Giám sát, kỹ năng và hiệu quả
EmailPrintAa
10:35 15/08/2013

Luật Hoạt động giám sát của QH đã được ban hành cách đây mười năm. Hoạt động giám sát đã góp phần tháo gỡ không ít hạn chế, vướng mắc trong cơ chế chính sách và yếu kém trong quản lý nhà nước. Chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri hoan nghênh theo dõi. Tuy nhiên kết quả của hoạt động giám sát chưa được như mong đợi, hậu quả pháp lý sau giám sát chưa rõ, làm giảm hiệu lực của hoạt động này. Có nguyên nhân ở ngay trong văn bản luật và các quy định cần được sửa đổi bổ sung, và có những nguyên nhân thuộc về kỹ năng tổ chức công tác giám sát và kỹ năng giám sát của các thành viên tham gia giám sát.

Giám sát là một chức năng quan trọng của QH và HĐND

Luật Hoạt động giám sát của QH, ở Điều 2 khoản 1 giải thích từ ngữ:

“Giám sát là việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Không có một giải thích từ ngữ tương tự đối với giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và của đại biểu HĐND, nhưng Điều 1 của Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định:

“HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp […]; giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương”.

Nội dung của một cuộc giám sát thường được xác định ngay trong nghị quyết của QH (HĐND) về cuộc giám sát đó. Trong nhiều trường hợp, có nói rõ đối chiếu với luật hoặc pháp lệnh nào. Nội dung giám sát có thể được ghi rõ trong khoảng thời gian nào.

Các hình thức giám sát phổ biến là thành lập đoàn giám sát; xem xét báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát; xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; chất vấn đối tượng chịu sự giám sát; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.

Các hình thức giám sát có thể được phân thành hai loại hình giám sát tại kỳ họp (xem xét báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm) và giám sát ngoài kỳ họp (lập đoàn đi giám sát, khảo sát thực địa, nghe điều trần...).

Để đánh giá kết quả và hiệu quả, cần trở lại với mục đích của giám sát.

Theo Từ điển tiếng Việt, giám sát là theo dõi và kiểm tra (một vấn đề) xem (đối tượng) có thực hiện đúng những điều quy định hay không.

Có ý kiến cho rằng, giám sát là xem xét, theo dõi, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, nhằm đề cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển.

Qua các hoạt động giám sát mà tôi đã tham gia(1), mục đích của giám sát là để: 1. Đánh giá việc thực hiện nội dung giám sát được thực hiện ra sao; 2. Phát hiện ra những vướng mắc trong các cơ chế chính sách có liên quan, từ đó đề xuất những quy định trong các văn bản pháp quy cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; 3. Thấy được năng lực của cán bộ; 4. Thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các chức danh đã được đại biểu bầu hoặc phê chuẩn.

Làm gì để hoạt động giám sát có hiệu quả

Có ý kiến đánh giá rằng “các cuộc giám sát chuyên đề nội dung không sâu. Chủ yếu nội dung báo cáo giám sát chuyên đề dựa vào báo cáo và có ý kiến của cơ quan chịu giám sát, việc đi thực tế chỉ là nghe đối tượng giám sát báo cáo, người tham gia giám sát không đủ thông tin để phản biện, thời gian trao đổi hạn chế”; và rằng “việc đi thực tế cũng chỉ là “nghe đối tượng giám sát báo cáo”, người tham gia giám sát lại không đủ thông tin để phản biện. Nếu nói việc đi giám sát thực tế mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không quá đáng”.

Từ thực tế đã trải nghiệm, tôi cho rằng những đánh giá trên đây là có thực. Và nếu rơi vào tình trạng trên đây thì giám sát không thể đạt được mục tiêu, thậm chí còn trở thành hình thức, xói mòn niềm tin của cử tri.

Để hoạt động giám sát có kết quả, cần có kỹ năng trong hai khâu cơ bản: hình thành và tổ chức một cuộc giám sát, và bảo đảm năng lực giám sát của các thành viên tham gia cuộc giám sát.

