Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
EmailPrintAa
08:58 04/08/2017

(Trích tham luận của đồng chí Võ Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại Hội nghị giao ban 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ Hai nhiệm kỳ 2016-2021)
Đồng chí Võ Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham luận tại Hội nghị
 

“…Trên cơ sở thống nhất cao với chủ đề của hội nghị lần này, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã có tham luận “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất” in trong tài liệu, tôi xin phép không trình bày lại. Chúng tôi rất đồng tình với báo cáo đề dẫn hội nghị mà đồng chí Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội đã trình bày, và xin tham gia thêm một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, qua tham luận của các tỉnh trong khu vực cũng như theo dõi tình hình hoạt động của HĐND các tỉnh, trong đó có hoạt động chất vấn và giải trình của kỳ họp HĐND và phiên họp thường trực HĐND, chúng ta thấy rằng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình của HĐND, Thường trực HĐND đã có chuyển biến thực sự so với nhiệm kỳ trước, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan và đại biểu dân cử tại các địa phương.

Có được kết quả này, theo tôi có ba nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của HĐND ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo điều kiện thuận lợi, mở đường thông thoáng cho hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND, nhất là với HĐND cấp tỉnh. Vấn đề còn lại là HĐND các địa phương phải tổ chức, hoạt động ra sao để đảm bảo đúng luật định, tránh cả hai thái cực Lạm quyền và Lãng quyền, nhất là đối với hoạt động chất vấn - một hình thức giám sát đặc thù, có hiệu quả trực tiếp và sức lan toả, hiệu ứng rộng, cũng đồng thời là một “quyền năng riêng có” của đại biểu dân cử.

Hai là, tác động, sức lan truyền và bài học kinh nghiệm từ các phiên chất vấn, giải trình của kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Uỷ ban TVQH. Sự đổi mới mạnh mẽ của QH và Ủy ban TVQH trong hoạt động này đã thực sự “truyền lửa” cho đại biểu dân cử ở các địa phương, nhiều đại biểu qua theo dõi truyền hình, phát thanh trực tiếp, qua các bài phản ánh, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua báo cáo kết quả kỳ họp, phiên họp của đoàn đại biểu QH… cũng tự nhận thức rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của mình trước cử tri, trước nhân dân, tự rút ra các bài học kinh nghiệm về cách thức, phương pháp chất vấn, tranh luận trong nghị trường. Các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh được mời tham dự một số phiên họp của Quốc hội, và thường là lựa chọn phiên chất vấn cũng đã tích luỹ thêm kinh nghiệm, bài học bổ ích từ việc lựa chọn nội dung chất vấn theo nhóm vấn đề, dành thời gian thích đáng, mở rộng việc tranh luận, truy vấn… cho đến cách thức điều hành của chủ toạ - dân chủ, thẳng thắn nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung; linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; cởi mở, thoải mái nhưng giữ được tính chất nghiêm túc…

Nguyên nhân thứ ba là vai trò của Thường trực HĐND. Quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gần như đã “chuyên nghiệp hoá” thiết chế Thường trực HĐND, nâng số lượng uỷ viên thường trực từ 3 lên đến 7 - 8 thành viên và dù ở các địa phương có thể có tỷ lệ Ủy viên Thường trực chuyên trách hoặc kiêm nhiệm khác nhau nhưng về cơ bản, đã tạo được một sức mạnh tập thể, đủ năng lực và sự tự tin để quyết định lựa chọn đúng và trúng các nội dung chất vấn, giải trình cho từng kỳ họp, phiên họp; định hướng, điều phối được các đại biểu HĐND trong hoạt động chất vấn, giải trình, và đặc biệt, có điều kiện hơn để thực hiện việc giám sát, tái chất vấn thông qua các phiên họp của Thường trực HĐND, các cuộc giám sát, làm việc…

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là bên cạnh những chuyển biến nêu trên, hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND và thường trực HĐND vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế lặp lại như nhiệm kỳ trước hoặc phát sinh mới, ví dụ như:

