Điều chỉnh cơ cấu tổ chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương
EmailPrintAa
14:22 13/08/2013

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 545 của UBTVQH. Qua hơn 5 năm hoạt động, văn phòng đã từng bước sắp xếp, ổn định tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên cơ cấu, tổ chức của Văn phòng còn nhiều bất cập, vướng mắc cần điều chỉnh để phát huy hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc.

Những bất cập, vướng mắc

Số lượng các phòng được bố trí như quy định tại Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 chưa đầy đủ, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định và yêu cầu thực tiễn ngày càng cao về công tác tham mưu, giúp việc của cơ quan Văn phòng. Việc tổng hợp tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND, Thường trực, các ban HĐND rất quan trọng, giúp  lãnh đạo Văn phòng xây dựng báo cáo tình hình chung của Đoàn ĐBQH và HĐND để báo cáo định kỳ gửi cấp ủy, chính quyền cùng cấp, Chính phủ và UBTVQH, hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực, các ban HĐND. Ngoài ra, Phòng Tổng hợp còn tham mưu xây dựng lịch, chương trình công tác, chương trình, kế hoạch khảo sát, giám sát và công việc khác theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH, của Thường trực HĐND, nhưng về cơ cấu trong Nghị quyết 545 chưa quy định có Phòng Tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện tại, Văn phòng ở nhiều địa phương phân công một công chức, chuyên viên có năng lực của Phòng Công tác ĐBQH tổng hợp tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH và một công chức, chuyên viên có năng lực của Phòng Công tác đại biểu HĐND tổng hợp tình hình hoạt động của HĐND tỉnh phục vụ các hoạt động và báo cáo theo quy định. Còn báo cáo tình hình hoạt động chung của Đoàn ĐBQH, của HĐND tỉnh thì tùy theo công việc của thời điểm phát sinh báo cáo, Chánh Văn phòng phân công Phòng Công tác ĐBQH hoặc Phòng Công tác HĐND chuẩn bị báo cáo. Đây là một công việc có nhiều vướng mắc khi tổng hợp tình hình để chuẩn bị báo cáo. Bởi lẽ, cán bộ tổng hợp phải nắm tình hình từ cả Đoàn ĐBQH và HĐND. Nhiệm vụ tổng hợp tình hình chung đòi hỏi phải xuyên suốt, đồng bộ, có tính hệ thống và phải được phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong Nghị quyết 545. Do đó, lãnh đạo Văn phòng gặp không ít khó khăn và lúng túng khi phân công, giao việc, cán bộ tổng hợp cũng gặp khó khăn trong tác nghiệp để tổng hợp, chuẩn bị các báo cáo chung.

Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng còn nhiều vướng mắc, chồng chéo: lãnh đạo Văn phòng gồm Chánh Văn phòng phụ trách chung hoạt động của Văn phòng, một Phó chánh Văn phòng theo dõi hoạt động của Đoàn ĐBQH, 2 Phó chánh Văn phòng theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh. Lãnh đạo Văn phòng và Trưởng, Phó các phòng của Văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH tỉnh trước khi bổ nhiệm, tuyển dụng phải được Trưởng Đoàn ĐBQH có ý kiến và thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng và Trưởng, Phó các phòng của Văn phòng tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh trước khi bổ nhiệm, tuyển dụng phải được Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến và thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Về cơ cấu tổ chức các phòng, theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết 545 thì Phòng Công tác ĐBQH có nhiệm vụ giúp cho lãnh đạo Văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH; Phòng Công tác HĐND có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Văn phòng về hoạt động của HĐND tỉnh. Riêng Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị có nhiệm vụ phục vụ chung cho cả Đoàn ĐBQH và HĐND, trong khi hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND có nhiều điểm riêng biệt.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND theo quy định rất lớn, nhưng về cơ cấu tổ chức Trưởng hoặc Phó các ban có thể hoạt động chuyên trách, còn các thành viên của ban đều hoạt động kiêm nhiệm. Mỗi ban HĐND có vị trí tương đương với các cơ quan sở, ban, ngành cấp tỉnh nhưng không có bộ máy tham mưu, giúp việc riêng. Mỗi ban chỉ có 1 - 2 chuyên viên ở Phòng Công tác HĐND tham mưu, giúp việc. Mặc dù các ban đã sử dụng nhiều biện pháp tích cực để tổ chức các hoạt động, song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đều có các phòng chuyên môn, bộ phận và biên chế hành chính tham mưu, giúp việc hoàn chỉnh. Nên chăng, Luật cần quy định mỗi ban HĐND chí ít có phòng hoặc bộ phận chức năng tham mưu, giúp việc trực tiếp để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Kiến nghị một số giải pháp khắc phục

Thứ nhất, cần bổ sung quy định cụ thể chức năng tổng hợp của Văn phòng trong Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12, trên cơ sở đó bổ sung đầy đủ các nhiệm vụ của Văn phòng, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tham mưu, giúp việc ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, cơ cấu tổ chức của Văn phòng cần điều chỉnh, đổi mới phù hợp, có tính đột phá nhằm sắp xếp, kiện toàn các phòng chức năng thuộc Văn phòng có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao theo từng lĩnh vực để tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, Thường trực, các ban của và đại biểu HĐND tỉnh. Khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 quy định Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND chỉ có 3 phòng và chưa quy định rõ nhiệm vụ tổng hợp thuộc phòng nào. Do đó, đề nghị UBTVQH nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ cấu tổ chức Văn phòng theo hướng: trước mắt giữ nguyên Phòng Công tác ĐBQH, thành lập mới các phòng trên cơ sở kiện toàn tổ chức Phòng Công tác HĐND, gồm: Phòng Tổng hợp để tổng hợp tình hình chung của Đoàn ĐBQH và HĐND; Phòng Kinh tế - Ngân sách, Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Pháp chế nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên môn hóa trong thực hiện nhiệm vụ của Thường trực và cả 3 ban HĐND. Riêng Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị tách làm 2 phòng: một Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị của Văn phòng tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH tỉnh, một Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị của Văn phòng tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh. Các phòng có từ khoảng 3 - 4 biên chế hành chính, trong đó có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chuyên viên hành chính. Về lâu dài, cần tính đến việc tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND như trước đây để thuận lợi hơn cho công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng theo hướng độc lập, chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Thứ ba, Điều 54 Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành năm 2003, Điều 26 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 cần điều chỉnh, bổ sung và quy định rõ: các ban HĐND ở địa phương gồm có Trưởng ban, Phó trưởng ban và một số thành viên khác hoạt động chuyên trách. Bổ sung Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 theo hướng: các ban HĐND tỉnh có phòng chức năng tham mưu, giúp việc trực tiếp cho mỗi ban như cơ cấu nêu trên.     

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là cơ quan có vị trí, vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cơ quan dân cử. Đổi mới cơ cấu tổ chức của Văn phòng phù hợp sẽ có ý nghĩa và ảnh hưởng tích cực đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

 

 


    Ý kiến bạn đọc