Hoạt động giám sát của Ban Pháp chế góp phần đảm bảo thực thi pháp luật ở địa phương
EmailPrintAa
16:18 20/04/2016

(Tham luận của đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVI)

Nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và chương trình hoạt động của HĐND tỉnh; lựa chọn đúng các nội dung cần giám sát và triển khai hiệu quả hoạt động giám sát, vì vậy đã góp phần tích cực đảm bảo công tác thực thi pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVI
 

Thời gian qua, Ban Pháp chế đã tổ chức 8 đợt giám sát chuyên đề trên các lĩnh vực sau đây:

- Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình làm nhà ở, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 123/2010 của HĐND tỉnh khóa XV về quy hoạch và quản lý tài nguyên, khoáng sản;

- Tình hình, cơ cấu chức danh, chất lượng cán bộ công chức xã, phường, cơ sở và kết quả sáp nhập, điều chỉnh quy mô thôn, tổ dân phố;

- Về kết quả thanh tra kinh tế xã hội và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra từ 2011-2013;

- Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành;

- Công tác Tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, tình hình thực hiện Nghị định 158/2007 của Chính phủ về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và kết quả thực hiện Nghị quyết 26/2011 của HĐND tỉnh về sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức Hội;

- Tình hình, kết quả thực hiện cải cách, đơn giản hoá  thủ tục hành chính, dân sự, kinh tế liên quan đến giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp;

- Về tình hình, kết quả giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh;

- Giám sát về giải quyết đơn thư KNTC-KNPA của công dân phục vụ công tác Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

Bên cạnh các đợt giám sát chuyên đề, hàng năm Ban đã tổ chức trên 50 cuộc làm việc, khảo sát, giám sát trên lĩnh vực nội chính và quản lý nhà nước, như: Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác biên phòng, quân sự địa phương; hoạt động điều tra, tạm giam, tạm giữ; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố; công tác xét xử, thi hành án và một số hoạt động bổ trợ tư pháp khác; công tác thi hành pháp luật trong một số hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất rừng; công tác thanh tra kinh tế xã hội, phòng chống tham nhũng; tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; công tác xuất nhập cảnh, quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; công tác quản lý nhà nước về đào tạo, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương hành chính và cải cách thủ tục hành chính…

Qua hoạt động giám sát, Ban pháp chế đã đánh giá đúng những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hầu hết các kiến nghị, đề xuất của Ban được UBND và các cấp, các ngành quan tâm, tiếp thu và chỉ đạo thực hiện.

Sau giám sát, Ban Pháp chế thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện các kiến nghị; khi thấy cần thiết thì tổ chức tái giám sát và chất vấn để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ hoạt động giám sát, nhiệm kỳ qua, Ban đã tham mưu, kiến nghị, thẩm tra giúp HĐND tỉnh ban hành 43 Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Ban, trong đó có 13 nghị quyết chuyên đề:

- Nghị quyết 27/2011của HĐND tỉnh về chủ trương vận động lập Quỹ quốc phòng - an ninh;

- Nghị quyết 26/2011về phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức Hội;

- Nghị quyết 33/2012 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết 54/2013 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án Hoàn thành đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết 76/2013 về việc đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính các xã liên quan Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, huyện Vũ Quang;

- Nghị quyết 94/2014 của HĐND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020;

- Nghị quyết số 109/2014 thông qua Đề án “Đề nghị công nhận thị trấn Kỳ Anh mở rộng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV;

- Nghị quyết 119/2014 thông qua Đề án đề nghị công nhận Trung tâm huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại V;

- Nghị quyết 130/2015 thông qua Đề án “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập mới thị xã Kỳ Anh và 06 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh;

- Nghị quyết số 165/2015 quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định 29/2013 của Chính phủ;

- Nghị quyết số 166/2015 về quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết số 147/2015 về kết quả giám sát công tác tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức; tình hình thực hiện Nghị định số 158/2007 của Chính phủ về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC và kết quả thực hiện Nghị quyết 26/2011của HĐND tỉnh;

- Nghị quyết 168/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2015 về kết quả giám sát tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dân sự, kinh tế liên quan đến giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Mặc dầu nhiệm kỳ qua, Ban đã rất nổ lực cố gắng, tuy nhiên trên lĩnh vực thực thi pháp luật và quản lý nhà nước ở địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà Ban cũng tự kiểm điểm có phần trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát chưa được đầy đủ, chưa hiệu quả đó là:

Tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, lâm sản, nhất là khai thác cát trên các tuyến sông, chưa được xử lý nghiêm minh, triệt để; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm trái phép rừng, đất rừng; công tác quản lý, kiểm soát về môi trường, an toàn thực phẩm cho người dân còn nhiều hạn chế; trật tự giao thông, văn hóa giao thông chưa đi vào nền nếp, ổn định; tình trang sai phạm trong quản lý kinh tế có tính chất tham nhũng xẩy ra nhiều nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn quá ít; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn xu hướng gia tăng; một số vụ việc còn để chậm kết luận và xử lý không kịp thời; hoạt động xét xử một số vụ án chưa thuyết phục, còn để đơn thư  và dư luận thiếu đồng tình; một số bản án đã có hiệu lực nhưng công tác thi hành án dân sự chậm, thiếu kiên quyết trong việc cưỡng chế thi hành án; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người dân còn kém hiệu quả; số vụ việc khiếu nại, kiến nghị của công dân chưa được xử lý dứt điểm còn nhiều v.v.. Đấy cũng chính là những vấn đề mà Ban Pháp chế phải có trách nhiệm giám sát để cùng với các cơ quan, địa phương khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.

Để hoạt động giám sát có hiệu quả hơn, từ tổng kết nhiệm kỳ qua, Ban rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát sau đây:

Một là, cần giám sát sâu hơn các nội dung, vụ việc cụ thể; tránh tình trạng chỉ nghe qua báo cáo..

Hai là, cần phối hợp giữa cả ba cấp HĐND để giám sát toàn diện, đầy đủ, sâu sát và chính xác hơn; nhất là đối với những nội dung lớn có ảnh hưởng trong phạm vi toàn tỉnh..

Ba là, coi trọng việc tiếp xúc, thu thập ý kiến phản ánh của cư tri và dư luận xã hội trong hoạt động giám sát để có nhận định, đánh gía khách quan, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân..

Cùng với những bài học kinh nghiệm trên đây, cái quan trọng là phải chọn đúng căn cốt vấn đề cần giám sát; thu thập đủ kiến thức, thông tin; tâm huyết, khách quan, công minh với vấn đề mình giám sát và đủ bản lĩnh để giám sát đến cùng.


    Ý kiến bạn đọc