Cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn
EmailPrintAa
14:02 13/07/2023

Sáng 13/7/2023, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đã báo cáo thẩm tra của Ban về lĩnh vực nội chính. Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu năm 2023; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau
Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đã báo cáo thẩm tra của Ban về lĩnh vực nội chính. Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu năm 2023

Về quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình quốc phòng - an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Các đơn vị, lực lượng chức năng trong tỉnh thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Các ngành, các cấp tập trung tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân, chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng phương án nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi, hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh trật tự.

Công tác tuyển chọn và giao quân được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo về số lượng; phong trào Nhân dân tự quản, mô hình tổ chức quần chúng tham gia, giữ gìn an ninh trật tự ở các cơ sở tiếp tục được củng cố.

Đại biểu tham dự kỳ họp

Tuy nhiên, công tác tuyển quân vẫn còn một số tồn tại: Một số địa phương lập và quản lý hồ sơ của công dân chuẩn bị nhập ngũ chưa tốt; trong rà duyệt, sơ tuyển không nắm chắc đối tượng, dẫn đến sai sót, nhầm lẫn phải bù đổi, chỉnh sửa trong quá trình phúc tra, rà duyệt; sau giao quân, đơn vị phúc tra tiêu chuẩn chiến sỹ mới còn có công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe ... Tại một số địa phương, công tác khám sức khỏe có lúc còn sơ hở, phối hợp chưa chặt chẽ gữa các cơ quan ban, ngành, đoàn thể; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục nên vẫn còn 02 trường hợp chống Lệnh nghĩa vụ quân sự (huyện Nghi Xuân).

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, do một số người dân chưa quan tâm và xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy dẫn đến tình trạng cháy, nổ gia tăng: Đã xảy ra 40 vụ cháy nổ; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 388 triệu đồng, 9,7ha rừng, thực bì (tăng 23 vụ = 135% so với cùng kỳ năm 2022).

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, 06 tháng đầu năm 2023 xảy ra 87 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 68 người, bị thương 34 người, tăng so với cùng kỳ trên cả 03 tiêu chí.

Công tác đấu tranh, phòng chống và xử lý tội phạm : Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố cơ bản đảm bảo theo quy định. Cơ quan điều tra hai cấp thụ lý giải quyết 489 tin tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó tiếp nhận mới 479 tin; tiếp nhận xử lý tin đạt tỷ lệ 100%. Cơ quan điều tra hai cấp và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố, điều tra 332 vụ, 602 bị can; đề nghị truy tố 396 vụ, 707 bị can.

Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự tiếp tục đạt hiệu quả cao (đạt tỷ lệ 91,7%, trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 95,5%), từng bước kiềm chế tội phạm hình sự (giảm 8,3% so với năm 2022). Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm nổi lên trên địa bàn, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Tồn tại, hạn chế

Công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố : Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố, góp phần đảm bảo hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nhiều chỉ tiêu công tác vượt so với yêu cầu của Quốc hội, của ngành và tăng so với cùng kỳ năm 2022, như: Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đạt 100% (vượt 2%); tỷ lệ xác định án trọng điểm đạt 15,4% (vượt 10,4% so với yêu cầu).

Về kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự: Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 689/689=100% nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra đã giải quyết: 588/689 tin báo, đạt tỷ lệ 85,3%.

Về kiểm sát hoạt động tư pháp khác: Chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động được nâng lên; công tác kháng nghị phúc thẩm, kiểm sát thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được tăng cường và có những chuyển biến tích cực.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự : Sáu tháng đầu năm Toà án hai cấp đã thụ lý, giải quyết 1.751/ 2.328 vụ, việc, đạt tỷ lệ 75,6%; tăng 296 vụ, việc (14,6%) so với cùng kỳ năm 2022. Tòa án các cấp lập hồ sơ và ra quyết định thi hành án cơ bản đảm bảo thời hạn, việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Sáu tháng đầu năm, ra quyết định thi hành án 754 bị án, ủy thác 118 bị án, hiện đang hoãn 19 bị án, đình chỉ 07 bị án. Giảm chấp hành hình phạt tù 861 phạm nhân, tha tù trước thời hạn có điều kiện 04 phạm nhân. Rút ngắn thời gian thử thách án treo 238 trường hợp, rút ngắn thời gian cải tạo không giam giữ 22 trường hợp.

Tuy vậy, công tác xét xử và thi hành án hình sự vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ hủy, sửa các loại án do nguyên nhân chủ quan tuy thấp hơn 0,38% so với Toàn quốc nhưng vẫn chiếm 0,57% (hủy 04 vụ, sửa 06 vụ). Trong giải quyết vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động: Một số Tòa án vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật hôn nhân gia đình về thủ tục tố tụng, nội dung giải quyết vụ án, án phí thẩm định và thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; áp dụng không đầy đủ, thiếu chính xác căn cứ pháp luật để giải quyết các vụ, việc dân sự và hôn nhân gia đình; vẫn còn tình trạng gửi thông báo thụ lý, bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát chậm thời gian so với quy định…

Toàn cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII

Công tác thi hành án dân sự : Số vụ việc thi hành xong là 2.694 việc, đạt tỉ lệ 80,97% (tăng1,15% so với cùng kỳ năm 2022); kết quả thi hành xong về tiền là 88,90 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,68%, giảm 18,22% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy có nhiều cố gắng nhưng công tác thi hành án dân sự còn một số khó khăn, hạn chế: Tỷ lệ thi hành xong về tiền còn đạt thấp, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số việc, tiền chuyển kỳ sau còn nhiều (có 1.142 việc tương ứng số tiền 391,9 tỷ đồng). Vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm như: Cơ quan THADS chậm ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng; quyết định thi hành án dân sự phản ánh không chính xác nội dung phải thi hành án; phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án không chính xác...

Từ đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất như : Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chú trọng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành pháp luật; tạo ổn định về chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn cho cuộc sống của Nhân dân.

Quan tâm công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng thẩm quyền của các cấp, các ngành; tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm, khẩn trương các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tăng cường thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.

Chỉ đạo thực hiện tuyển dụng công chức hành chính đảm bảo đúng quy định theo kế hoạch đề ra; đánh giá hiệu quả công tác sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố thời gian qua để có giải pháp chỉ đạo phù hợp trong thời gian tới.

Các ngành tư pháp: Đề nghị các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo các hoạt động xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khách quan và đúng quy định của pháp luật góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Về các tờ trình và dự thảo Nghị quyết trên lĩnh vực Nôi chính, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp : Các nội dung, định mức phân bổ kinh phí và mức chi phù hợp với thực tiễn địa phương, các quy định của pháp luật hiện hành. Ban Pháp chế không có kiến nghị gì thêm.

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh . Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo, rà soát, xem xét kiện toàn đội dân phòng bảo đảm theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và phù hợp với điều kiện tình hình thực tế địa phương; rà soát và ban hành Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng theo hướng kiêm nhiệm bảo đảm phù hợp, thống nhất trên địa bàn.

Tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn với việc triển khai đồng bộ các quy định có liên quan tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Kịp thời tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết cụ thể hóa quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để tạo sự đồng thuận và công bằng cho nhóm đối tượng thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố.

BBT

    Ý kiến bạn đọc