Đại biểu phải coi tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ thường xuyên
EmailPrintAa
07:20 19/03/2012

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc TXCT trước hết cần nâng cao trình độ, kỹ năng của đại biểu HĐND. Đặc biệt, đại biểu phải coi TXCT là nhiệm vụ thường xuyên, gắn kết với các hoạt động chuyên môn cũng như các mối quan hệ nơi công tác và nơi cư trú.

TXCT là phương thức chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thông qua người đại diện cho mình, cử tri gián tiếp tham gia vào quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Qua các cuộc tiếp xúc, đại biểu HĐND thông tin đến cử tri tình hình KT-XH của địa phương, tuyên truyền, phổ biến, giải thích để cử tri nắm vững và hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND. Qua TXCT, nhiều vấn đề bức xúc tại địa phương được trao đổi giữa đại biểu và cử tri. Trên cơ sở đó tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện, đồng thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được đại biểu HĐND giải đáp kịp thời hoặc chuyển đến chính quyền, tổ chức, đoàn thể các cấp xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thời gian qua, hoạt động TXCT nhìn chung thực hiện nghiêm túc, nhiều vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị được tổng hợp, phân loại và chuyển đến cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc vẫn chưa thực sự sâu rộng nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân còn hạn chế, nhiều vấn đề cử tri quan tâm chưa được giải quyết thấu đáo, kịp thời... phần nào làm giảm lòng tin của nhân dân với đại biểu dân cử và với cơ quan đại diện của nhân dân. Vì vậy, để hoạt động TXCT đạt chất lượng, hiệu quả hơn, trước khi TXCT để báo cáo kết quả kỳ họp hoặc lấy ý kiến chuẩn bị nội dung kỳ họp, Thường trực HĐND xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết gửi đến Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, UBND, UBMTTQ cấp huyện để thông báo kế hoạch tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND họp với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ huyện trao đổi thống nhất thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung các cuộc tiếp xúc cho phù hợp với địa bàn dân cư, tránh trùng lắp với những địa điểm Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc.

Để giúp đại biểu HĐND tỉnh có đầy đủ thông tin, tư liệu TXCT, Thường trực HĐND tỉnh có đề cương TXCT nêu khái quát tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh của tỉnh; tóm tắt nội dung, chương trình kỳ họp, cung cấp văn bản phúc đáp của UBND tỉnh, các sở, ngành hữu quan để đại biểu có cơ sở trả lời cử tri về kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị trong lần tiếp xúc trước, đặc biệt là những vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc mở rộng thành phần cử tri trong các cuộc tiếp xúc góp phần quan trọng để đại biểu lắng nghe ý kiến, kiến nghị được toàn diện hơn. Thời gian qua, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã luân chuyển đại biểu TXCT để tất cả các tổ nhân dân tự quản ở xã, phường, thị trấn đều đến tiếp xúc với đại biểu, tuy nhiên thành phần tham gia các hội nghị tiếp xúc hầu hết vẫn là đại diện cử tri, bao gồm: lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã, phường, ấp, khu phố... Chính vì vậy, ý kiến của cử tri còn mang tính đại diện, chưa thực sự sát đúng với ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. Rút kinh nghiệm, cần căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp để bố trí thành phần cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc cho phù hợp và có hiệu quả. Có thể tổ chức tiếp xúc với tất cả cử tri hoặc TXCT theo lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến những nội dung HĐND dự kiến sẽ thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

Việc phân loại và chuyển kiến nghị đến đúng địa chỉ có tác động lớn đến hiệu quả của buổi TXCT. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, phân loại, tổng hợp nguồn thông tin từ hoạt động TXCT và trên các nguồn thông tin từ ý kiến, kiến nghị của công dân thông qua việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của UBMTTQ và các cơ quan, tổ chức khác. Một bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri có chất lượng, thu thập được đầy đủ thông tin, tư liệu là cơ sở quan trọng giúp chính quyền địa phương đưa ra được những chủ trương đúng đắn và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KT-XH. Bên cạnh đó, bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cũng phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc đông đảo cử tri quan tâm, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu: đầy đủ, chính xác để chuyển ý kiến, kiến nghị đến đúng cơ quan có thẩm quyền để việc giải quyết nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân với chính quyền.

Kinh nghiệm cho thấy, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả TXCT, trước hết cần nâng cao trình độ, kỹ năng của đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương để không chỉ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri mà còn phải biết giải thích, làm rõ những vấn đề cử tri nêu tại buổi tiếp xúc, chuyển tới các cơ quan thẩm quyền giải quyết; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND. Đặc biệt, đại biểu phải coi TXCT là nhiệm vụ thường xuyên, gắn kết với các hoạt động chuyên môn cũng như các mối quan hệ nơi công tác và nơi cư trú. Quá trình tiếp xúc, đại biểu HĐND cần tạo được không khí thân mật, gần gũi, thái độ bình tĩnh, tự tin và có chính kiến rõ ràng với những vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị.

Bên cạnh đó, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng sớm giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua nhiều hình thức như: có công văn nhắc nhở; có ý kiến tại các hội nghị cấp ủy, chính quyền; đưa ra chất vấn tại kỳ họp; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri theo dõi, giám sát. Cần thiết Thường trực, các ban HĐND có thể tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện lời hứa của các cơ quan chức năng tại các kỳ họp HĐND... để theo đến cùng việc xem xét, giải quyết cho dân.

Ngoài tổ chức TXCT chung theo đơn vị hành chính, trường hợp cần thiết Thường trực HĐND tỉnh cũng nên có kế hoạch tổ chức TXCT theo ngành, lĩnh vực hoặc tiếp xúc theo chuyên đề để đại biểu thu thập đầy đủ thông tin, nắm chắc tình hình thực tế và tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng liên quan trong việc thực hiện nghị quyết. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp các quyết sách của HĐND đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính khả thi để sớm phát huy hiệu quả


    Ý kiến bạn đọc