Để HĐND thực sự là cơ quan giám sát hoạt động của UBND cùng cấp
EmailPrintAa
07:44 04/03/2012

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vấn đề đặt ra là kiểm soát bộ máy nhà nước ở địa phương như thế nào để đạt hiệu quả?

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra để quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND cùng cấp; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương; chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, do cơ quan đại diện của nhân dân bầu ra (HĐND cùng cấp), Chủ tịch là đại biểu HĐND, còn thành viên khác không nhất thiết, giữa nhiệm kỳ khuyết Chủ tịch thì người được bầu không nhất thiết là đại biểu HĐND.

Như vậy, HĐND và UBND là 2 cơ quan thuộc nhánh quyền lực hành pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn tương đối độc lập nên có điều kiện kiểm soát lẫn nhau; HĐND trực tiếp kiểm soát UBND cùng cấp ngay từ khâu thiết kế con người cụ thể làm nhiệm vụ của UBND thông qua bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa 2 cơ quan này ở cùng một địa phương đều chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên nên mọi thông tin từ cấp trên và ở địa phương đều có cơ hội nắm bắt như nhau; có điều kiện nhận diện rõ thuộc tính, bản chất của cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tốt hay xấu. Sự hình thành cơ quan HĐND và UBND hiện nay cho thấy, HĐND là cơ quan trung tâm khâu nối, xử lý, đánh giá và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của công dân và việc thực hiện nhiệm vụ của UBND cùng cấp để cơ quan nhà nước thực hiện đúng mục đích là phục vụ nhân dân.

Pháp luật quy định như vậy là thiết lập cơ chế HĐND kiểm soát hoạt động của UBND cùng cấp. Nhưng kết quả hoạt động của HĐND ở nhiều nơi còn rất mờ nhạt: việc lựa chọn bầu Chủ tịch, các thành viên khác của UBND vẫn chưa có số dư để chọn người mang tính cạnh tranh lành mạnh, chưa mạnh dạn giới thiệu thêm ứng cử viên khi bầu, chưa thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ HĐND bầu khi chưa thực hiện đúng nhiệm vụ; ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến đại biểu nhưng chậm được xử lý và trả lời, giải quyết dứt điểm; địa phương xuất hiện điểm nóng, đại biểu đại diện cho dân chậm vào cuộc; UBND chậm giải quyết ý kiến của nhân dân nhưng HĐND chưa có giải pháp khắc phục; UBND cưỡng chế công dân nhưng chưa thấy HĐND thực hiện chức năng giám sát... Vì vậy HĐND giám sát hoạt động của UBND cùng cấp đôi khi còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, làm giảm niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Nguyên nhân của những hạn chế trên có nhiều, nhưng cơ bản do HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhưng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách rất ít, đại biểu hoạt động kiêm nhiệm ở các cơ quan chuyên môn của UBND nhiều; đại biểu HĐND ở cơ sở một số trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có kỹ năng hoạt động. Bộ máy giúp việc của HĐND còn rất mỏng, chất lượng tham mưu còn hạn chế, trong khi nhiệm vụ của HĐND rất nặng nề. Quy trình, cách thức thực hiện giám sát của đại biểu, tổ đại biểu, các tổ chức khác của HĐND chưa được quy định cụ thể... Mặt khác, HĐND có quyền ban hành quy chế hoạt động của đại biểu, các tổ chức của HĐND và có quyền đưa ra những giải pháp để xử lý trường hợp không thực hiện, nhưng việc xây dựng quy chế có nơi còn mang tính hình thức. Vì vậy HĐND thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động của UBND cùng cấp chưa thực sự hiệu quả.

Từ năm 2009 đến nay, một số địa phương đã thí điểm không tổ chức HĐND ở các huyện, quận, phường và thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, qua đó thí điểm phương thức tổ chức kiểm soát hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị và nông thôn nơi không tổ chức HĐND. Thực tế cho thấy, nơi không tổ chức HĐND huyện chức năng giám sát của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đối với UBND huyện chưa có gì mới; có nơi tổ chức giám sát nhưng cũng không phát hiện được những hạn chế, sai phạm; hoạt động của UBND vẫn chưa có hình thức chuyển tải thông tin đến cơ quan liên quan và cử tri để giám sát. Đơn cử, một số phường ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc không tổ chức HĐND, khi cấp trên kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những quyết định của UBND phường vi phạm, nhưng các cơ quan đoàn thể, cử tri ở phường không biết vì không có thông tin; quy trình ra quyết định quan trọng của UBND không còn công đoạn thông qua cơ quan đại diện của nhân dân, trong khi đó nội dung quyết định thuộc quyền của nhân dân. Chức vụ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND có những ưu điểm là chủ trương của Đảng được triển khai kịp thời, song tính độc đoán, quyết định theo ý chủ quan của cá nhân lại chưa có giải pháp khắc phục, trong khi chức danh Chủ tịch UBND là do nhân dân ủy nhiệm một phần quyền của mình để duy trì hoạt động chung, điều hành hoạt động chung, bảo vệ sự xâm phạm từ bên ngoài; cơ chế Chủ tịch UBND định kỳ lấy phiếu tín nhiệm của cử tri còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế khuyến khích nhân dân tích cực tham gia giám sát hoạt động của Chủ tịch và các thành viên của UBND.

Từ thực tế trên có thể khẳng định, cơ quan hành chính ở địa phương rất cần có HĐND - cơ quan đại diện cho nhân dân, với những đại biểu có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức để giúp nhân dân kiểm soát hoạt động của UBND cùng cấp. Tuy nhiên, thực tiễn đòi hỏi cần có cơ chế cụ thể, có điều kiện về tổ chức bộ máy, cán bộ công chức tham mưu, giúp việc thực sự có tâm, có tầm và nhiệt huyết với hoạt động của cơ quan dân cử; cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết bảo đảm hoạt động của HĐND. Như vậy, bộ máy chính quyền ở địa phương sẽ vững mạnh hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.


    Ý kiến bạn đọc