Chủ động nắm vững tình hình, tăng cường các giải pháp để đảm bảo an ninh chính tri, trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
13:46 13/12/2016

(Trích thẩm tra của ban Pháp chế tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVII)

“…Năm 2016, bên cạnh những diễn biến phức tạp về chính trị, khó khăn về kinh tế của thế giới, khu vực và cả nước; tỉnh ta có thêm những khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ hỗ trợ của Trung ương và sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trên địa bàn, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được kiểm soát và đảm bảo ổn định. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo an toàn cho việc tổ chức thành công các sự kiện chính trị ở địa phương. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường; đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị để thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh. Các lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an và các cơ quan Tư pháp đã tích cực phối hợp thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương.   

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường xiết chặt kỷ cương pháp luật và trật tự xã hội; kiên quyết trừng trị những phần tử phản động, lợi dụng dân chủ, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sơ hở trong quản lý để xúi dục người dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật; nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực để đảm bảo ổn định và tiếp tục phát triển.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu
 

Về công tác đảm bảo an ninh trật tư, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và hoạt động tư pháp.

Tình hình an ninh trật tự và công tác đấu tranh phòng chống tội pham:

Năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trên nhiều lĩnh vực; chủ động phòng ngừa và đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm; tập trung xử lý tốt một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, điều tra phát hiện kịp thời một số vụ phạm tội nghiêm trọng, được dư luận biểu dương và đồng tình cao. Tuy vậy về trật tự an toàn xã hội còn nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm, đó là: tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm xẩy ra nhiều; công tác phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức, trong năm xảy ra 74 vụ cháy, tăng 28 vụ so với năm 2015, đặc biệt là vụ cháy chợ Sơn Hương Khê gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng; một số phần tử xấu, phản động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo một số người dân tụ tập gây rối trật tự, khiếu kiện búc xúc, đông người, làm cho an ninh trật tự tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tâm lý của người dân.

Về tội phạm, so với 2015 tuy có giảm nhưng tính chất và mức độ của một số loại tội phạm diễn biễn phức tạp hơn, đã xẩy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó: Giết người, Cố ý gây thương tích, bắt cóc trẻ em tăng; tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi. Công tác đấu tranh đối với một số loại tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, môi trường, an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn hạn chế; một số vụ việc có dấu hiệu phạm tội nhưng còn chậm kết luận điều tra để xử lý kịp thời.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Báo cáo của Viện trưởng VKSND tỉnh đã phản ánh khá đầy đủ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong hoạt động tư pháp nói chung và công tác kiểm sát nói riêng. Năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát hoạt động điều tra, xét xử các loại án và các hoạt động tư pháp khác. Công tác phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật; kiểm sát việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra được tăng cường. Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện những vi phạm, sai sót trong hoạt động tư pháp và ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan Điều tra, Tòa án và cơ quan Thi hành án tiếp thu, khắc phục. Phối hợp với các cơ quan tố tụng giải quyết cơ bản các vụ án trọng điểm, phức tạp. Công tác kiểm sát thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động Tư pháp được chú trọng hơn.

Tuy vậy, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp vẫn còn một số hạn chế, đó là: kiểm sát xét xử đối với một số vụ án hình sự chưa chặt chẽ, tiến độ giải quyết một số vụ án còn chậm, phải hoãn nhiều lần; một số vụ án bị hủy, cải sửa lớn, nhiều bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành nhưng VKS không phát hiện được để kiến nghị khắc phục kịp thời.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự:

Năm 2016, Tòa án nhân dân hai cấp có nhiều cố gắng trong giải quyết các loại án; đã giải quyết 2.267 vụ/2.291 vụ việc, đạt 99,9%. Án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan giảm so với cùng kỳ (tỷ lệ án hủy 0,26%, tỷ lệ án sửa 0,66%). Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh một số vụ án trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên. Phối hợp tổ chức được nhiều vụ án giải quyết theo thủ tục án hình sự trọng điểm, mở nhiều phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm. Xử lý kịp thời, đúng pháp luật việc trả đơn và tài liệu liên quan của 506 hộ dân tại Quỳnh Lưu, Nghệ An khởi kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Tuy vậy, công tác xét xử vẫn còn một số hạn chế: Một số vụ án quyết định mức hình phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm và cải tạo người phạm tội; ngược lại một số vụ quyết định mức hình phạt chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, gây phản ứng trong dư luận. Một số vụ áp dụng chưa đúng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; áp dụng chế định án treo chưa đảm bảo đúng quy định. Một số bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, không sát với thực tế, nhưng còn chậm thực hiện việc đính chính, giải thích theo quy định, dẫn đến nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, khó khăn trong thi hành án dân sự. Một số vụ án mở phiên tòa nhiều lần nhưng không giải quyết được dứt điểm, kéo dài thời gian ở giai đoạn xét xử gây bức xúc cho đương sự và dư luận xã hội.

