sản xuất lĩnh vực trồng trọt; tăng cường quản lý nhà nước, quản lý thị trường, bảo đảm các dịch vụ cơ giới hóa, vật tư nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo phương châm “ai giỏi nghề nào làm nghề đó”; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án thủy lợi…

Đối với vụ việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 192, xã Hòa Hải (Hương Khê) kéo dài nhiều năm nhưng chưa xử lí dứt điểm, Giám đốc Sở NN&PTNN cho rằng: Sở NN&PTNN với vai trò chủ trì cùng với Sở TN&MT, UBND huyện Hương Khê chưa tập trung tham mưu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý rừng và đât lâm nghiệp, chậm vào cuộc, xử lí chưa dứt điểm. Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Hương Khê và Chủ tịch UBND xã Hòa Hải. Chủ rừng đã buông lỏng quản lý, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Về hướng giải quyết, ông Sơn cho biết, Sở NN&PTNN đã làm việc với UBND huyện Hương Khê, UBND xã Hòa Hải và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê thống nhất thu hồi toàn bộ 374,4 ha diện tích đất rừng chuyển về chính quyền địa phương để xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các hộ dân, đồng thời hoàn trả số tiền 4,1 tỷ đồng cho Công ty.

Liên quan đến nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sau khi xây dựng một số công trình thủy lợi, ông Đặng Ngọc Sơn- Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: người dân trong khu vực đã xả nước thải, vứt rác thải, xác động vật… vào các hệ thống công trình thủy lợi; ảnh hưởng của thiên tai qua nhiều năm và việc phát triển cơ sở hạ tầng những năm gần đây, dẫn đến hiện tượng bồi lắng, co hẹp dòng chảy… Giải pháp thời gian tới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi người dân được biết, cùng tham gia bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…


Đại biểu Đoàn Đình Anh chất vấn liên quan đến tranh chấp đất rừng tại Tiểu khu 192

Chưa hài lòng về trả lời của Giám đốc Sở NN & PTNT, đại biểu Đoàn Đình Anh chất vấn thêm: Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên tại Tiểu khu 192 là chưa lấy ý kiến của người dân ở 2 thôn 10 và 11 thuộc xã Hòa Hải. Trách nhiệm này thuộc về ai?. Đại biểu Dương Tất Thắng đặt câu hỏi: ngành NN&PTNT đã bao giờ tổ chức khảo sát, đánh giá thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn để tư vấn giúp bà con nông dân?. Kết thúc vấn đề này, đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thanh tra nhiều lần, nhưng ngành vẫn buông lỏng. Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Ngành NN&PTNT phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này và cần sớm rà soát, chấn chỉnh, xử lí dứt điểm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

 


Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường 

trả lời câu hỏi chất vấn

Trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong khâu quy hoạch, kiểm soát sản lượng khai thác so với kế hoạch được cấp phép, Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cho biết, nguyên nhân là do khi rà soát, làm quy hoạch chưa dự báo chính xác được nhu cầu vật liệu xây dựng để cung ứng nên việc tham mưu đề xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp thời gian tới, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chỉ cấp phép cho các tổ chức có năng lực tài chính, nằm trong khu vực được quy hoạch; thường xuyên kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản về công suất khai thác; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức khai thác không đúng thiết kế, khai thác không theo đúng công suất cho phép… Đối với việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cấp đất trái thẩm quyền từ năm 2012 trở về trước, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: việc thanh tra, xử lý vấn đề giao đất sai thẩm quyền trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp huyện. Sở TN&MT đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thanh tra 122/236 xã, phường, thị trấn có tình trạng cấp đất trái thẩm quyền; phát hiện 53 tập thể, 272 cá nhân vi phạm; hiện đã xử lý 23 tập thể, 107 cá nhân.

 


Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu chất vấn

Sau trả lời của ông Võ Tá Đinh, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu và đại biểu Nguyễn Xuân Thiều đề nghị Giám đốc Sở TNMT nói rõ việc giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng vẫn còn khai thác, giải pháp giải quyết tình trạng này? Và đề nghị cho biết thời gian bao lâu và hướng xử lý vấn đề khai thác đá xung quanh núi Hồng như thế nào?

 

 

 

 

 

Liên quan đến kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ đối tượng chính sách theo Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách.

 


Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Nguyễn Văn Sơn trả lời câu hỏi chất  

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc sở LĐ - TB&XH cho biết: Đến nay cơ bản các nội dung kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã được xử lý kịp thời, hiệu quả. Tổng số đối tượng đề nghị xử lý là 223 đối tượng, số đối tượng trực tiếp xử lý 217. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng đưa ra một số khó khăn trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, nhất là việc tổ chức truy thu và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền các đối tượng hưởng sai theo quy định; việc kiểm tra, rà soát các hồ sơ thương binh do các cơ quan quân đội xác lập chưa được triển khai do số lượng hồ sơ lớn trong khi đó hồ sơ gốc lưu tại Quân khu 4, hiện tại BCH quân sự tỉnh đang chờ ý kiến của Quân khu 4.

