“Hội đồng nhân dân là cơ quan thay mặt cho dân”
EmailPrintAa
08:10 23/07/2013

Qua hơn 67 năm hình thành và phát triển, HĐND ở nước ta không ngừng kiện toàn và lớn mạnh, ngày càng thể hiện đầy đủ và thực sự là một bộ phận không thể thiếu của chính quyền địa phương. Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND đã góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm thực thi Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Về tổng thể

Ngày 22.11.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 63/SL về tổ chức các HĐND và Ủy ban hành chính, khai sinh HĐND và UBND các cấp ngày nay. Nội dung chủ đạo của Sắc lệnh này là: Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Hội đồng nhân dân do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân. Ủy ban nhân dân do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ...”. Qua hơn 67 năm xây dựng và phát triển, trên cơ sở các Hiến pháp 1946, 1980, 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001, hệ thống pháp luật về chính quyền địa phương đã có một số thay đổi về cơ chế tổ chức và tên gọi, nhưng tinh thần cốt lõi về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức HĐND và UBND theo tinh thần sắc lệnh trên đây cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (Luật 2003) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa và phát triển các Luật HĐND và UBND trước đó, được sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hơn. Luật 2003 đã khẳng định sự tiến bộ trên các mặt mang tính nguyên tắc sau đây:

Một là, góp phần xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng do Đảng cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, đấu tranh chống mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Trước hết, Luật 2003 đã mở rộng hơn quyền dân chủ trực tiếp của công dân, quyền đó không chỉ bó hẹp ở quyền phổ thông đầu phiếu. Luật đã tạo điều kiện pháp lý để chúng ta phấn đấu tạo lập cho một chế độ quản lý quốc gia trong đó không chỉ có nhà nước là chủ thể mà còn có nhân dân là chủ thể trực tiếp.

Thứ hai, Luật 2003 bảo đảm cho HĐND và UBND thực sự đại diện cho quyền lực của nhân dân địa phương.

Thứ ba, Luật 2003 đã bảo đảm cho HĐND là cơ quan đại diện cho quyền lực, ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương có thực quyền hơn.

Hai là, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng được phân công rành mạch giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; phân cấp rõ ràng cụ thể giữa nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương. Sự phân công, phân cấp rành mạch đó bảo đảm cho các cơ quan nhà nước phát huy tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức năng của mình.

Tổ chức chính quyền địa phương đã bảo đảm hai nội dung quan trọng:

Thứ nhất, Luật 2003 đã phát huy quyền lực nhà nước tập trung vào một cơ quan duy nhất tối cao là Quốc hội. Ở Trung ương, Quốc hội thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. HĐND các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc tuân thủ các quy định của cấp trên và nghị quyết của HĐND cấp mình.

Thứ hai, Luật 2003 đã thống nhất về cơ chế tổ chức của Nhà nước, được tổ chức và phân công rành mạch chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội và HĐND giám sát các cơ quan được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ; có sự ràng buộc, giám sát và hợp tác lẫn nhau giữa các cơ quan, bảo đảm mỗi cơ quan làm đúng chức năng và đúng pháp luật.

Như vậy, hoạt động của bộ máy nhà nước ở Trung ương cũng như ở địa phương là bảo đảm quyền lực của nhân dân thông qua Quốc hội và HĐND các cấp, bảo đảm hoạt động tập trung thống nhất của bộ máy nhà nước. Đồng thời bảo đảm khả năng độc lập, chủ động và trách nhiệm về tổ chức hoạt động đạt hiệu lực và hiệu quả của cả hệ thống cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ba là, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ đã được cụ thể hóa trong Luật 2003 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng loại cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, của chính quyền địa phương các cấp; trong mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực nhà nước với các cơ quan nhà nước khác, quan hệ giữa cơ quan nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương, quan hệ nội bộ mỗi cơ quan nhà nước và quan hệ nội bộ từng cơ quan, đơn vị; quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân; quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lý nhà nước.