Trong công tác tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự còn để xẩy ra một số vi phạm như: hoãn chấp hành hình phạt tù trái quy định; ra quyết định thi hành án phạt tù không đúng với nội dung bản án đã tuyên; một số phạm nhân vi phạm kỷ luật, phạm tội mới tại nơi giam giữ; công tác quản lý người bị phạt tù được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn buông lỏng.

Công tác Thi hành án dân sự:

Năm 2016, trong điều kiện khó khăn nhưng cơ quan THADS đã có nhiều cố gắng, thi hành xong 3.369/3.777 việc, chiếm tỷ lệ 87,43 %; nhưng tỷ lệ thi hành về tiền đạt thấp, đến nay chỉ mới thi hành xong 40,6/342,4 tỷ đồng, chỉ đạt 11,86%, do chưa bán được tài sản của người phải thi hành án.

Mặc dầu, các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế: một số vụ việc chậm ban hành quyết định thi hành án; việc xác minh điều kiện thi hành án không chính xác dẫn đến phân loại sai; có vụ việc ban hành quyết định thi hành án khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Một số vụ thi hành án tồn đọng nhiều năm chưa thi hành được; một số đối tượng cố ý lợi dụng khiếu nại, tố cáo để trì hoãn, chây ỳ, không chịu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chưa xử lý một cách nghiêm minh; thiếu kiên quyết, linh hoạt trong tổ chức thi hành án; chưa tích cực tham mưu để UBND tập trung chỉ đạo công tác thi hành án. Một số cán bộ, chấp hành viên còn yếu về năng lực, trách nhiệm và lúng túng trong xử lý các mối quan hệ để tổ chức thi hành án.

Về tình hình thi hành Pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Năm 2016, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân được tăng cường; đã tập trung chỉ đạo rà soát và giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài; quá trình giải quyết đã chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp; số vụ việc đông người tham gia tăng, nhất là, khiếu kiện liên quan đến yêu cầu bồi thường do sự cố môi trường biển, việc di dời, xã hội hóa đầu tư xây dựng một số chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. Một số vụ việc KNTC gay gắt và phức tạp hơn, chủ yếu liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng tái định cư. Một số địa phương, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các vụ việc; chất lượng tham mưu của một số cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Qua giám sát, hiện nay trên địa bàn còn 46 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tồn đọng, phức tạp, cần phải được tập trung giải quyết trong thời gian tới (đã phản ánh trong báo cáo giám sát chuyên đề trình tại kỳ họp này).

Hoạt động thanh tra kinh tế, xã hội được tăng cường. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. Qua hoạt động thanh tra về kinh tế - xã hội đã phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng chủ yếu chỉ xử lý hành chính, việc đấu tranh, khai thác để khởi tố hình sự còn hạn chế.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.

Tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa 17, Ban Pháp chế đã nêu rõ những tồn tại hạn chế, trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường nhưng chưa được tập trung chỉ đạo để khắc phục nên vẫn tiếp tục bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; nhất là công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các công trình, dự án; công tác quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; chậm xử lý các vụ việc phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, kiến nghị liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý nhà nước trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường v.v.. nhiều năm qua, Cử tri và Đại biểu hội đồng đã có ý kiến, kiến nghị, chất vấn nhưng việc khắc phục, chấn chỉnh chưa đạt yêu cầu; việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan chưa nghiêm.

