Huyện Hương Khê: Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng về lấn chiếm, tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp
EmailPrintAa
21:09 25/10/2019

Sáng 25/10, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về “Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh” đã làm việc với UBND huyện Hương Khê. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền; Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì cuộc làm việc.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu: T hường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng

Huyện Hương khê có gần 100.187,56ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 69.112,74ha rừng tự nhiên; 25.367,13ha rừng trồng và 5.707,69ha đất chưa có rừng  được quy hoạch theo 3 loại rừng (17.337,23ha rừng đặc dụng; 30.990,89ha rừng phòng hộ và 51.859,44ha rừng sản xuất). Giai đoạn 2016 - 2019, huyện Hương Khê đã tiến hành bảo vệ 188.237,60ha rừng; chăm sóc 5.174,16ha rừng; khoán bảo vệ 188.237,6ha rừng và trồng 295.000 cây phân tán, cây bóng mát; độ che phủ rừng trung bình hàng năm đạt 72,35 %. Thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 13.247,24 ha/3763 hộ/15 xã trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ báo cáo công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê

Việc khai thác, thu từ hoạt động lâm nghiệp, xử lý vi phạm được huyện quan tâm. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã khai thác 3.847,84ha rừng trồng tập trung; bình quân hàng năm tổng trữ lượng gỗ khai thác, tận dụng gỗ rừng trồng trên 211.631,2m 3 . Tổng thu từ hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn toàn huyện từ năm 2016 đến nay là gần 130,5 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 317 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó xử lý hành chính 314 vụ, phạt tiền gần 954 triệu đồng; tịch thu 603,48 m 3 gỗ và 32 phương tiện các loại; khởi tố hình sự 03vụ; đã tiếp nhận và xử lý 14 đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân về các nội dung liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, phá rừng, giao đất giao rừng, cháy rừng; để xẩy ra 02 vụ cháy rừng với tổng diện tích cháy 5,22ha, thiệt hại về rừng 3,34ha…

Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải báo cáo hoạt động của đơn vị

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Thông lãm rõ thêm các vấn đề về công tác đo vẽ, biên chế lực lượng bảo vệ rừng, phương án xử lý đối với các vấn đề tồn đọng của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê…

Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê được giao quản lý 31.276,4ha; trong đó có 24.452,4ha rừng phòng hộ, 6.824ha rừng sản xuất, nằm trên địa bàn hành chính của 12 xã. Hiện nay, có 25.276,4ha được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 5.957,6ha rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã giao khoán rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 2.937ha và tiến hành căm mốc ranh giới 3 loại rừng, mốc ranh giới quản lý giữa Ban và UBND các xã, các đơn vị chủ rừng khác tại thực địa. Giai đoạn 2016 - 2019, không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm nhưng có 1.271,2ha có xảy ra tranh chấp từ trước năm 2013. Cũng trong giai đoạn nêu trên, trong diện tích do Ban quản lý xảy ra 01 vụ cháy rừng; công tác bảo tồn được quan tâm nên nguồn tài nguyên rừng ngày càng ổn định, đảm bảo đa dạng sinh học cao. Công tác phát triển và sử dụng rừng được chú trọng, Ban đã tiến hành trồng 100ha rừng phòng hộ, 452,6ha rừng sản xuất, chăm sóc 420ha; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 77.683,8 lượt ha/170 lượt hộ gia đình, cá nhân, 2 tổ chức…

Thành viên Đoàn giám sát, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt: Cần đánh giá rõ hiệu quả, hạn chế của việc sử dụng 2.000ha rừng của Làng thanh niên lập nghiệp xã Phúc Trạch

Thành viên Đoàn giám sát, Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc: Huyện cần làm tốt công tác giao khoán rừng, đất lâm nghiệp; xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng trồng cây ăn quả

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc tổ chức sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân còn nhiều hạn chế, mang tính tự phát, chưa thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch; chưa đầu tư theo hướng thâm canh, chưa thực hiện việc liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng; chưa có định hướng, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp thực sự có hiệu quả; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số vùng chưa thực sự bền vững; diện tích rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để quản lý, bảo vệ, làm giàu rừng, khai thác các giá trị kinh tế từ rừng; một số hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, giao rừng nhưng không có lao động, không có nguồn lực đầu tư phát triển; chế độ, chính sách, thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng còn thấp; việc bổ sung, các mốc, bảng sau điều chỉnh quy hoạch, sáp nhập, thu hồi chuyển về địa phowng và thực hiện các chương trình dự án khó khăn về kinh phí; kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng thiếu so với thực tiễn...

Thành viên Đoàn giám sát, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Quan tâm xử lý các vụ tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp

Thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Trọng Nhiệu: Cần có giải pháp quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc lấn chiếm, tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Hương Khê đề nghị xem xét bổ sung biên chế công chức đang còn thiếu cho lực lượng Kiểm lâm, biên chế viên chức cho lực lượng bảo vệ rừng; tiếp tục đầu tư các Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay; hỗ trợ kinh phí cho các xã có rừng để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng theo đúng quy định; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong công tác giao khoán rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 168/NĐ-CP; nghiên cứu, định hướng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền kết luận cuộc làm việc

Qua làm việc, Đoàn giám sát và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Hương Khê trong quản lý, sử dụng, khai thác rừng, đất lâm nghiệp. Đồng thời đề nghị thời gian tới huyện Hương Khê cần làm tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, quán triệt các chủ trương, chính sách, Luật Lâm nghiệp, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định liên quan; xác đinh rõ chức năng, nhiệm vụ của các lực lương chức năng và tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng; rà soát tổng thể diện tích rừng, đất lâm nghiệp, công tác cắm mốc thực địa trên địa bàn huyện; chú trọng công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức; tuân thủ nghiêm các quy định trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp và đánh giá rõ hiệu quả các dự án đã thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng ngăn chặn vi phạm, bảo vệ rừng tại gốc; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện tốt công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn; tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất và giá trị rừng sản xuất; tiếp tục kêu gọi đầu tư, khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường rừng; xử lý dứt điểm các vụ việc lấn chiếm, tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp tồn đọng trên địa bàn huyện...

Lưu Thành

    Ý kiến bạn đọc