 

 

 


Đại biểu Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chất vấn Ngành LĐTB&XH  

Làm rõ thêm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần làm rõ những đối tượng hưởng sai, lãnh đạo các địa phương phải phối hợp tiến hành thu lại tiền. Đối với 455 hồ sơ chất độc hoá học đang ở dạng nghi vấn hưởng sai cần phải rà soát, kiểm tra lại. Đối với vấn đề sai phạm hồ sơ quân nhân, còn 9 đơn vị chưa thực hiện, cần khẩn trương tiến hành, không được chậm trễ hơn nữa …

 

 

 

 

 

 

Về nguyên nhân hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh có nhiều nhà máy nhiệt điện trong lúc đại bộ phận người dân thiếu điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

 

Giám đốc Điện Lực tỉnh Nguyễn Phúc Phong trả lời chất vấn

Ông Nguyễn Phúc Phong - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh trả lời rằng, nguyên nhân chính là do lưới điện hạ thế sau tiếp nhận ở một số xã chưa được đầu tư cải tạo kịp thời do việc bố trí vốn còn gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. Đặc biệt, trong thời điểm mùa nắng nóng vừa qua phụ tải tăng đột biến gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tạm thời trên một số nhánh đường dây hạ thế nên một số vùng điện áp còn thấp, một số Átômát bị nhảy, một số hộ có đường dây sau công tơ vào nhà quá xa (một số ở trang trại nhỏ lẻ) nên điện áp không đảm bảo… Để khắc phục những nguyên nhân tồn tại đó Công ty Điện lực Hà Tĩnh đang tiếp tục nỗ lực, đề ra các phương án quản lý, vận hành, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư cải tạo để việc cung cấp điện cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện tại Công ty đang triển khai dự án cải tạo tối thiểu lưới điện hạ thế nông thôn ở 18 xã của huyện Kỳ Anh/ 65 xã toàn tỉnh.

 


Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân chất vấn giám đốc Điện lực tỉnh

Trả lời về vấn đề hiện nay có bao nhiêu xã đạt, chưa đạt tiêu chí NTM về điện. Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, đến nay, đã có 193/230 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, còn lại 37 xã chưa đạt. Về giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, ông cho biết, đối với các xã đã đạt tiêu chí về điện Công ty tiếp tục khảo sát, lập phương án trình Tổng công ty Điện lực miền Bắc để tiếp tục đầu tư nhằm cung cấp điện ổn định, đảm bảo sự phát triển bền vững; tại 37 xã chưa đạt tiêu chí số 4 về điện công ty đã triển khai các dự án SCTT, SCTX, SCL, XDCB, tăng cường công tác quản lý vận hành, khắc phục khiếm khuyết để các xã này đạt tiêu chí số 4 về điện trong thời gian sớm nhất.

Đối với phần trả lời của Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân chất vấn thêm đề nghị ông cho biết đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng điện thiếu và yếu xảy ra trên địa bàn Kỳ Anh nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung; chính sách hỗ trợ giá tiền điện cho hộ nghèo công ty đã thực hiện như thế nào? Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị ông cho biết nguyên nhân vì sao 2 tháng nay sau khi thay công tơ giá điện lại tăng cao đột biến?

 


Đại biểu Hồ Anh Tuấn chất vấn

Đại biểu Hồ Anh Tuấn băn khoăn tình trạng thường xuyên mất điện ở khu vực Cảng, điện đang dùng lại mất đột ngột, đề nghị giám đốc Công ty điện lực làm rõ lúc nào có thể khắc phục được tình trạng này?... Kết thúc vấn đề này, đồng Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, đồng thời tập trung mọi biện pháp để cải thiện, khắc phục tình trạng mất điện, thiếu điện ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân và các doanh nghiệp.

 Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND, mỗi cấp học phải xây dựng 01 trường trọng điểm; tuy nhiên, cho đến nay, chưa có địa phương nào triển khai thực hiện.

 


Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn

Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Trần Trung Dũng cho biết: Công tác xây dựng trường trọng điểm cấp huyện đã được Sở Giáo dục và đào tạo đưa vào nhiệm vụ của các năm học; đến nay ở 12 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Kỳ Anh) đã xác định được 37 trường học sẽ xây dựng thành trường trọng điểm; có 7 trường đã được UBND huyện phê duyệt Đề án; các trường học còn lại đều đã có đề án trình UBND cấp huyện nhưng chưa được phê duyệt, nguyên nhân là do thành phố Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân cho rằng việc xây dựng trường trọng điểm còn thiếu các cơ sở pháp lý; thị xã Kỳ Anh chưa phê là do mới thành lập; huyện Kỳ Anh trước đây đã xác định nhưng nay các trường đó thuộc địa bàn Thị xã Kỳ Anh…

Sau phần trả lời của Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu và đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao số lượng giáo viên dôi dưa nhiều mà ở các trường PTTH, THCS, Tiểu học vẫn còn nhiều giáo viên hợp đồng? có 355 cán bộ, giáo viên hợp đồng thêm, số liệu đã chính xác chưa? trong 322 giáo viên hợp đồng đứng lớp, đề nghị ông cho biết có bao nhiêu là giáo viên đặc thù, bao nhiêu giáo viên văn hóa, việc bố trí cho giáo viên hợp đồng đứng lớp đã đúng chuẩn quy định hay chưa?