Số lượt ý kiến chất vấn có xu hướng tăng nhưng số lượng đại biểu tham gia chất vấn vẫn chưa tăng đáng kể, chủ yếu vẫn là đại biểu chuyên trách và một số đại biểu khối đoàn thể, cấp uỷ đảng. Nói như cách nói của cố nhà thơ Huy Cận - “quanh quẩn vào ra chừng ba dáng điệu/ tới hay lui cũng chừng đó mặt người”… Có một thực thực tế là càng xuống thấp thì quan hệ giữa đại biểu HĐND và các thành viên UBND càng gần gũi hơn, trực tiếp hơn nên nhiều khi truy vấn nhau cũng rất ái ngại; thêm nữa là tác động của văn hoá lúa nước, trọng tình hơn trọng lý, một trăm cái lý không bằng tý cái tình, một giọt máu đào hơn ao nước lã, đóng cửa trong nhà bảo nhau… nên nếu như không có ý thức trách nhiệm thật cao thì cũng rất dễ nể nang, lượng thứ cho nhau… Để khắc phục tình trạng này, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra phương án chấm điểm đại biểu HĐND, tức là sau mỗi kỳ họp đều có thông báo danh sách cụ thể những đại biểu đã tham gia phát biểu, chất vấn, những đại biểu chưa tham gia ý kiến nào để làm cơ sở cho công tác thi đua khen thưởng cuối năm, cuối khoá. Tuy nhiên, có một trở ngại là cho đến nay Luật TĐKT vẫn chưa có quy định khen thưởng cho đại biểu HĐND và cũng chưa có quy định về thẩm quyền khen thưởng của Thường trực HĐND; chúng tôi đề nghị nên bổ sung chế tài này vào Luật.

Bên cạnh những trả lời nghiêm túc, đầy trách nhiệm của các thành viên UBND và lãnh đạo UBND tỉnh, vẫn còn không ít trả lời chung chung, né tránh, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi hoặc không nêu được lộ trình cụ thể các giải pháp khắc phục. Đây cũng sẽ là một căn cứ để đại biểu HĐND đánh giá năng lực, ý thức trách nhiệm của những vị đã được HĐND tín nhiệm bầu ra. Tuy nhiên trong thực tế, chế tài cụ thể để xử lý những thành viên UBND còn thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc năng lực còn hạn chế chưa được quy định rõ ràng, nên việc khen chê cũng đang dừng ở mức dư luận thế này, thế kia…

Và điều đáng quan tâm nhất hiện nay là hiệu quả thực chất của hoạt động chất vấn, vì suy cho cùng chất vấn là làm sao để vấn đề đưa ra chất vấn được giải quyết trong thực tế. Tuy nhiên đang vấp phải một thực trạng là có thể trả lời rất suôn sẻ, chất vấn rất quyết liệt, sôi động nhưng sau kỳ họp, phiên họp đâu lại vào đấy. Vì vậy, theo chúng tôi, hoạt động chất vấn, giải trình quan trọng một thì công tác giám sát, đôn đốc, hậu kiểm, tái chất vấn còn quan trọng hơn hai ba lần.

Nhân diễn đàn hôm nay, để thực sự nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng, ngoài những nội dung đã đề cập trong tham luận in trong kỷ yếu và một số vấn đề đã kiến nghị ở trên, chúng tôi xin kiến nghị thêm một số vấn đề sau đây:

 Thứ nhất, đề nghị cần sớm ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ hai, một khó khăn hiện nay là tổ chức hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Theo quy định thì đã có giám sát của HĐND, của Thường trực và các ban HĐND, nếu thực hiện tốt thì hầu như đã chiếm hết thời gian của đại biểu HĐND. Vậy tổ đại biểu sẽ giám sát nội dung gì để tránh trùng lặp, trong phạm vi nào để tránh chồng chéo với hoạt động giám sát của HĐND địa phương… Theo chúng tôi, Ban công tác đại biểu phối hợp với ban dân nguyện cần sớm tổ chức hội thảo về chuyên đề này.

Thứ ba, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định về chế độ tiếp công dân của Thường trực HĐND, Chủ tịch HĐND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND nhưng hiện nay việc tổ chức thực hiện ở các địa phương còn nhiều bất cập, khó khăn. Ví dụ như HĐND có nên tổ chức tiếp dân riêng hay tiếp chung với lãnh đạo UBND? Tổ đại biểu HĐND tiếp dân riêng hay tiếp chung với UBND địa phương? Nếu tiếp riêng thì cần phải có quy định về các điều kiện đảm bảo như địa điểm, bộ máy; còn nếu tiếp chung thì cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, thẩm quyền giám sát hoạt động tiếp công dân của HĐND đối với UBND…

Thứ tư, hiện nay đã có dự thảo các đề án chuẩn bị trình Hội nghị TW 6. Nhân có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và các đồng chí Ủy viên TW Đảng, chúng tôi cũng xin mạo muội nêu lên một số băn khoăn về mô hình tổ chức của Văn phòng HĐND khi có phương án sát nhập với văn phòng UBND. Theo chúng tôi để đảm bảo được chức năng quyết định và giám sát thực chất của HĐND, hoàn toàn không nên sát nhập hai bộ phận tham mưu giúp việc này với nhau; nên chăng là để tinh giản biên chế và giảm đầu mối, nên “đổi mới về như cũ” tức là sát nhập lại Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH. Qua thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng tôi thấy rằng hai văn phòng này chung nhau sẽ thuận lợi hơn nhiều cho hoạt động của các đại biểu dân cử, các đại biểu QH sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với đại biểu HĐND các cấp, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hơn để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và thường trực HĐND cấp tỉnh…”


    Ý kiến bạn đọc