Bốn là, đã tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa - xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước quản lý xã hội theo đúng chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ theo quy định. Đây là một nhà nước hoạt động theo pháp luật, tự đặt mình dưới pháp luật và tuân thủ pháp luật; quy định những quyền tự do, dân chủ, nghĩa vụ của công dân thành luật; chịu trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm và bảo vệ những quyền và nghĩa vụ của công dân, thực hiện quyền lực quản lý của mình theo pháp luật đối với toàn bộ mọi hoạt động của xã hội.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Đảng vạch cương lĩnh, đường lối chiến lược và những chủ trương, chính sách lớn làm cơ sở cho chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH bằng các nghị quyết và quyết định quản lý nhà nước; Đảng vạch ra những chủ trương quan trọng về tổ chức bộ máy và chính sách cán bộ; Đảng lãnh đạo nhà nước bằng phương pháp dân chủ, thuyết phục, bằng công tác tư tưởng và tổ chức, bằng vai trò gương mẫu của đảng viên và tổ chức đảng. Ở địa phương, Đảng giới thiệu những cán bộ có phẩm chất và năng lực vào cương vị lãnh đạo chủ chốt của HĐND và UBND các cấp.

Về cụ thể

Một là, Luật 2003 đã tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể hơn và thực quyền hơn cho tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND các cấp. Trong đó, có mấy nội dung mới và rất quan trọng đã được bổ sung như: thiết lập cơ quan Thường trực HĐND; bổ sung một chương mới về hoạt động giám sát của HĐND các cấp; quy định mới về chức danh Phó chủ tịch UBND có thể không phải là đại biểu HĐND, chức danh Chủ tịch UBND có thể không phải là đại biểu HĐND khi bầu người thay thế chức vụ này ở giữa nhiệm kỳ...

Sau khi Luật có hiệu lực, QH đã ban hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND; UBTVQH ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp, ban hành văn bản quy định về tổ chức bộ máy và nhân sự của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; Chính phủ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp; các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương liên quan... Đồng thời, QH cũng ban hành nhiều Luật chuyên ngành, trong đó có các quy định về phân công, phân cấp thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND và UBND… Nhờ đó, HĐND và UBND các cấp trong nhiệm kỳ qua và hiện nay hoạt động đạt nhiều tiến bộ về mọi mặt, chất lượng và hiệu lực được nâng lên.

Hai là, Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp (2003) cũng có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn, đã tạo khuôn khổ pháp lý để cử tri phát huy quyền dân chủ, chọn lựa để bầu những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.

Ba là, Ủy ban MTTQVN các cấp thay mặt các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp; trong nhiệm kỳ HĐND hoạt động, Ủy ban MTTQ cùng cấp thường xuyên phối hợp và tạo điều kiện để HĐND thực hiện đúng và đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, chủ trì các hội nghị TXCT của đại biểu HĐND; giám sát toàn diện mọi mặt hoạt động của HĐND và tiến hành xử lý các trường hợp đại biểu HĐND vi phạm tư cách đại biểu theo quy định.

Như vậy, HĐND ở nước ta do Đảng lãnh đạo, thành lập và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết HĐND; HĐND chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước cấp trên; chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân cũng như giám sát của Ủy ban MTTQVN cùng cấp.

Có thể khẳng định trong thể chế chính trị của Nhà nước ta, mô hình tổ chức HĐND ở ba cấp, gắn liền với các cơ quan hành chính địa phương, ra đời trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trưởng thành và không ngừng lớn mạnh trong cách mạng xã hội chủ nghĩa đã và đang thể hiện rõ nét vai trò, vị thế của một bộ phận quan trọng trong bộ máy của chính quyền địa phương, một công cụ không thể thiếu để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Tuy nhiên, Luật 2003 cũng đang còn một số khiếm khuyết cần cải tiến, sửa đổi, bổ sung thì HĐND các cấp mới có thể thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.


    Ý kiến bạn đọc