 


Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đinh Nho Hậu trả lời chất vấn

Về nguyên nhân thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt thấp, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế và nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn. Ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, tuy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm là rất cao và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tăng trưởng kinh tế, giải ngân của Tập đoàn Formosa tiếp tục tăng trưởng khá nhưng chủ yếu là nhập máy móc thiết bị, còn giá trị giải ngân có thuế nhà thầu nội địa giảm so với các năm trước nên hạn chế nguồn thu; nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã đi vào hoạt động nhưng đến nay giữa Tập đoàn dầu khí và Tập đoàn điện lực Việt Nam chưa thống nhất giá bán điện nên Tập đoàn dầu khí chưa kê khai nộp thuế; tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm đạt thấp, 87% kế hoạch 6 tháng tỉnh giao, 38% kế hoạch năm tỉnh giao làm ảnh hưởng đến nguồn thu 6 tháng cuối năm… Giải pháp thời gian tới, tập trung chỉ đạo quyết liệt để tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 đạt trên 24%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và các dự án lớn; tiếp tục làm tốt thu hút đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn lực…

 


Đại biểu Nguyễn Trí Lạc chất vấn Cục trưởng Cục thuế

Trên cơ sở đó tăng nguồn thu cho ngân sách. Sau phần trả lời Cục trưởng Cục Thuế, đại biểu Nguyễn Trí Lạc chất vấn thêm: trong khâu quản lý thuế có bao nhiêu đơn vị, doanh nghiệp đã chấp hành? đề nghị làm rõ trong danh mục giao thu hàng năm, số thu thuế kê khai còn thấp; cho biết giải pháp cụ thể 6 cuối năm 2015?

 

 

 

 

 

 


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu và cử tri tỉnh nhà

Phát biểu tại phiên chất vấn, đồng chí Lê Đình Sơn - Chủ tich UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh xin tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm các ý kiến của quý vị Đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt ý kiến kết luận giao nhiệm vụ của đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khi chất vấn và ý kiến kiến nghị của bà con cử tri, nhân dân tỉnh nhà. UBND tỉnh cũng đã tự nhìn nhận, kiểm điểm nghiêm túc về những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành; về giải pháp khắc phục, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ phân tích, mổ xẻ các tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm để tổ chức thực hiện cho kỳ được các vấn đề tồn tại, hạn chế, khuyết điểm mà HĐND tỉnh đã giao và cử tri, đồng bào cả tỉnh quan tâm; đối với những vấn đề lớn vượt quá thẩm quyền và cần có thời gian sẽ xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình để xin ý kiến cấp thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện. Về kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, đồng chí nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 26,76% là số cao nhất so với cùng kỳ và trong khi cả nước là 6,28%; tăng trưởng đồng đều trên cả ba lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 7,47%, trong khi cả nước 2,38% thấp so với cùng kỳ; tỉnh ta tăng hơn 3,13 lần; các công trình trọng điểm, các dự án lớn đang được tiếp tục đầu tư đáp ứng tiến độ đề ra; thu ngân sách đạt 7.250 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch HĐND tỉnh giao, 74,38% kế hoạch Trung ương giao, tăng 71% so cùng kỳ; văn hoá xã hội được quan tâm đúng mức và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực... mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, phấn đấu không còn xã dưới 8 tiêu chí, có ít nhất 49 đạt chuẩn NTM; thu ngân sách cả năm đạt trên 15.000 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn khoảng 5%... đồng chí đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục ủng hộ, phối hợp hành động, tăng cường giám sát, hỗ trợ để phấn đấu quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn của đại biểu, cử tri tỉnh nhà thời gian qua; đồng chí khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, đúng quy định, đạt được yêu cầu đề ra. Hầu hết các nội dung chất vấn đều tập trung vào những vấn đề vướng mắc, bức xúc được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Các ý kiến trả lời chất vấn đã làm rõ trách nhiệm đối với những việc chưa làm được và đề ra các giải pháp khắc phục đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đối với những ý kiến góp ý sẽ được chuyển cho UBND, các sở ngành liên quan xem xét, trả lời và xử lý, giải quyết dứt điểm.

 


    Ý kiến bạn đọc