Công tác chuẩn bị tốt sẽ nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND
EmailPrintAa
15:57 04/06/2013

Kỳ họp là hoạt động quan trọng của HĐND. Chất lượng tổ chức kỳ họp phụ thuộc vào một chuỗi các quy trình, từ chuẩn bị nội dung, chương trình, công tác điều hành... đến giám sát việc thực hiện những nội dung đã quyết định. Mỗi một khâu được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND

Qua thực tiễn hoạt động, HĐND các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động: cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, ra quyết định đúng đắn về quy hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều hành trong quá trình xem xét, quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH. HĐND các cấp đã quyết định các mục tiêu, chương trình trọng điểm, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực kịp thời, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp còn bị động về thời gian (thời gian chuẩn bị kỳ họp ngắn hơn luật định); một số văn bản, tài liệu gửi đến Thường trực HĐND chậm, ảnh hưởng đến việc thẩm tra và gửi tài liệu để đại biểu nghiên cứu trước; chủ tọa điều hành có lúc còn lúng túng, thiếu linh hoạt; một số kỳ họp nội dung chuẩn bị chưa kỹ, ý kiến thảo luận và chất vấn còn ít, việc trả lời chất vấn và giải trình kiến nghị cử tri dài dòng, chưa đi thẳng vào vấn đề trọng tâm; vẫn còn những nghị quyết chưa khả thi...

Kinh nghiệm cho thấy, làm tốt công tác chuẩn bị là yếu tố quan trọng đầu tiên nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND cần chủ động tổ chức sớm cuộc họp liên tịch với các cơ quan liên quan để bàn thảo kỹ về dự kiến những nội dung cần đưa ra HĐND xem xét, quyết định, ưu tiên những vấn đề quan trọng, bức thiết ở địa phương. Trên cơ sở đó, phân công cụ thể và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tiến hành khẩn trương, đúng thời gian quy định, bảo đảm chất lượng các văn bản trình kỳ họp, nhất là tờ trình, dự thảo nghị quyết... Những công việc trên được tiến hành càng sớm càng tạo thuận lợi nâng cao chất lượng tài liệu phục vụ kỳ họp. Đối với cấp tỉnh, cuộc họp Đảng đoàn HĐND mở rộng hoặc họp liên tịch nên tổ chức trước từ 50-60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ (sớm hơn thời gian luật định); các dự thảo nghị quyết, báo cáo, tờ trình... phải được gửi đến Thường trực HĐND đúng thời gian quy định (chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).

Thường trực HĐND cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với ủy ban MTTQ cùng cấp, Tổ đại biểu và Thường trực HĐND cấp dưới tổ chức cho đại biểu TXCT thông báo dự kiến thời gian, chương trình kỳ họp, kết quả và hướng giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước; tiếp thu, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền từng cấp để chuyển cho UBND, các ngành chức năng xem xét, giải quyết; đồng thời ghi nhận những đóng góp cho nội dung kỳ họp, nhất là những nội dung HĐND sẽ quyết định. Để mang lại hiệu quả cao nhất, nội dung tiếp xúc cần ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề thiết thực, bức xúc ở địa phương. Đối với những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc sử dụng tiếng dân tộc khi tiếp xúc với cử tri sẽ tạo không khí cởi mở, khuyến khích cử tri phát biểu, đóng góp ý kiến... Báo cáo tổng hợp nên phân loại ý kiến, kiến nghị theo từng lĩnh vực, không đưa những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết, hoặc đã được giải trình thỏa đáng tại các cuộc tiếp xúc trước. Thời gian tiếp xúc cần được tổ chức trước khoảng 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp (theo quy định chậm nhất là 15 ngày) để công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị chất lượng hơn.

Để góp phần thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND cần tích cực phối hợp với các ban HĐND, Ủy ban MTTQ và các ngành hữu quan tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát, thu thập thông tin liên quan đến việc xây dựng nghị quyết, hoặc để đại biểu có cơ sở tham gia thảo luận, chất vấn tại kỳ họp... Các cuộc khảo sát, giám sát cần được tổ chức chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp để giúp các ban HĐND làm tốt công tác thẩm tra. Đặc biệt, để nâng cao tính phản biện của báo cáo thẩm tra, các ban HĐND phải chủ động tham gia ý kiến ngay từ khâu khởi thảo; tích cực tổ chức khảo sát, giám sát, nghiên cứu tài liệu... thu thập thông tin liên quan đến nội dung được phân công. Các thành viên ban cần tích cực đóng góp ý kiến trong cuộc họp thẩm tra. Trường hợp cần thiết, có thể mời các chuyên gia để giúp ban HĐND xem xét kỹ những nội dung chuyên sâu; đồng thời thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Kiểm toán nhà nước và sử dụng tài liệu báo cáo kết quả, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại cơ quan, đơn vị, địa phương HĐND quan tâm. Báo cáo thẩm tra phải được thông qua cuộc họp các thành viên ban để góp ý, nêu rõ những vấn đề nhất trí, không nhất trí, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung...

Quá trình diễn ra kỳ họp, công tác điều hành phải linh hoạt, nhất là đổi mới phương pháp tổ chức theo hướng giảm việc trình bày báo cáo, tập trung thảo luận sâu hơn để tìm giải pháp khả thi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu thảo luận; đồng thời tạo không khí dân chủ để phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu trong giải quyết những nội dung của kỳ họp. Đặc biệt, việc lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn phải vừa bảo đảm tính thời sự, bức xúc, vừa có tính khái quát. Trong từng trường hợp cụ thể, cần thiết Chủ tọa có thể yêu cầu làm rõ hoặc đề nghị dừng lại nếu thấy vấn đề chưa rõ và khó đạt được sự thống nhất để các bên tiếp tục nghiên cứu, báo cáo lại với Thường trực HĐND sau kỳ họp. Nên bố trí chất vấn theo nhóm vấn đề trên các lĩnh vực cụ thể. Kết thúc phiên chất vấn, chủ tọa cần tóm tắt những nội dung đạt được và chưa đạt được, những vấn đề cần rút kinh nghiệm, đặc biệt kiên quyết yêu cầu ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục những sai phạm liên quan. Bên cạnh đó, đại biểu phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách và các nhiệm vụ trọng tâm khác; tích cực chất vấn để làm rõ những bức xúc cử tri và nhân dân quan tâm.

Để sớm phát huy hiệu quả, quyết sách của HĐND phải thiết thực và khả thi. Những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ hoặc thiếu cơ sở thực tế, Thường trực và các ban HĐND cần kiên quyết không chấp nhận đưa vào chương trình kỳ họp. Mặt khác, cần tăng cường thời lượng truyền hình trực tiếp và mời đại diện một số cử tri tham dự nhằm phát huy tính dân chủ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND và cơ quan chức năng trong giải quyết những nội dung của kỳ họp. Sau kỳ họp, HĐND cần tích cực giám sát việc thực hiện những nội dung đã hứa tại phiên chất vấn; việc triển khai thực hiện những nội dung đã quyết nghị... Có như vậy, quyết sách của HĐND mới sớm đi vào cuộc sống.

Nói tóm lại, chất lượng tổ chức kỳ họp HĐND phụ thuộc vào một chuỗi các quy trình, từ chuẩn bị nội dung, chương trình, công tác điều hành các phiên thảo luận, chất vấn... đến giám sát việc thực hiện những nội dung đã quyết nghị. Mỗi một khâu được thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.


    Ý kiến bạn đọc