Giám sát kết quả thực hiện: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở huyện Kỳ Anh
EmailPrintAa
16:11 22/10/2014

Trong hai ngày 21,22/10/2014 Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - Ủy viên Thường trực làm Trưởng Đoàn đã thực hiện cuộc giám sát chuyên đề về “Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006 - 2013” tại huyện Kỳ Anh.
Khảo sát tại Ngầm tràn thôn Minh Tân xã Kỳ Hợp và...

Trước lúc làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, đoàn đã tiến hành khảo sát ở xã Kỳ Tây, xã Kỳ Hợp và trực tiếp gặp gỡ với một số hộ dân được hưởng lợi từ các chương trình giảm nghèo trên địa bàn 2 xã. Kỳ Tây và Kỳ hợp là những xã miền núi có nhiều khó khăn nhất của huyện Kỳ Anh, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao… Nhưng nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia và sự cố gắng vươn lên thoát nghèo của người dân mà tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 xã có nhiều chuyển biến tích cực, số hộ nghèo, cận nghèo giảm, số hộ khá dần tăng lên. Đầu năm 2011 số hộ nghèo của xã Kỳ Hợp 255 hộ, chiếm 42,5%, xã Kỳ Tây 533 hộ, chiếm 34,45%, thì đến cuối năm 2013 số hộ nghèo ở Kỳ Hợp đã giảm xuống còn 156 hộ, chiếm 24,3%, Kỳ Tây còn 313 hộ, chiếm 18,59%. Các hộ gia đình đã được hỗ trợ dạy nghề, gắn với việc làm; hỗ trợ về y tế, về giáo dục và đào tạo, nhà ở, phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý… Các hộ gia đình được hưởng lợi khi tiếp xúc với Đoàn đều bày tỏ sự biết ơn Đảng, Chính phủ đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo.


...Đập Tùng Lau xã Kỳ Tây

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2006 đến nay mỗi năm huyện đã giảm được từ 3 - 5% số hộ nghèo. Từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 5035 lao động, trong đó có 3608 người có việc làm sau đào tạo; đã cấp 83.797 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 19.071 thẻ cho các hộ cận nghèo; hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng cho 7663 học sinh con em hộ nghèo ở các nhà trường theo Nghị định 49 của Chính phủ; hỗ trợ trên 15,8 tỷ đồng xây nhà cho 2001 hộ; hỗ trợ 11.929 hộ nghèo vay 119.561 triệu đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ hơn 13,2 tỷ đồng tiền điện cho 35.171 hộ… Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo từ chương trình 135, chương trình 106 đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế xã… góp phần nâng cao đời sống dân sinh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh, giảm hộ nghèo của huyện từ 42,64% xuống còn 14,05% cuối năm 2013 …

Đồng chí Lê Trọng Bính - Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Anh phát biểu tại cuộc làm việc

Tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND huyện, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian qua, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các chính sách an sinh xã hội được nâng cao, giáo dục, đào tạo có bước phát triển mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư… Bên cạnh đó cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững như: Nhận thức về việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là các hộ nghèo còn những hạn chế nhất định, do vậy còn tư tưởng trong chờ, ỷ lại; công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục, trợ giúp pháp lý về các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh còn hạn chế, chưa đến được rộng rãi với mọi người dân; việc xây dựng mô hình, điển hình tiêu biểu trong giảm nghèo trên địa bàn còn nhiều hạn chế…

Đồng chí Hoàng Thị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với huyện Kỳ Anh

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh lưu ý: Lãnh đạo UBND huyện cần tập trung kiện toàn, củng cố BCĐ giảm nghèo bền vững các cấp, nhất là cấp cơ sở, để nâng cao chất lượng hoạt động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ; thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong việc bình xét các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với các công trình đã được đầu tư cần quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng, phát huy tối đa hiệu quả công trình để phục vụ đời sống dân sinh; đối với những công trình chuẩn bị đầu tư phải được xem xét, lựa chọn phù hợp với yêu cầu thực tiễn của người dân, để phát huy tối đa hiệu quả, quá trình xây dựng phải được sự giám sát chặt chẽ của nhân dân; tăng cường mở rộng các hình thức liên kết; đối với các mô hình, điển hình trong giảm nghèo bền vững cần tuyên truyền nhân rộng; tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức để mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức vươn lên để thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội.


    Ý kiến bạn đọc