Cơ chế và chế tài giám sát phải là nội dung cốt lõi
EmailPrintAa
10:02 12/04/2015

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã có những quy định mới, đúc kết từ yêu cầu thực tiễn. Mặc dù vậy, quy định về cơ chế thực hiện và chế tài giám sát - nội dung cốt lõi của dự Luật chưa thỏa mãn mong đợi của cử tri. Xin góp ý một số vấn đề liên quan đến quy định giám sát của HĐND.

Về thẩm quyền, đối tượng chịu sự giám sát: dự Luật chưa đề cập đến việc giám sát đối với các cơ quan như: Thi hành án dân sự các cấp; tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân (Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có quy định, cần kế thừa) hoặc các cơ quan nhà nước khác theo ngành dọc đóng trên địa bàn. Vì vậy, cần bổ sung quy định nhóm tổ chức, cá nhân nói trên thuộc đối tượng chịu sự giám sát của HĐND.

Về các phương thức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND: Dự thảo Luật quy định HĐND xem xét, quyết định chương trình giám sát của HĐND tại kỳ họp cuối năm của năm trước và tổ chức thực hiện chương trình đó (Điều 58). Với quy định này, HĐND, Thường trực và các ban HĐND chỉ được thực hiện các hoạt động giám sát theo chương trình đã được HĐND quyết định; khi có vấn đề mới phát sinh cần tổ chức giám sát phải chờ đến kỳ họp cuối năm. Điều này phù hợp với nguyên tắc hoạt động giám sát, nhưng chưa nhất quán với thẩm quyền giám sát (Điều 5, Điều 6), là khi xét thấy cần thiết, các chủ thể giám sát tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Một vấn đề khác, trong khi quy định các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực và các ban HĐND phải căn cứ theo chương trình đã được HĐND quyết định thì giám sát của tổ đại biểu (Điều 86) do tổ đại biểu quyết định mà không quy định phải căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND; không do Thường trực HĐND điều hòa, phối hợp; tổ đại biểu được sử dụng con dấu của HĐND. Quy định như vậy có thể dẫn tới sự chồng chéo, vi phạm nguyên tắc giám sát. Do vậy, cần bổ sung quy định trong thời gian giữa 2 kỳ họp, nếu có vấn đề mới phát sinh cần tổ chức giám sát, Thường trực HĐND được quyền quyết định và báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Tổ đại biểu phải căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND để tổ chức đoàn giám sát; Thường trực HĐND chịu trách nhiệm điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND.

Về giám sát chuyên đề: gồm giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và có thể hiểu bao gồm cả giám sát thi hành pháp luật của tổ đại biểu HĐND. Để bảo đảm hình thức giám sát chuyên đề ở các cấp độ khác nhau được thực thi và phát huy hiệu quả, cần nghiên cứu bổ sung các quy định, căn cứ để quyết định thành lập đoàn giám sát chuyên đề của HĐND, của Thường trực, các ban HĐND nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học trên cơ sở những tiêu chí, chuẩn mực thống nhất (như tiêu chí quy mô, phạm vi, nội dung, tính chất, không gian, thời gian...).

Về quyền hạn trong hoạt động giám sát: Giám sát là một loại quyền lực, do vậy cũng phải được kiểm soát. Trong thực tế đã có trường hợp đoàn giám sát của Thường trực HĐND cấp huyện chỉ đạo niêm phong hồ sơ kế toán tài vụ của một cơ quan khi cơ quan đó chậm cung cấp thông tin, báo cáo theo yêu cầu. Sự việc đã làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm về quyết định này. Để tránh lạm dụng quyền, cần bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm vật chất của chủ thể giám sát khi làm trái thẩm quyền và quy định pháp luật, gây thiệt hại cho đối tượng chịu sự giám sát.

Về các chế tài bảo đảm hiệu quả giám sát và thực quyền của HĐND: Đây là nội dung được cử tri, nhân dân và đại biểu dân cử quan tâm. Dự Luật chưa quy định rõ các hình thức và biện pháp chế tài tương ứng khi đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành hoặc chậm chấp hành nghị quyết, quyết định, kết luận, kiến nghị giám sát, làm ảnh hưởng và gây hậu quả xấu. Đề nghị xem xét, bổ sung các quy định buộc đối tượng chịu sự giám sát phải phản hồi ý kiến bằng văn bản (tiếp thu hay có ý kiến khác) về thời hạn, lộ trình thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND sau khi nhận được văn bản giám sát. (Cụ thể là các nghị quyết giám sát về: trả lời chất vấn; xem xét văn bản pháp luật; kết luận giám sát chuyên đề và các văn bản kết luận, kiến nghị sau giám sát khác). Đồng thời, bổ sung quy định HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Về bảo đảm hiệu lực và giá trị pháp lý của các kết luận giám sát chuyên đề: Dự thảo Luật quy định, HĐND ra nghị quyết về vấn đề được đoàn giám sát của HĐND thực hiện (Điều 62). Còn báo cáo kết luận giám sát của Thường trực HĐND (Điều 70), HĐND chỉ xem xét khi cần thiết; báo cáo kết luận giám sát của các ban (Điều 81) không quy định HĐND xem xét. Để giám sát theo pháp luật ở cấp độ ban HĐND không bị xem nhẹ, cần bổ sung quy định HĐND xem xét và ra nghị quyết đối với báo cáo kết luận giám sát chuyên đề của cả Thường trực và các ban HĐND trong trường hợp các kiến nghị không (hoặc chậm) được đối tượng chịu sự giám sát thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm túc và đầy đủ.

Bên cạnh đó, cần dùng câu, từ khẳng định, phủ định; không dùng câu lửng, hiểu nhiều nghĩa. Các cụm từ trong dự Luật, như: “trong trường hợp cần thiết”, “khi xét thấy cần thiết”, “nếu thấy cần thiết”, “có thể”... trong thực tế không có tiêu chí định tính hay định lượng, do đó cần hạn chế dùng. Ngoài ra, cần rà soát chỉnh sửa một số từ ngữ tên gọi chức danh; quy định thời gian gửi tài liệu, họp thẩm tra… trong dự Luật này để không mâu thuẫn với một số dự luật đang lấy ý kiến và luật đang có hiệu lực. 

 

 


    Ý kiến bạn đọc