Giao ban Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 5 tại Quảng Trị.
EmailPrintAa
05:57 29/06/2013

Ngày 28/6, tại Khách sạn Sài Gòn- Đông Hà, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 5 với nội dung trao đổi thông tin hoạt động và thảo luận chế định chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, đại diện Vụ Miền trung Tây Nguyên thuộc Văn phòng Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và đại diện Thường trực HĐND của 6 tỉnh. Đoàn Hà Tĩnh do đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.

 

Về hoạt động HĐND, các tham luận tại Hội nghị cho thấy, trong điều kiện tình hình có nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế thế giới đang suy giảm; kinh tế trong nước phục hồi chậm, giá cả có biến động lớn, thu ngân sách của cả nước khó khăn..., nhưng cùng với UBND, HĐND 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. HĐND các cấp ở các địa phương  đã chủ động, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định; tổ chức tốt các kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề; hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân đi vào nề nếp và có nhiều đổi mới. Hoạt động của đại biểu, tổ đại biểu và công tác tổ chức, điều hành kỳ họp ngày càng đổi mới và có tính chuyên nghiệp. Hoạt động của HĐND đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển KT- XH của các tỉnh trong những tháng đầu năm.

Về chế định chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đây cũng là nội dung chính tham luận của Hà Tĩnh, nhiều đại biểu đã thống nhất là từ thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992, HĐND và UBND đã bổ sung và tạo thuận lợi cho nhau thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Thiết chế về HĐND đã được quy định tương đối rõ, nhưng trên thực tế vị trí quyền lực của HĐND còn hình thức, tính thực quyền chưa cao, chưa phù hợp với bối cảnh đất nước… Ý kiến tham luận của nhiều đại biểu tại các đại phương cũng đã khẳng định, mô hình chính quyền địa phương cần phải được quy định cụ thể ngay trong Hiến pháp.

Về nội dung tên gọi, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với kiến nghị sửa lại tên Chương IX từ HĐND và UBND thành Chính quyền địa phương cho đúng với bản chất tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục khẳng định chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó phải có cơ quan đại biểu của nhân dân. Việc tổ chức HĐND và UBND ở tất cả các cấp là phương thức bảo đảm tính đại diện, dân chủ trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Tại hội nghị, một số ý kiến đã đề nghị cần tổ chức tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp để quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, nhằm bảo đảm cho hoạt động của HĐND có hiệu lực, hiệu quả; bố trí đội ngũ cán bộ của HĐND hoạt động chuyên trách, bộ máy tham mưu, tổng hợp, giúp việc đủ năng lực và bảo đảm các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Sau các tham luận của Thường trực HĐND 6 tỉnh là một số ý kiến tham gia của một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tặng quà lưu niệm cho Ban Công tác đại biểu và 5 tỉnh tham dự, đồng thời bàn giao đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 6 cho Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bên lề Hội nghị, đoàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đi thắp hương các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 sắp tới.


    Ý kiến bạn đọc