Kỹ năng hình thành và tổ chức một cuộc giám sát gồm có các bước: 1. Xác định rõ nội dung đề ra để giám sát và, nếu có, giới hạn trong khoảng thời gian nào; 2. Liệt kê và sưu tập các văn bản pháp quy có liên quan đến nội dung, từ đó lên danh sách các cơ quan của QH (ban của HĐND) và các chuyên gia cần mời tham gia; 3. Xác định các bộ, ngành, địa phương cần đến giám sát và đề nghị các nơi này gửi báo cáo theo đề cương yêu cầu; 4. Phân công trong đoàn nghiên cứu các báo cáo; 5. Nghe báo cáo và trao đổi với các bộ và đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở, địa phương để nắm rõ thêm tình hình; 6. Thảo luận trong đoàn giám sát; 7. Chuẩn bị báo cáo của đoàn giám sát. Mỗi thành viên có một báo cáo những ý kiến của mình, với các kiến nghị.

Người trưởng đoàn giám sát phải đầu tư suy nghĩ, trực tiếp theo dõi tiến trình giám sát và nhất là đầu tư công sức cho báo cáo của đoàn giám sát đối chiếu với mục tiêu cần đạt.

Các thành viên phải thực sự tham gia cuộc giám sát. Kỹ năng giám sát của mỗi thành viên là yếu tố hàng đầu đóng góp vào chất lượng của báo cáo giám sát. Kỹ năng giám sát gồm có:

1. Nghiên cứu các văn bản pháp quy có liên quan đến chủ đề giám sát;

2. Thu thập và xử lý thông tin trong các báo cáo viết và nghe trình bày khi đi khảo sát để có được hiểu biết khách quan, xác thực về tình hình thực hiệån nội dung giám sát. Cập nhật, so sánh với “ngân hàng thông tin” hiện có của bản thân.

3. Có kỹ năng Biết nghe, biết nhìn và biết hỏi.

4. Trong thu thập và xử lý thông tin khâu phân tích và tổng hợp là đặc biệt quan trọng, giúp nhận ra các ưu, khuyết điểm, các nguyên nhân, và từ đó đề xuất các kiến nghị.

Nguyên nhân của các ưu, khuyết điểm (yếu kém bất cập) có thể có nhiều, quan trọng nhất đối với cuộc giám sát là các nguyên nhân có liên quan đến cơ chế, chính sách được (hoặc còn chưa được) quy định trong các văn bản pháp quy bởi lẽ các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế chính sách là điều được chờ đợi nhiều nhất trong cuộc giám sát.

Hậu quả pháp lý của một cuộc giám sát cụ thể, rõ ràng nói lên hiệu quả được mong đợi của cuộc giám sát. Nhưng hậu quả pháp lý đạt được tới mức độ nào tùy thuộc vào các kết luận (khách quan, chính xác) và kiến nghị (cụ thể về cơ chế, chính sách cần sửa đổi bổ sung, ban hành mới) trong báo cáo của đoàn giám sát.

Trí tuệ, công phu và trách nhiệm của trưởng đoàn giám sát, của từng thành viên đầu tư cho khâu chuẩn bị trước khi triển khai, cũng như trong quá trình triển khai là những bảo đảm cho hiệu quả của cuộc giám sát.

____________________

1. Các cuộc giám sát tôi đã tham gia: (1) Giám sát của UBTVQH về tình hình sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước trong xây dựng cơ bản (2004); (2) Giám sát của UBTVQH về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai” (2006); (3) Giám sát của UBTVQH về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 1992 - 2005; (4) Giám sát của Ủy ban Đối ngoại của QH Một năm việc thực hiện Nghị quyết số 48/2001/QH10 phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (2003); (5) Giám sát việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong 10 năm 1993 - 2002 (1998 và 2003); (6) Giám sát việc thực hiện các hiệp định song phương Việt Nam - Lào (1991 - 2004) thực hiện trong hai năm 2004 (Bắc Lào) và 2005 (Trung và Nam Lào); (7) Giám sát việc thực hiện các điều ước song phương Việt Nam đã ký kết với Algeria, Morocco, Tunisia và Senegal (thực hiện năm 2005) để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH năm 2006.

 


    Ý kiến bạn đọc