 Qua kết quả giám sát về đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vừa qua cho thấy, 75% các vụ việc tồn đọng là trên lĩnh vực đất đai, nhiều vụ khiếu nại về đất đai kéo dài nhiều năm nhưng chưa tập trung để giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Còn rất nhiều trường hợp người sử dụng đất chưa được cấp GCN QSDĐ. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép có được kiềm chế nhưng vẫn chưa kiểm soát được và tiềm ẩn phức tạp. Việc đánh giá tác động về môi trường tại một số dự án, một số nhà máy chưa chuẩn xác, quá trình vận hành xẩy ra nhiều vi phạm, nhưng phát hiện, xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa kịp thời. Vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh, lưu hành thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư hàng hóa khác có nguy cơ gây độc hại về môi trường và sức khỏe con người chưa kiểm soát được làm nhân dân không an tâm.    

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2016 tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng trật tự giao thông đường bộ, ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện đáng kể và đi vào nền nếp; tai nạn giao thông tăng nhiều (trong năm xẩy ra 177 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 147 người, tăng 12 vụ, 11 người chết so với năm 2015).

Tình trạng vận tải quá tải trọng, để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường; tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; điều khiển xe mô tô, xe điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; thả rong gia súc trên các tuyến giao thông, kể cả trong đô thị gây mất an toàn và trật tự, mỹ quan đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm túc, khiến dư luận búc xúc.

Ban an toàn giao thông các cấp chưa phát huy được trách nhiệm và hiệu quả; chính quyền cấp cơ sở và các cơ quan, tổ chức liên quan chưa quan tâm thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước về giao thông và thực thi các giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hệ thống biển báo, thiết bị đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy chưa đồng bộ, xuống cấp, hư hỏng, không hợp lý nhưng chậm được bổ sung, thay thế, điều chỉnh.

Một số kiến nghị, đề xuất của Ban Pháp chế.

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số hoạt động sau đây:

Chủ động nắm vững tình hình, tăng cường các giải pháp để đảm bảo an ninh chính tri, trật tự an toàn trên địa bàn, nhất là tại các khu vực trọng điểm; xiết chặt kỷ cương pháp luật, kiên quyết đấu tranh với các phần tử phản động, lợi dụng dân chủ, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sơ hở trong quản lý để xúi dục người dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật; nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường quản lý đối với hoạt động báo chí, luật sư, tư vấn pháp luật; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng, vi phạm trật tự quản lý kinh tế, quản lý môi trường, an toàn thực phẩm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn cháy nổ; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh gây mất ổn định trên địa bàn.

Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án, các cơ sở sản xuất, chế biến hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là các vị trí ven sông, ven biển, đầu nguồn nước, gần khu dân cư để có biện pháp xử lý kịp thời; kiên quyết không cấp phép, hoặc thu hồi giấy phép đối với các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không thực hiện đúng quy định và cam kết về môi trường hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, theo tinh thần chỉ thị 25/2016 của Thủ tướng chính phủ; tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt về hoạt động đảm bảo môi trường của công ty FORMOSA Hà Tĩnh. Làm tốt công tác kê khai, thẩm định, bồi thường và tiếp tục kiến nghị bổ sung đối tượng thiệt hại do sự cố môi trường biển, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất và công bằng xã hội. 

Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc đã được Đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp này; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về kinh tế-xã hội và trách nhiệm của công chức; tăng cường kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm, kinh doanh, lưu hành vật tư, hàng hóa, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y gây nguy hại về sức khỏe và môi trường sống.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sớm triển khai hoạt động và phát huy hiệu quả của Trung tâm hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, chuyển đổi cơ chế tổ chức và hoạt động, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ viên chức của các đơn vị sự nghiệp theo cơ chế giao quyền tự chủ kết hợp xã hội hóa toàn diện.

Đề nghị các cơ quan Tư pháp

Theo chức năng, quyền hạn của mình, các cơ quan Tư pháp tích cực phối hợp với các ngành các cấp, kiên quyết và nghiêm minh hơn trong đấu tranh với các loại tội phạm; dự tính, dự báo, đúng tình hình, tình huống để tham mưu kip thời cho cấp ủy, chính quyền xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; qua hoạt động chuyên môn, các cơ quan tư pháp cần chủ động tham gia ý kiến với chính quyền các cấp để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Tập trung phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, dư luận quan tâm, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cơ quan mình trong điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để khắc phục những vi phạm, sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với đơn vị cấp dưới và cán bộ công chức trong toàn ngành; nâng cao năng lực nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của các chức danh Tư pháp...”


    Ý kiến bạn đọc