Đại biểu HĐND tỉnh quan tâm nhiều đến việc điều động, biệt phái, xử lý việc thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh
EmailPrintAa
11:25 13/12/2018

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm là tình hình giáo viên hiện nay; việc điều động, biệt phái; xử lý việc thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh; tình hình thực hiện và quản lý các khoản thu ngoài học phí tại các trường học; công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông; giải pháp xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất các trường học và giải pháp nâng cao kỹ năng sống cho học sinh các cấp.

Liên quan đến việc điều động, biệt phái giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Trung Dũng cho biết: đến tháng 12/2018, giáo viên Mầm non có 4.646, thiếu 119 so với kế hoạch giao; Tiểu học có 5.178 giáo viên, thiếu 177 giáo viên so với kế hoạch giao năm 2018; Trung học cơ sở có 4.745 giáo viên, thừa 200 giáo viên so với kế hoạch giao năm 2018, trong đó có 4 huyện thiếu gồm thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà... Trung học phổ thông hiện có 2.698 giáo viên, còn thừa 11 giáo viên so với kế hoạch giao năm 2018.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Trung Dũng trả lời chất vấn

Về điều động giáo viên năm học 2018-2019 thực hiện việc thuyên chuyển 67 giáo viên, từ năm 2017-2018 biệt phái 116 giáo viên.​ Nguyên nhân thừa, thiếu giáo viên là do nhiều năm thực hiện tinh giản biên chế nên mặc dù số học sinh, số lớp tăng nhưng không giao tăng biên chế. Năm 2013 chuyển 93 trường mầm non bán công sang công lập (số biên chế cần bổ sung là 1.245 biên chế, nhưng mới được Bộ Nội vụ giao bổ sung 279 biên chế); do sáp nhập, giải thể các đơn vị; do tỷ lệ sinh không ổn định năm tăng, năm giảm, dẫn đến số học sinh một số năm có biến động hàng năm, cơ cấu môn học của Bộ quy định thay đổi; do nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và sự phát triển nhanh của bậc học mầm non. Việc biệt phái giáo viên ở cấp tiểu học và THCS từ huyện thừa sang huyện thiếu chưa thực hiện được.

Thời gian tới, Sở sẽ thực hiện việc điều động biệt phái giáo viên từ địa phương thừa sang địa phương thiếu, trường thừa sang trường thiếu, kể cả về số lượng và cơ cấu môn học; nghiêm túc trong đánh giá xếp loại công chức, viên chức để thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108. Đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết đối với giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để có thể dạy môn khác, vị trí việc làm khác còn có chỉ tiêu, chuyển từ cấp THCS xuống dạy tiểu học ở các bộ môn đặc thù.Thực hiện việc hợp đồng viên chức số giáo viên còn thiếu sau khi điều chuyển, bố trí, cân đối. Tiếp tục thực hiện hợp đồng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi học tại các trường sư phạm trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên hợp đồng được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách như giáo viên tuyển dụng chính thức.Thực hiện cơ chế tự chủ hoặc tự chủ một phần tại các trường có điều kiện để giảm chi ngân sách nhà nước.

Đại biểu Đoàn Đình Anh , Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Về các khoản thu ngoài học phí trong trường học, ông Trần Trung Dũng cho rằng trường học không có hoặc có rất ít kinh phí để duy tu, sửa chữa đầu năm; văn bản hướng dẫn huy động xã hội hóa chậm ban hành; một bộ phận hiệu trưởng chấp hành không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, xử lý chưa kịp thời. Trách nhiệm để dẫn đến sai phạm trên là do Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và Giám đốc Sở GD-ĐT.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt , Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh

Trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông như ý kiến đã nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tình trạng dạy thêm ngoài nhà trường không được cấp phép vẫn xẩy ra ở các địa phương, nhất là ở thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó có cả việc dạy thêm ở cấp tiểu học; việc dạy thêm vào thời điểm 17h đến 19h ở thành phố vẫn diễn ra, nhất là đối với học sinh các lớp cuối cấp. Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo, quản lý chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng dạy học chính khóa tại các nhà trường, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học. Tăng cường quản lý việc cấp phép dạy thêm học thêm, yêu cầu cao việc xây dựng kế hoạch dạy thêm học thêm của nhà trường của các tổ chuyên môn, của các tổ chức, cá nhân đăng ký dạy thêm. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; xử lý nghiêm túc, kịp thời các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm trái phép, nhất là giáo viên. Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phụ huynh để giảm áp lực học hành đối với con em…

Sau phần trả lời của Giám đốc sở GD-ĐT Trần Trung Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt nêu câu hỏi về việc điều động biệt phái giáo viên từ nơi "thừa" sang  nơi "thiếu", trong quá trình thực hiện có vướng mắc, bất cập gì không? thực tế cho thấy việc xã hội hóa tại các trường khó khăn, các phản ánh là do hướng dẫn chậm ban hành, vậy xin đồng chí cho biết nguyên nhân do đâu?

Đại biểu  Nguyễn Văn Danh , Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn băn khoăn việc giáo dục kỹ năng sống, ý thức tự lập cho học sinh tại các trường học hiện nay còn hạn chế, đề nghị sở đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đại biểu Nguyễn Quốc Hà nêu câu hỏi về phương án xử lý tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn TX Kỳ Anh. Đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.

Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn , Bí thư Tỉnh đoàn

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, xung quanh việc điều động biệt phái giáo viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: sở đã xem xét, cân đối chổ thừa chổ thiếu, tham mưu và có phương án hợp lý. Và thời gian tới sẽ tăng cường giáo dục kỹ năng sống tại các trường học cho học sinh.

Đại biểu Trần Hậu Tám , Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang làm rõ thêm một số nội dung về việc tuyển dụng giáo viên mầm non; vấn đề điều động biệt phái và tình trạng thừa thiếu giáo viên, lộ trình xử lý thời gian tới

Trả lời vấn đề về bạo lực học đường, bữa ăn bán trú tại các trường của đại biểu Trần Hậu Tám, Giám đốc Sở Trần Trung Dũng cho biết, đến nay, Hà Tĩnh chưa xảy ra sự việc gì lớn. Để tránh những sự việc liên quan đến bạo lực học đường, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức cho cả giáo viên và học sinh. Đối với bữa ăn bán trú, nội dung này hoàn toàn xã hội hóa và theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh, nên tùy từng trường học sẽ có những khác biệt.

Xung quanh các vấn đề này, Giám đốc sở Nội Vụ Nguyễn Phi Quang trả lời làm rõ thêm một số nội dung về việc tuyển dụng giáo viên mầm non; vấn đề điều động biệt phái và tình trạng thừa thiếu giáo viên, lộ trình xử lý thời gian tới.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc